Những chuyện chưa kể về “Ông già Khốt ta bít” Việt Nam

(Dân trí) - Một ngày cuối tháng 7, nhà văn Minh Đăng Khánh - người được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến “ông già Khốt ta bít Việt Nam” đã mãi mãi ra đi vào cõi vĩnh hằng.

Ông Trần Đăng Thái, bút danh Minh Đăng Khánh, sinh năm 1941 tại thành phố Vinh. Năm học cấp III ông ra Hà Nội, sau đó học Đại học báo chí khóa đầu tiên. Tự học ngoại ngữ, ông giỏi năm thứ tiếng, dịch rất nhiều sách, nổi tiếng là bản dịch tác phẩm Ông già Khốttabít (tác giả: L. Laghin) được NXB Măng Non (tiền thân của NXB Trẻ, TP.HCM) in năm 1984, NXB Thuận Hóa (Huế) tái bản năm 1985, NXB Cầu Vồng (Matxcơva) hợp tác với NXB Kim Đồng (Hà Nội) tái bản năm 1990... Ông mất lúc 16h20 ngày 10/7/2011, thọ 71 tuổi. 

Những chuyện chưa kể về “Ông già Khốt ta bít” Việt Nam - 1
Nhà văn Minh Đăng Khánh

Nếu đã từng một lần gặp ông, “con người nhỏ nhẹ” (Nguyễn Khắc Phê) ấy hẳn người ta sẽ cảm thấy như được ở bên người cha, người ông của mình. Mái tóc bạc, ánh mắt lấp lánh yêu thương, chưa có ai trở nên xa lạ khi đến với ngồi nhà nhỏ của ông. Trang facebook “Khốt Đăng Khánh” của ông lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười của những bạn trẻ. Nó như một chiếc cầu nối những ân tình từ khắp mọi nơi. 

Ngôi nhà mà ông vẫn thường gọi âu yếm bằng “Tân Tiểu Tĩnh Viên” luôn mở rộng cửa chào đón bạn trẻ gần xa với những khoảng không tràn ngập màu xanh của cây cỏ. Ông sẽ dẫn các bạn lang thang chụp hình hoa cỏ bên “cánh đồng hoang” – khoảng đất chưa quy hoạch bên nhà, ông sẽ truyền những bài học kinh nghiệm trong cách viết, cách dịch và cả những bài học về nhân cách sống. Và họ âu yếm gọi ông bằng cái tên “Lão Cái Bang”.

“Chuyện đời thường” là tập hợp những bài viết trong mục “Chuyện đời thường” trên báo Sài Gòn Giải Phóng số ngày chủ nhật từ 4/1998 cho đến lúc ông gần về hưu. Như ông chia sẻ: “Tôi không sao chụp nguyên xi những chuyện mình từng mắt thấy tai nghe, mà chắt lọc từ đó những gì cần kể”, vì thế những chuyện đời thường qua lối kể mộc mạc của ông thật giản dị nhưng lại là những bài học lớn về hiếu, nghĩa, nhân.

Những chuyện chưa kể về “Ông già Khốt ta bít” Việt Nam - 2

Ông chưa bao giờ nhận mình là thầy của những người đi sau nhưng trong lòng những thế hệ nhà báo, nhà văn sau ông đều coi ông như một tấm gương sáng, một người thầy đáng kính với những bài học không bao giờ thừa. Ở vị trí của một nhà văn, ông luôn cố gắng dùng những từ ngữ gần gũi, giản dị nhất để ai cũng có thể đọc, có thể hiểu. Ông là người kể câu chuyện đời thường bằng những ngôn từ bình dân. Nhưng không phải vì thế mà ông tỏ ra dễ dãi với những câu bút non trẻ. Non trẻ không đồng nghĩa với việc thiếu trách nhiệm, cẩu thả trong từng câu chữ.

Ở vị trí của một người biên tập, ông chăm chút từng dấu chấm, dấu phẩy từng nét ngang, dấu hỏi. Chính vì thế trong thời gian làm việc tại Ban Tuyên huấn trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng, ông đã đôi lần được gặp Bác Hồ, được Bác giao nhiệm vụ. Bài “Níchxơn chớ quên...” của ông đăng báo Cứu Quốc ngay sau khi Ních xơn nhậm chức tổng thống Mỹ. Ngay sau khi Bác mất, ông đã dịch và cho công bố bài báo nổi tiếng “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” của nhà báo Cuba Macsta Rôhát phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Bác mất chưa đầy hai tháng.

Hành trình của cuộc đời ông đã khép lại nhưng hành trình của những chuyện đời thường đầy yêu thương vẫn được nối dài mãi.

 Hà Phan