Nhan sắc Việt trên "đấu trường" quốc tế

Các cuộc ra quân sắc đẹp dù rất rầm rộ, nhưng các thí sinh trở về chỉ với những giải thưởng khiêm tốn, đậm màu "hữu nghị" - là điều chúng ta nên suy nghĩ...

Năm 2004, Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền đứng trong top 15 của cuộc thi Hoa hậu Thế giới; cũng trong cuộc thi này vào năm 2006 hoa hậu Mai Phương Thuý đứng ở top 17.

 

Đó là hai "đỉnh cao" các hoa hậu (HH) Việt Nam đã chạm tới - dù mỗi năm chúng ta vẫn rầm rộ tiễn chân trên dưới 10 người đẹp lên đường tham dự các "đấu trường" sắc đẹp quốc tế. Nhan sắc bí ẩn của châu Á đang lên ngôi, nhưng vì sao những HH Việt Nam chỉ đủ sức đoạt được những giải thưởng phụ, mang tính hữu nghị?

 

Những "Hoa hậu bối rối"

 

Chưa tính đến chuyện "mang chuông đi đánh xứ người", tại các cuộc thi sắc đẹp "quốc nội" - công chúng đã bao lần thót tim với hiểu biết của những cô gái "đại diện cho nhan sắc và trí tuệ của phụ nữ Việt Nam".

 

Vòng cuối cùng, vòng ứng xử để chọn ra cô gái thông tuệ nhất, câu trả lời khá nhất cũng chỉ loanh quanh: Áo dài chắc chắn sẽ tượng trưng cho hình ảnh của phụ nữ VN, thắng cảnh nổi tiếng của VN nhất định sẽ là Hạ Long, di sản văn hoá luôn luôn là cố đô Huế, nếu được giải đương nhiên sẽ mang tiền thưởng đi làm từ thiện...

 

Còn với câu hỏi thử thách chút xíu về cá tính, sự thông minh, linh động, hiểu biết xã hội - các người đẹp cũng... chắc chắn sẽ lúng túng như gà mắc tóc.

 

Khi Quy chế thi hoa hậu được Bộ VH-TT ban hành, với những điều kiện rất "thoáng": Không nhất thiết phải đạt hoa hậu trong nước, các người đẹp vẫn được đi thi quốc tế (chỉ với yêu cầu: Người đẹp phải sử dụng thông thạo một ngoại ngữ và chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ).

 

Xét một cách tích cực, cũng thấy phấn chấn khi các cuộc thi Hoa hậu thế giới, HH Hoàn vũ, HH Trái đất, HH Liên lục địa, HH Châu Á Thái Bình Dương, HH Du lịch, HH châu Á, HH Asean... trong mấy năm gần đây đều có đại diện của Việt Nam tham dự. Nhưng, theo dõi sự "hội nhập" này lại thấy thương các người đẹp Việt Nam.

 

Cái gọi là "thông thạo một ngoại ngữ" chỉ vừa đủ cho những tình huống giao tiếp đơn giản, đủ để người đẹp "tiếp thị" về bản thân và đất nước mình một cách công thức nhất. Họ hoàn toàn bối rối trong các cuộc giao tế, các hoạt động bên lề bổ trợ cho cuộc thi, mờ nhạt bên cạnh những người đẹp sinh động và tự tin tỏa sắc đến từ các quốc gia khác.

 

Nhan sắc Việt trên "đấu trường" quốc tế  - 1
Hoa hậu Mai Phương Thúy lọt vào top 17 cuộc thi hoa hậu thế giới 2006 

 

Để "đua" chiều cao với thí sinh quốc tế, khi chọn đại diện cho nhan sắc Việt Nam, các công ty đưa người đẹp đi thi thường lấy từ chính "nguồn" người mẫu mà mình đang hợp đồng độc quyền (đây cũng là cơ hội PR thương hiệu cho công ty người mẫu). Nhưng chỉ vóc dáng đẹp, cặp chân dài thì không đủ làm nên một ấn tượng về nhan sắc và trí tuệ.

 

Đã có người mẫu VN khi tham dự một cuộc thi nhan sắc đẹp thế giới, phải giả vờ đau bụng để khỏi phải đi giao lưu vì sợ không biết ăn nói thế nào. Một người mẫu khác sau khi khiến BTC cuộc thi HH châu Á "choáng váng" vì hình xăm ở thắt lưng, đã tự đánh tụt điểm số của mình vì phần trả lời  phỏng vấn rất ngô nghê với vốn tiếng Anh không đủ diễn giải những suy nghĩ rất đơn giản của cô.

 

Khi về nhà, trả lời báo chí thường là lời phàn nàn của các người đẹp: Kết quả không cao của thí sinh VN là do người phiên dịch đã không dịch lại đầy đủ câu trả lời ứng xử của thí sinh đến ban giám khảo(?!)

 

Phép tính sai về "đặc sản dân tộc"

 

Bà Thanh Chung - Phó giám đốc Công ty Tiền Phong, người nhiều lần phụ trách đoàn VN đi thi hoa hậu thế giới cho biết: Bên cạnh rào cản ngôn ngữ, nhược điểm của các người đẹp Việt Nam là khó hòa đồng và rất chật vật khi muốn thể hiện mình.

