Những mất mát to lớn cuối năm của showbiz Việt

(Dân trí) - NSND Viễn Châu vừa được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng, trước đó là nghệ sĩ Chinh Nhân, ông bầu Duy Ngọc... Liên tiếp những sự ra đi khiến ai cũng cảm thấy bàng hoàng trong những ngày cuối năm này...

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn nữa, cả nước sẽ chào đón năm mới 2016, thế nhưng showbiz Việt liên tiếp đón nhận những tin buồn. Sự ra đi của nhiều nghệ sĩ khiến ai cũng cảm thấy chạnh lòng trong những ngày cuối năm này.

Soạn giả cải lương, NSND Viễn Châu

Những mất mát to lớn cuối năm của showbiz Việt - 1

NSND Viễn Châu tên thật Huỳnh Trí Bá (sinh năm 1924), ông sinh ra và lớn lên tại Trà Vinh. Mọi người hay gọi theo tên thân mật là anh Bảy theo cách gọi thứ của người miền Nam. Ông vừa trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào ngày 1/2 (nhằm 23 tháng chạp) tại nhà riêng.

Hôm nay (4/2), linh cữu của soạn giả cải lương tài danh - NSND Viễn Châu đã được đưa đi hỏa táng và về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng sự ra đi của ông trong những ngày cận Tết khiến gia đình của ông, những nghệ sĩ trong ngành sân khấu cảm thấy rất đau buồn. Bởi, ông là một trong những cây đa, cây đề của ngành sân khấu cải lương, người đã khai sinh ra thể loại tân cổ giao duyên và những kịch bản để đời cho biết bao thế hệ.

Nghệ sĩ Hồng Nga chia sẻ, những sáng tác của soạn giả Viễn Châu rất hay, tài tình và điệu nghệ bởi vần điệu, câu chữ rất dễ thuộc, dễ nhớ và cũng đầy ý thơ.

Trong tang lễ của ông, đông đảo nghệ sĩ thành phố, ban lãnh đạo thành phố cũng đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình. Tuy ông đã ra đi nhưng những giá trị to lớn mà ông để lại cho đời sẽ còn mãi trong lòng của nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu, của những khán giả mộ điệu cải lương.

Nghệ sĩ Chinh Nhân qua đời khi 44 tuổi

Những mất mát to lớn cuối năm của showbiz Việt - 2

Nghệ sĩ Chinh Nhân, con trai nghệ sĩ Bạch Mai và cố nghệ sĩ Đức Lợi, đã trút hơi thở cuối cùng lúc 15 giờ ngày 28/1/2016, do viêm phổi cấp tính, hưởng dương 44 tuổi. Linh cữu của anh được đưa đi an táng tại chùa Nghệ sĩ ngày 31/1/2016 vừa qua.

Chinh Nhân tham gia đoàn Đồng ấu Bạch Long từ nhỏ. Anh được dạy ca hát, vũ đạo, võ thuật... và thể hiện được năng khiếu nghệ thuật của thế hệ kế thừa. Nhưng vào giai đoạn sân khấu khó khăn, cố nghệ sĩ Đức Lợi quyết định cho Chinh Nhân đi học nghề sửa xe gắn máy. Ông muốn con mình có một nghề ổn định. Dẫu vậy, niềm đam mê nghệ thuật nên Chinh Nhân không bỏ nghề mà xin cha mẹ tiếp tục gia nhập đoàn Đồng ấu, chỉ diễn vào cuối tuần.

Chinh Nhân đoạt HCV triển vọng giải Trần Hữu Trang với vai An Dương Vương trong trích đoạn "Trọng Thủy – Mỵ Châu". Một số vai diễn ấn tượng khác của Chinh Nhân là Cao Quân Bảo trong vở "Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu" và vai kép trong vở "Kim Hồ Điệp". Anh cũng được giao đóng các vai khó Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành trong các chương trình sân khấu truyền hình.

Lần đứng trên sân khấu cuối cùng của anh là khi tham gia chương trình ra mắt CLB cải lương “Ba thế hệ - Về lại cội nguồn” do Kim Tử Long tổ chức tại rạp Công Nhân trước ngày mất 2 tuần. Nhiều năm qua, khi sàn diễn cải lương gặp nhiều khó khăn, Chinh Nhân đứng ra lập gánh hát chầu, nhận các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong các mùa cúng kỳ yên ở các Đình, Chùa. Nhiều nghệ sĩ trẻ nhờ anh mà tiếp tục gắn bó với nghề, có thu nhập trang trải cuộc sống.

Tuổi đời còn khá trẻ và đang là thế hệ kế thừa của gia đình nên khi anh ra đi khiến nhiều người cảm thấy đau buồn và khá bất ngờ. “Tôi chỉ có một anh trai, gia tộc kỳ vọng vào sự nối nghiệp của anh và anh đã nỗ lực hết mình để xứng đáng kỳ vọng đó. Thế nhưng, anh sớm bỏ tôi mà đi, không còn được gặp anh” – Nghệ sĩ Bình Tinh, em của nghệ sĩ Chinh Nhân bật khóc trong lễ an táng của anh.

Nghệ sĩ khóc tiễn biệt "bầu" Duy Ngọc

Những mất mát to lớn cuối năm của showbiz Việt - 3

“Bầu” Duy Ngọc tên thật là Tiểu Mạnh Duy (sinh năm 1939 tại Sài Gòn). Gia đình có 9 anh chị em, ông thứ 5 và là người duy nhất theo nghề làm bầu. Ông rất thân với ca sĩ Bích Ngọc (em của ca sĩ Minh Hiếu), nên quyết định ghép tên mình với người bạn thân làm nghệ danh Duy Ngọc. Ông đi hát và được nhiều đàn anh, đàn chị trong nghề quý mến, do tính tình hiền lành, không thích khoa trương lại đam mê nghệ thuật.

