Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo: “Tôi là người cuồng dại”

(Dân trí) - "Trong cái may thường có cái rủi và ngược lại. Và tôi là người hay may mắn. Có lẽ ngoài may mắn, còn phải kể đến ba yếu tố là cuồng dại, trí tuệ và tham vọng lớn. Tôi là kẻ cực kỳ tham vọng", nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo tâm sự.

Vào một ngày giữa năm 1999, tôi đến nhà nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha để gửi nhuận bút và báo biếu cho một bài viết của anh trên báo Nhà báo & Công luận, nơi tôi công tác. Nguyễn Thuỵ Kha đang ngồi nhậu với một người bạn, hất hàm bảo tôi: Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo.

 

Tôi lơ đãng vâng dạ cho phải phép rồi cáo lui. Mấy hôm sau, để truy tìm tiểu sử một danh nhân, tôi giở cuốn le Petit Larousse và chợt giật mình. Cái ông già nhỏ thó, da đen, khuôn mặt nhầu nhĩ như lão bán gà thời H5N1 kia là một trong ba người Việt Nam có tên trong cuốn từ điển lừng danh này (về sau được biết Nguyễn Thiên Đạo còn có tên trong Từ điển le Petit Robert). Chợt tiếc vì sự hiểu biết nông cạn, "không thấy núi Thái Sơn trước mắt" nên lỡ một cuộc phỏng vấn. Và rồi phải gần 10 năm sau, tôi mới có dịp tái ngộ để thực hiện cuộc trò chuyện với ông.

 

Trước hết, xin chúc mừng ông về ngôi nhà mới và cũng xin hỏi luôn, thông điệp của việc mua nhà này là gì vậy?

 

Về phía Nhà nước, đây là minh chứng rõ nét nhất đối với chủ trương cho phép Việt kiều được mua nhà tại quê hương đồng thời thể hiện sự tin tưởng đối với những người con xa Tổ quốc chúng tôi. Về cá nhân, tôi chính thức trở về Hà Nội, nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời và cũng là nơi chứa đựng rất nhiều kỉ niệm của những ngày thơ ấu.

 

Có người nói, để đi từ hồ Hoàn Kiếm đến hồ Đống Đa, Nguyễn Thiện Đạo phải vòng qua nước Pháp và mất đến hơn một nửa thế kỷ...?

 

Điều đó hoàn toàn đúng. Tôi sinh năm 1940 ở phố Khâm Thiên. Được vài năm, cả nhà chuyển đến ở số 19 Tràng Tiền. Dạo đó, đây là cửa hiệu thời trang nổi tiếng Hà Thành đồng thời cũng là cơ sở hoạt động bí mật của ta. Năm 1953, gia đình gửi tôi sang Pháp du học.

 

Đến năm 1954, theo Chỉ thị của Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn, bố tôi vào miền Nam hoạt động tình báo theo con đường di cư. Khi đất nước thống nhất, ông cụ chính thức được công nhận, phong quân hàm và tặng thưởng huân chương. Trong một cuốn sách viết về Công an Hà Nội của ông Lê Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc Công an Hà Nội) có kể khá kĩ việc này.

 

Được biết là gia đình ông từ xưa đến nay không có ai làm nghệ thuật. Vậy con đường nào dẫn ông đến với âm nhạc?   

 

Điều đó tôi không lý giải được và cứ theo cái logic ở đời thì với những gì không lý giải được, tốt nhất là đổ cho số phận. Trong lá số tử vi, tôi có sao Văn xương, Văn khúc chiếu vào cung Phúc đức. Có lẽ vì vậy nên ngay từ thủa ấu thơ, tôi luôn sống trong thế giới mộng mị, lơ mơ. Đến năm 1967, khi đỗ vào Nhạc viện Quốc gia Pari, tôi hiểu rằng đây chính là định mệnh mà thượng đế dành cho tôi. Cũng nói thêm là bố tôi không đồng ý cho tôi theo học âm nhạc nên cắt luôn nguồn kinh phí. Vì vậy, tôi phải tự làm việc để kiếm sống.

 

Ông sang Pháp năm 1953 nhưng mãi đến năm 1967 mới vào học ở Nhạc viện Pari. Sao lại lâu như vậy?

 

Thông thường, người ta sang Pháp là để học một nghề nào đó tại các trường cao đẳng, đại học. Thế nhưng tôi đi từ khá sớm nên vừa phải học văn hoá đồng thời phải theo học một số chương trình trước khi dự thi. Mặt khác, quy chế tuyển sinh của trường này khá khắt khe.

 

Họ cố định mỗi lớp chỉ có 12 sinh viên, nên khi nào có người ra trường thì mới tuyển sinh lấp vào chỗ trống. Rất may là tại đây, tôi đã được theo học nhạc sĩ bậc thầy O’.Messiaen nên chỉ 3 năm sau (1967), tôi đã có tác phẩm được Giải thưởng hạng nhất của Nhạc viện. Có lẽ đây cũng là giải thưởng duy nhất của người Việt Nam tại nhạc viện này cho đến tận bây giờ.

 

Và khi phát phần thưởng, ông đã đề yêu cầu hạ lá cờ vàng ba sọc xuống?

 

Không. Chuyện đó xảy ra tại Đại hội Âm nhạc thế giới - Royan 1967. Khi đó, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chưa được Liên hiệp quốc công nhận nên họ kéo cờ của Việt Nam cộng hòa cho nên tôi phản đối, yêu cầu phải hạ xuống. Chuyện đó được báo chí Pháp làm khá rùm beng, gọi là "chiến trường giữa lòng Pari". 

 

Việc một nhạc sĩ sống duy nhất bằng sáng tác âm nhạc trên thế giới cũng rất hiếm. Vì sao ông có được vinh  hạnh đó?

