Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Lê Tiến Thọ:

“Phản ánh đời tư nghệ sĩ nên hết sức có văn hóa”

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL - đã có cuộc trò chuyện xung quanh những thông tin về đời sống văn hóa nghệ thuật phản ánh trên báo chí thời gian qua.

Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá thế nào về những thông tin phản ánh đời sống văn hóa nghệ thuật trên báo chí thời gian qua?

 

Báo chí là kênh thông tin hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, trong đó có văn học - nghệ thuật. Bản thân tôi rất hoan nghênh tinh thần tích cực, khách quan của báo chí. Ví dụ, vừa qua, khi Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL về tình trạng lễ hội tràn lan thì báo chí vẫn đánh giá Festival Huế là hiệu quả. Tôi thấy báo chí đã dám nhìn nhận khách quan những vấn đề tưởng như trên bàn nghị sự các đại biểu quốc hội đang chỉ trích.

 

Ngoài ra, trong lĩnh vực quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật, báo chí cũng có những đánh giá thời sự... Hoạt động nghệ thuật nếu không có sự sát sao thì chắc chắn sẽ có không ít những tổ chức, cá nhân vẫn làm trái quy định. Thực tế, báo chí là một kênh giám sát đắc lực.

 

Đối với chất lượng nghệ thuật, nhiều bộ phim, vở diễn, tác phẩm văn học nghệ thuật..., báo chí cũng nhận xét rất khách quan. Nhiều nhà báo viết phê bình khá chắc tay tạo ra đồng thuận của người đọc và cả xã hội.


“Phản ánh đời tư nghệ sĩ nên hết sức có văn hóa” - 1

NSND Lê Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL

 

Trước những vụ việc báo chí phản ánh, Bộ đã lắng nghe và xử lý thế nào, thưa ông?

 

Hàng tuần, Bộ có giao ban. Nếu có vấn đề nổi cộm được báo chí phản ánh, Bộ trưởng giao các Thứ trưởng phụ trách xử lý. Trên lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật thời gian qua, tôi thấy luôn có hoạt động phá rào, như những chương trình diễn chui, nghệ sĩ mạo danh, hay cấp phép không đúng đối tượng... Có những tình huống khá căng thẳng. Chúng tôi phải rút kinh nghiệm trong tất cả các trường hợp. Thậm chí, nếu cần, có thể phải sửa đổi cả một số quy chế.

 

Điều tôi mong muốn nhất là báo chí làm sao phản ánh, phê bình đúng để con ngựa sáng tạo phát triển, lồng lên... chứ đừng vì những mục đích cá nhân không trong sáng...

 

Những vấn đề báo chí lên tiếng thời gian qua xung quanh những bất cập trong lĩnh vực biểu diễn theo tôi một phần bởi vì lĩnh vực khá phức tạp này đến giờ vẫn chưa có Luật?

 

Hiện nay chúng tôi đang xây dựng Nghị định Nghệ thuật biểu diễn. Vừa qua, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN - nêu vấn đề xây dựng Luật Âm nhạc. Nhưng tôi nghĩ, hiện nay phải xây dựng quy định quản lý chung cho cả nền biểu diễn nghệ thuật rồi bước đến luật thì mới có cơ sở.

 

Nhận xét chung của nhiều người là thời gian gần đây, một số tờ báo sa đà vào những thông tin “lá cải”. Là nhà quản lý và là một nghệ sĩ, ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

 

Đó là một điều bất thường. Những sự động viên tinh thần của báo chí với giới nghệ thuật là rất lớn. Chúng ta thiếu gì những điều đẹp đẽ, tế nhị hơn mà phải đi vào khai thác chuyện đời tư nghệ sĩ. Tất nhiên, những ngôi sao ấy, đời tư là điều được mọi người quan tâm. Những thông tin ấy đánh trúng vào sự tò mò của người xem... Giật tít ca sĩ này thế này, ca sĩ kia thế nọ... nhằm kích thích một bộ phận người đọc. Nhưng lợi bất cập hại, không tạo ra đời sống văn hóa hay ứng xử lành mạnh... Tất cả đang làm méo mó đời sống thông tin...

 

Nói thật là khi báo chí đưa ra thông tin về đời tư nghệ sĩ, anh em trong giới cũng không thích lắm. Thử đặt trường hợp, nếu chính người viết bị chạm đúng vào gót chân A-sin của mình thì sẽ phản ứng ra sao? Tôi nghĩ, nên chăng, khi đặt vấn đề phản ánh đời tư nên hết sức có văn hóa.
 
“Phản ánh đời tư nghệ sĩ nên hết sức có văn hóa” - 2
Một vở diễn trên sân khấu kịch phía Bắc. (Ảnh: internet)

 

Một vấn đề cũng được đông đảo công luận quan tâm là sân khấu phía Bắc đang khá lặng lẽ. Xin Thứ trưởng, và cũng là tân Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có thể cho biết nguyên nhân?

 

Tôi nhận trách nhiệm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam được 5 tháng nay. Điều trăn trở nhất là làm sao đời sống sân khấu ở Hà Nội phát triển. Vấn đề đặt ra là phải đầu tư cho tác phẩm. Năm 2010 sẽ có 5 trại sáng tác. Nhưng sáng tác không thôi chưa đủ mà phải đầu tư dàn dựng và biểu diễn. Chúng tôi sẽ đầu tư cho một vài tác phẩm xuất sắc từ các trại sáng tác đó.

 

Đời sống sân khấu phía Bắc đang đóng băng. Phải chăng sân khấu chưa được quảng bá? Nó còn bị kìm hãm bởi tư duy bao cấp, không chịu bươn trải trong cạnh tranh và tìm nguồn đầu tư. Khó khăn của sân khấu sẽ còn là câu chuyện dài vì đến giờ chúng ta vẫn chưa xây dựng được các trung tâm biểu diễn, rạp hát đạt tiêu chuẩn. Bên lĩnh vực điện ảnh, đã có những rạp tiêu chuẩn quốc tế, chiếu phim 3D và cạnh tranh mạnh. Trong khi đó các rạp hát ở ta hầu hết quy mô nhỏ, nhiều chỗ xuống cấp.

 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

 

Theo Thu Hằng

Thể Thao & Văn Hóa