Năm 1956 ông chính thức đứng ra làm bầu - một bầu sô trẻ nhất Sài Gòn. Bản hợp đồng ký kết với nghệ sĩ thời đó mà ông còn giữ tới bây giờ đó là sô diễn tại rạp Quốc Thanh năm 1956 có mặt Út Bạch Lan, Thành Được, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Mai Lệ Huyền...

Duy Ngọc được xem là một nhà tổ chức uy tín, nhiều thập niên qua vẫn bền bỉ với nghề. Ông chính là người đã nâng đỡ, tạo cơ hội cho nhiều nghệ sĩ tỏa sáng trên sân khấu. Và ông cũng coi những nghệ sĩ mình đã làm việc là người trong gia đình. Mỗi khi nghệ sĩ có hậu sự, ông là người có mặt sớm nhất, lo lắng, động viên, an ủi như một người thân trong gia đình.

"Tôi và nhiều ca sĩ trẻ biết ơn cậu Duy Ngọc, một nhà tổ chức chương trình có tâm, có tấm lòng, năm nào vào ngày giỗ tổ sân khấu, cậu cũng khuyên chúng tôi phải cố gắng trau dồi nghề, đạo đức" – Ca sĩ Lý Hải chia sẻ về tình cảm mà anh cũng như nhiều người dành cho Duy Ngọc.

Sáng 29/1 vừa qua, rất nhiều nghệ sĩ trong nước và hải ngoại đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình, cùng đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa - TP HCM.

Diễn viên Thành Lũy

Những mất mát to lớn cuối năm của showbiz Việt - 4

Diễn viên Thành Lũy( sinh năm 1950), ông sinh ra và lớn lên tại Đồng Nai, trong một gia đình gia công và buôn bán kim hoàn giàu có tiếng. Từ nhỏ, ông đã có cuộc sống sung túc vì với nghề kim hoàn, gia đình ông rất giàu có, đầy đủ điều kiện, tiền bạc. Nhưng ông cũng bỏ nghề gia truyền của gia đình, bất chấp sự ngăn cản của mẹ để đến với nghiệp diễn.

Với lợi thế về ngoại hình, ông hoạt động trong đoàn văn công địa phương rồi tham gia đóng phim. Trong phim “Ván bài lật ngửa”, Thành Lũy đảm nhận ba vai cùng lúc. Trong tập một, ông đóng sĩ quan Mạch Điền, sau đó vào vai trung tá Hoàng Đình Duyệt và vai "Tỉnh trưởng Thừa Thiên Huế". Ngoài ra, Thành Lũy còn tham gia trong nhiều phim điện ảnh những năm 1980 như "Lê Thị Hồng Gấm", "Cư xá màu xanh", "Cái chết của nhà tỷ phú"...

Tuy nhiên, diễn viên Thành Lũy khá lận đận trong nghiệp diễn và cuộc sống gia đình. Sau khi chia tay vợ năm 2004, ông đơn thân nuôi con gái trong cảnh nghèo khó, bệnh tật.

Gần đây, bộ phim ông tham gia trước khi nhập viện là "Mặn hơn muối" của đạo diễn Nhâm Minh Hiền.

Sau khi đi phim về ông phải đi cấp cứu do biến chứng của bệnh xơ gan cổ trướng. Sau nửa tháng nằm tại phòng hồi sức cấp cứu, Thành Lũy được chuyển lên khoa tiêu hóa để bác sĩ hút dịch từ bụng trương phình ra mỗi ngày. Giữa tháng 12, ông rời bệnh viện về nhà tại Long Thành, Đồng Nai để an dưỡng. Nhưng sau đó không lâu, ông từ trần lúc 19h30 ngày 14/1 tại nhà riêng ở Long Thành, Đồng Nai.

Nhạc sĩ Mạnh Trinh qua đời ở tuổi 58

Những mất mát to lớn cuối năm của showbiz Việt - 5

Nhạc sĩ Mạnh Trinh sinh năm 1957 tại Sài Gòn. Ông theo học tại Nhạc viện TPHCM chuyên ngành sáng tác. Sau ba năm học tập và miệt mài nghiên cứu, nhạc sĩ tạo nên thành công với tổ khúc giao hưởng “Sài Gòn đất lành chim đậu” nổi tiếng một thời.

Ngoài ra Mạnh Trinh còn giành nhiều giải thưởng trong sự nghiệp sáng tác như: Giải A cuộc vận động sáng tác ca khúc Sài Gòn tình ca như "Phố quen", "Trở về phố cũ", cùng một số tác phẩm khí nhạc khác: "Tiếng vọng Cửu Long", "Rhapsodie" cho guitar phím lõm. Ông cũng là người hòa âm cho ca khúc hit "Đi về nơi xa" của Đan Trường. Nhạc sĩ đang đảm nhận vị trí biên tập âm nhạc cho Đài Truyền hình TPHCM.

Nhạc sĩ "Phố quen" từ trần vào rạng sáng 8/10 vừa qua ở tuổi 58 vì bệnh ung thư phổi.

Người thân của nhạc sĩ Mạnh Trinh cho biết khi gia đình phát hiện ông bị ung thư phổi thì căn bệnh đã ở giai đoạn cuối. Sau một thời gian cố gắng chạy chữa, hóa trị ông vẫn không vượt qua được.

Băng Châu (Tổng hợp)

Những mất mát to lớn cuối năm của showbiz Việt - 6