 

Tôi may mắn vì có được sự hỗ trợ của một số NXB ân nghĩa nên có thể sống được bằng nghề mà không phải quá lo lắng về cơm áo. Thậm chí, một NXB còn ứng trước cho tôi một số tiền rất lớn để mua ngôi nhà ở Quận 6. Đây là quận cổ kính và sang trọng vào bậc nhất của Pari. Rất nhiều doanh nhân, chính khách, văn nghệ sĩ nổi tiếng đều ở quận này nên có thể nói đây là nơi hội tụ của văn hóa Pháp.

 

Thế nhưng một nhạc sĩ có tên tuổi ở trong nước lại nói rằng Nguyễn Thiên Đạo "chỉ biết có bộ gõ"?

 

Thật thế à? Tôi biết đố kị gần như là thuộc tính của con người nhưng có lẽ ở đây không có chuyện ấy mà đơn giản là người đó chưa hiểu đúng về tôi thôi. Cũng như trước khi tôi viết phần nhạc cho phim Chuyện của Pao, có người nói tôi viết cứng nên làm sao viết nổi nhạc cho phim. Họ nói gì thì nói, kệ họ thôi.

 

Nếu nhận xét về phong cách của mình, ông sẽ nói gì?   

 

Tôi là nhạc sĩ của dòng âm nhạc bác học hiện đại và chủ yếu là viết cho các dàn nhạc giao hưởng.

 

Có người bảo ông là người cách tân âm nhạc dân tộc nhưng cũng có người lại bảo ông viết cho... ma?

 

Đúng là tôi đã viết hàng chục tác phẩm dựa trên nền tảng âm nhạc dân tộc như Khói nguyệt - viết cho đàn nguyệt, Khói sóng - đàn tranh, Khói Trương Chi - đàn bầu, Khói hát - đàn nhị, Khói khói - sáo và tiêu... nhưng bảo tôi là người cách tân thì hơi quá. Có lẽ nên đánh giá tôi như là người có những đóng góp cho sự cách tân âm nhạc dân tộc thì chính xác hơn.

 

Còn viết cho ma?

 

Ngay từ còn bé, tôi đã luôn sống trong thế giới ma mị. Từ khi dấn mình vào âm nhạc, tôi càng bị thế giới ấy mê hoặc nên có thể người nghe cảm nhận được điều đó chăng? 

 

Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo: “Tôi là người cuồng dại”  - 1
 

Con đường danh vọng của ông có vẻ hanh thông và hình như thượng đế dành cho ông quá nhiều may mắn trong cuộc sống?

 

Đúng là không ít người có nhận xét đó nhưng thật ra tất cả chỉ là tương đối. Trong cái may thường có cái rủi và ngược lại. Và tôi là người hay may mắn. 

 

Thành công của ông là nhờ may mắn chứ không phải nhờ tài năng?

 

Có lẽ ngoài may mắn, còn phải kể đến ba yếu tố là cuồng dại, trí tuệ và tham vọng lớn. Tôi là kẻ cực kỳ tham vọng.

 

Ông đã gần 70 tuổi, song chỉ ở Việt Nam có 13 năm thơ ấu. Thế nhưng hình như ông rất nặng lòng với quê hương?

 

Thứ nhất, với quê hương không có khái niệm ở nhiều hay ở ít và thứ hai, tôi không phải chỉ ở Việt Nam có 13 năm. Lý do là từ năm 1977 đến nay, hầu như năm nào tôi cũng về Việt Nam vài tháng.

 

Ông về Việt Nam từ năm 1977?

 

Đúng thế. Lần ấy tôi về chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn tại Nhà hát lớn 2 tháng qua lời mời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam thời ông Đỗ Nhuận làm Chủ tịch. Sự kiện làm xôn xao Hà Nội đến mức cụ Trường Chinh yêu cầu diễn thêm 2 tối để phục vụ các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ông Lê Đức Thọ (khi đó làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương) và cụ Xuân Thuỷ còn mời cơm thân mật.

 

Tôi về nước lần này là để thực hiện tác phẩm So dây (lấy ý tưởng từ câu Khúc vui xin được so dây cùng người - Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân - Tố Hữu) viết cho hợp xướng và dàn nhạc dây. Trong đó, có phổ thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh. Trong hai ngày 31/8 và 1/9 năm nay , tôi sẽ cùng với Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam biểu diễn tại Nhà hát lớn. 

 

Xin cám ơn ông!

 

Từ nhiều năm nay, năm nào Nguyễn Thiên Đạo cũng tham gia đóng góp từ thiện. Đầu năm 2007 này, ông đã trao học bổng cho 5 học sinh khiếm thị có năng khiếu âm nhạc tại Thái Bình. Ông dự định sẽ tiếp tục tặng một số suất học bổng cho sinh viên theo học đàn tì bà và đóng góp xây tượng đài liệt sĩ.

 

Nguyễn Thiên Đạo cũng cho biết, hai vợ chồng ông đã bàn bạc và quyết định sau khi qua đời, sẽ dành toàn bộ số tài sản (gồm cả ngôi nhà ở Quận 6 - Pari và ngôi nhà mới mua số 38, tổ 58 đường ven hồ Đống Đa) theo ước tính của chúng tôi trị giá hàng triệu USD cho công tác từ thiện, đặc biệt là dành cho việc phát triển nền âm nhạc dân tộc thông qua việc cấp học bổng cho các sinh viên có tiềm năng.

 

Mọi thủ tục pháp lý đã được chuẩn bị đầy đủ và sẽ uỷ quyền cho một cơ quan nhà nước Việt Nam quản lý, thực hiện. