NSƯT Anh Tú: Sân khấu mắc bệnh… sợ “động chạm”!

(Dân trí) - “Trước đây, tôi từng tính chuyện làm ăn buôn bán. Lúc ấy tôi đã nghĩ, nếu công việc kinh doanh thuận lợi, lời lãi ổn định, tôi sẽ rời bỏ sân khấu. Nhưng số trời đã định, tôi bị sập tiệm, làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất…”, NSƯT Anh Tú tâm sự.

“Sức mạnh của đồng tiền từng lớn hơn niềm đam mê sân khấu”

Cách đây khoảng 10 năm, anh được khán giả nhớ tên là bởi những vai diễn trên phim truyền hình và điện ảnh. Nhưng, nhiều năm trở lại đây hình như anh không còn “ngó ngàng” gì đến việc đóng phim nữa?

Bởi vì tôi đã nhận ra, tôi sinh ra là để làm sân khấu. Sân khấu mới là niềm đam mê số một của tôi. Có nhiều lý do để tôi không tham gia đóng phim truyền hình hay điện ảnh nữa, thứ nhất, công việc của tôi ở nhà hát Tuổi trẻ quá bận (hiện tại, NUST Anh Tú là trường đoàn kịch I), quản lý một đoàn 30 diễn viên cũng phát sinh nhiều việc, nhiều áp lực. Thứ hai, tôi  không có duyên với phim truyền hình và điện ảnh. Thứ ba, tôi đã tìm và có được nhiều thứ ở sân khấu, và tôi chỉ muốn dồn tâm sức cho sân khấu mà thôi.

Điều đó có thể được hiểu, rằng nếu anh chọn đóng phim anh sẽ không có được những gì anh đang có ở sân khấu? Ví dụ như, quyền lực của một trưởng đoàn chẳng hạn?

Sân khấu cho tôi nhiều thứ, lòng yêu nghề, sự thăng hoa trong từng vai diễn, sự say mê, tìm tòi sáng tạo khi bắt tay vào dựng vở mới… Điện ảnh và truyền hình của chúng ta hiện nay, cứ nhìn mà xem, có những phim tiêu tốn đến tiền tỷ của nhà nước mà làm có ra cái gì đâu? Phim làm ra chiếu được một vài buổi, chẳng có khán giả nào tới xem, lại cất vào kho. Tôi tự hỏi, tại sao người ta lại có thể lãng phí tiền của nhà nước đến thế?

Anh nói như thế mà không sợ…

Tôi chẳng sợ gì cả!

Có một thời gian, anh mở cửa hàng ăn uống. Đó có phải là một cách anh nuôi nghề và “chống chọi” lại mức thu nhập thấp của sân khấu?

Khi ấy tôi còn trẻ và bồng bột. Thấy người ta làm ăn khá giả, tôi cũng tính chuyện buôn bán. Lúc ấy tôi đã nghĩ, nếu công việc kinh doanh thuận lợi, lời lãi ổn định, tôi sẽ rời bỏ sân khấu. Nhưng số trời đã định, tôi bị sập tiệm, làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất… Vậy là phải quay về với sân khấu.

Anh vừa nói, anh sinh ra để làm sân khấu, rằng sân khấu mới là niềm đam mê số một của anh. Vậy mà, sức hút của đồng tiền đã từng mạnh hơn niềm đam mê sân khấu?

Thế mới là cuộc đời! Nếu hồi đấy mà bạn hỏi, tôi sẽ không trả lời sân khấu là niềm đam mê số một. Phải đi qua một chặng đường dài, tôi mới nhận ra được điều ấy. Tôi vẫn hay đùa, rời sân khấu ra tôi chẳng làm được cái gì cả. Tôi chỉ có thể được là chính mình khi gắn bó với sân khấu. Tôi chỉ có thể có được thành công, có được niềm hạnh phúc khi ở trên sân khấu.

“Tôi có tài chứ!”

Một, hai năm trước - những người yêu sân khấu cảm thấy mừng khi những đạo diễn trẻ như anh, như Chí Trung, như Lê Khanh… được đứng ra dàn dựng vở diễn độc lập. Nhưng, có ý kiến cho rằng, bi kịch của sân khấu nói chung và các đạo diễn trẻ nói riêng chính là… kịch bản. Anh nghĩ sao?

Đúng, những vấn đề của kịch bản có thể xem là một bi kịch của sân khấu. Kịch bản hay rất hiếm! Nếu xét đến những bi kịch của sân khấu thì có rất nhiều vấn đề, chứ không chỉ riêng chuyện khan hiếm kịch bản. Đó là vấn đề của cơ chế, của lãnh đạo, của kiểm duyệt, của con người, chế độ đãi ngộ, vấn đề tài năng…

Kịch bản giống như một vỉa quặng quý. Từ vỉa quặng ấy để có được sản phẩm ra đời còn là cả một quá trình dài, từ kiểm duyệt, đến “chế biến” kịch bản, dàn dựng, quảng cáo… Đó là cả một công nghệ cần đến sự năng động, tính khoa học và chuyên nghiệp mà hiện tại sân khấu chúng ta chưa thể có được.

