Nhật ký Bạch Tuyết lấy tiếng cười từ những chuyện phi lý

(Dân trí) - Bộ phim Nhật ký Bạch Tuyết dựa trên một cốt truyện hư cấu, có lẽ vì thế, các nhà làm phim tự cho phép mình có thể “thổi phồng”, “phi lý hóa” mọi tình tiết...

Nhật ký Bạch Tuyết lấy tiếng cười từ những chuyện phi lý - 1

Là một phim chiếu Tết bởi vậy Nhật ký Bạch Tuyết lấy điểm nhấn là sự hài hước, gây cười, giải trí.

Cô Tuyết da đen lớn lên trong một gia đình giàu có, quen được cưng chiều, muốn gì được nấy. Một ngày, Tuyết da đen nhận được thông báo từ mẹ, ba cô trước khi qua đời đã để lại cho cô một kho báu, với mật mã H5N1, cô hãy đi tìm mật mã trong những cuốn sách của thư viện sẽ tìm ra kho báu. Nghe lời mẹ, Tuyết da đen tìm đến thư viện, tuy nhiên, ở đây đã có kẻ đến trước và bất ngờ gây tai nạn cho Tuyết khiến cô bị mất trí một phần. Tuyết da đen nghĩ mình là Bạch Tuyết đang bị mụ dì ghẻ (chính là người mẹ đẻ khốn khổ) giam cầm. Tuyết kết hợp cùng 7 chú lùn đi tìm hoàng tử và kho báu với mong muốn có thể trở về thế giới cổ tích...

 

Với phần tóm tắt nội dung như vậy, kịch bản Nhật ký Bạch Tuyết có thể xếp vào dạng mới lạ, hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều tình tiết trong phim chưa được chọn lọc kỹ lưỡng, nhiều tình tiết bị khai thác quá đà. Câu chuyện hài hước về cô Tuyết da đen được mặc định là hư cấu, và vin vào sự hư cấu ấy, các nhà làm phim đã tự cho phép mình “thổi phồng hóa”, “phi lý hóa” nhiều tình tiết để gây cười.


Nhật ký Bạch Tuyết lấy tiếng cười từ những chuyện phi lý - 2
 
Nhiều trường đoạn kéo dài lê thê, để đợi tiếng cười được bật ra, khán giả buộc phải học cách... kiên nhẫn. Đơn cử, khi đoàn người đi tìm khung cảnh trên bức tranh, đi qua khúc một sông cạn nhiều đỉa, chỉ vì một mình chú Nhất sợ đỉa không dám lội qua, hoàng tử Hoàng phải nhẫn nại bế bổng từng nhân vật (cả thảy là 8 nhân vật) qua sông, trong khi họ có một con ngựa! Và vì hoàng tử đã mất sức bế bổng 8 nhân vật qua sông nên “nhân vật” ngựa bị đạo diễn cắt vai luôn ở phân cảnh này vì nhận thấy... thừa thãi. Khán giả phải ngồi đợi 8 nhân vật qua sông rồi mới được... cười với “câu chốt” của chú lùn quay phim rằng “Đoạn này rất đẹp, muốn quay lại, nên mời các nhân vật về... vị trí cũ”.

 

“Tuyệt chiêu” bắt hoàng tử phải bế bổng từng người còn được “tái sử dụng” ở phần cuối khi đạo diễn muốn hài hước hóa cảnh bắt con tin của lùn bảo vệ. Tuy nhiên, phần “tái sử dụng” không có tác dụng gây cười được nữa.


Nhật ký Bạch Tuyết lấy tiếng cười từ những chuyện phi lý - 3

Dù đã nói nhiều đến sự nỗ lực, cố gắng, tuy nhiên diễn xuất của hai siêu mẫu Trúc Diễm và Vĩnh Thụy ở nhiều trường đoạn vẫn thể hiện sự non nghề của những diễn viên tay ngang. Diễn có nghề hơn cả trong Nhật ký Bạch Tuyết chỉ có thể điểm tên NSƯT Hồng Vân. Á hậu Kim Chi đã dũng cảm thử sức một vai hài, tuy nhiên cách phục trang gợi cảm hơn mức cần thiết, và cách diễn quá điệu đà đã không làm nên một vai diễn thành công cho Á hậu.
 

Bởi vậy, có lẽ không nên xem Nhật ký Bạch Tuyết với kỳ vọng vào một tác phẩm điện ảnh giàu tính nghệ thuật với kịch bản chặt chẽ, diễn xuất tinh tế hay chờ đợi những sáng tạo giàu tính điện ảnh, chỉ có thể xem Nhật ký Bạch Tuyết giữa những ngày Tết vui vẻ để giải trí mà thôi.

 

Hào Hoa