 

Hành trang thi tài năng quanh đi quẩn lại chỉ có múa công, hát một đoạn quan họ ngắn kết hợp với múa nón, múa quạt. Trang phục tự chọn luôn là áo dài (hoặc soire cách điệu từ áo dài). Món quà lưu niệm không tranh sơn mài thì tranh thêu, trên đó nhất định phải có hình Hạ Long hoặc cô gái đội nón...

 

Dường như có sự lầm tưởng cứ phải mang "đặc sản" dân tộc ra thi thố thì mới ấn tượng, ăn điểm. Thực tế, múa công của VN đơn điệu hơn, cũng chính điệu múa ấy được đem đến từ Trung Quốc, quan họ, áo tứ thân rõ ràng sẽ chìm lấp trong một không gian hội hè vui nhộn.

 

Trong cuộc thi HH Trái đất 2006, người đẹp Vũ Nguyễn Hà Anh đã bạo dạn không theo lối mòn "khăn mỏ quạ yếm đào", mà xuất hiện với bộ soire sexy chói lọi, tự đệm đàn piano và hát Colors of the wind. Kết quả, Hà Anh đã giành giải Á Hậu Tài năng.

 

Nhan sắc Việt trên "đấu trường" quốc tế  - 2
 Vũ Nguyễn Hà Anh giành giải Á Hậu Tài năng cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2006

 

Đến Hoa hậu Mai Phương Thúy, với chiều cao 179cm, khả năng nói tiếng Anh "như người bản xứ", được BTC chuẩn bị kỹ càng với tất cả kinh nghiệm và có thể nói, niềm hi vọng của người hâm mộ VN được đặt hết lên vai hoa hậu này.

 

Nhưng khi Mai Phương Thuý xuất hiện trong hai đêm thi quan trọng nhất với chiếc áo dài nhung đen, được thêu và kết cườm bởi 40 nhân công làm trong năm ngày, và bộ dạ hội (cũng lại) màu đen cách điệu từ áo dài, thêu và kết cườm cầu kỳ - khán giả nước nhà xem truyền hình trực tiếp, vừa lo lắng vừa thương cô.

 

Giữa rừng người đẹp với những bộ dạ hội lộng lẫy, khoe từng đường nét gợi cảm tuyệt mỹ của thân hình - thì hoa hậu của chúng ta "kín cổng cao tường" trong "quốc phục", già nua hơn cái tuổi 18 của cô quá nhiều.

 

Đương nhiên, trang phục và những món quà tài năng không làm nên thứ hạng thấp của các HH Việt Nam, nhưng với "nhiệm vụ" gây ấn tượng, đại diện nhan sắc cho một đất nước, mức độ "hoàn thành" rõ ràng là quá mờ nhạt.

 

Chậm trễ - "thông lệ" mang tên Việt Nam?

 

Các cuộc thi HH quốc tế đều được lên lịch trước cả năm nhưng không hiểu vì lý do gì mà hầu như lần nào chúng ta cũng gửi các thí sinh đến muộn. HH Nguyễn Thị Huyền trước khi lên đường một tuần mới biết chắc là mình được đi thi và đến muộn gần 10 ngày.

 

Diệp Hồng bỏ lỡ mất hai phần thi phụ và là người đến muộn nhất trong cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp toàn cầu 2005. Cuộc thi HH Việt Nam 2006 đã tổ chức sớm lên hai tháng để đại diện Việt Nam không bị chậm trễ như "thông lệ" - nhưng cuối cùng Mai Phương Thuý vẫn đến muộn và không tham gia được vài phần thi phụ vì thiếu chuẩn bị.

 

Không chỉ bị thiệt điểm so với các thí sinh khác, nhiều người đẹp VN còn bị cơ quan quản lý nước nhà lên tiếng sau lưng là thi "chui". Người mẫu Hoàng Khánh Ngọc trong cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2004, Phạm Thu Hằng trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2005 đã bị Bộ VH-TT gửi văn bản đến Ban tổ chức để khẳng định việc cô không đại diện cho VN đi thi. Với "hậu phương" như thế, tâm lý thi thố của người đẹp bất ổn cũng dễ hiểu!

 

Nhan sắc Việt trên "đấu trường" quốc tế  - 3
 Người mẫu Hoàng Khánh Ngọc

 

Quảng bá hình ảnh quốc gia qua một nhan sắc thông tuệ là con đường chinh phục nhẹ nhõm và cuốn hút nhất. Hiện, Việt Nam đã góp mặt trong 50 quốc gia được đánh giá cao nhất trong các cuộc thi sắc đẹp do Global Beauties công bố. VN cũng đã giành được quyền đăng cai cuộc thi HH Hoàn vũ 2008.

 

Nội một năm 2007, có tới 10 cuộc thi hoa hậu mở ra tưng bừng trên khắp vùng miền. Xem ra, VN đang hướng đến triển vọng là đất nước của Hoa hậu (như Venezuella chẳng hạn) tuy vậy các cuộc ra quân sắc đẹp dù rất rầm rộ, nhưng các thí sinh trở về chỉ với những giải thưởng khiêm tốn, đậm màu "hữu nghị" - là điều chúng ta nên suy nghĩ.

 

 Theo Phụ Nữ/Tintuconline