Anh vừa nhắc đến cơ chế và kiểm duyệt, những kịch bản sân khấu như thế nào thì không thể qua được “cửa” kiểm duyệt?

Nhiều vấn đề lắm! Sân khấu đang mắc một căn bệnh, gọi là bệnh… sợ động chạm! Nói thẳng nói thật quá là sợ có người này, người kia giật mình. Kể cả, có những kịch bản chả động chạm đến ai cả, những người làm sân khấu vẫn cứ thấy sợ, vẫn cứ ám ảnh sẽ động chạm đến ai đó!

Với những khó khăn như anh vừa kể - chứng tỏ những gì mà chúng ta đang hô hào xã hội hóa sân khấu chỉ là lý thuyết?

Tôi nghĩ là như vậy!

 

NSƯT Anh Tú: Sân khấu mắc bệnh… sợ “động chạm”! - 1

Hạnh phúc của NSƯT Anh Tú trong đêm công diễn vở "Kiều Loan".

Anh cũng vừa nhắc đến tài năng - cũng là một khó khăn của sân khấu hiện nay, xin hỏi đó là vấn đề của đạo diễn hay diễn viên?

Tôi xin nhắc đó là các tài năng trẻ, sân khấu đang thiếu cả diễn viên trẻ tài năng, và cả những đạo diễn tài năng trẻ. Những diễn viên trẻ có khả năng thiên phú về diễn xuất, có thể diễn một cách ấn tượng, sinh động, sáng tạo ngày càng hiếm. Hầu hết là nhờ nhờ, chung chung, buồn thì khóc, vui thì cười.

Với những nghề cần có năng khiếu như sân khấu, phải là những người có thực tài mới làm được. Với những ai không có thực tài, tôi xin có lời khuyên (với các bạn trẻ) không nên làm nghề này, không nên bon chen với sân khấu làm gì.

Vậy hẳn, anh là người có thực tài thì mới “bon chen” với sân khấu mãi thế?

Tôi không thích dùng từ bon chen với bản thân mình, vì tính tôi ghét mọi sự bon chen. Còn tài năng, tôi có chứ! Điều ấy rõ ràng như 2 +2 = 4. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn với vở Kiều Loan được giới chuyên môn đánh giá cao. Về diễn viên, tôi có nhiều vai đáng nhớ với tất cả những ai yêu sân khấu như: Macbét, Vũ Như Tô… Tôi nghĩ, cần phải tự tin vào tài năng của mình để làm việc tốt hơn. Nếu tôi không có tài, ai cho tôi tiếp tục làm việc? Theo tôi, trong trường hợp này, khiêm tốn là không cần thiết.

Tôi mong gia đình êm ấm, hạnh phúc”

Nghe đồn, số anh rất đào hoa với các diễn viên nữ?

Tôi nghĩ không có ai đồn thế đâu, trong công việc, với sân khấu - tôi là người cực kỳ nghiêm túc.

Người ta nói rằng, vì quá nặng lòng với một cô diễn viên sân khấu mà anh lập gia đình muộn như  vậy?

(cười) Muộn gì! Chuyện bình thường. Mọi người chả nên thắc mắc!

Và được biết, vợ anh trẻ hơn anh rất nhiều?

Vợ tôi thua tôi một giáp, thế có là gì! Cô ấy không ở trong ngành sân khấu, chả liên quan gì đến nghệ thuật. Nhưng, tất cả những vở tôi dàn dựng hoặc tôi tham gia diễn, vợ tôi đều đòi đến nhà hát xem bằng được. Cô ấy xem như một khán giả, mọi đánh giá, nhìn nhận rất vô tư, hồn nhiên. Nghe những người trong ngành, bạn bè, đồng nghiệp, giới chuyên môn đánh giá nhiều rồi, bây giờ nghe ý kiến của một khán giả (lại là người thân) có những điều rất hay và thú vị!

Bản thân tôi cũng thích vợ ngoài ngành, để có những điều bù đắp cho nhau. Chứ cả hai đều từ sáng tới tối tập tành ở nhà hát, con cái để cho ai? Hiện tại, chúng tôi đã có một cháu trai ba tuổi khoẻ mạnh. Tôi hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Tôi mong gia đình mãi êm ấm, hạnh phúc để  là hậu phương vững chắc cho tôi - được làm việc, được cống hiến cho nghệ thuật nhiều hơn!

Cảm ơn NSƯT Anh Tú!

Hiền Hương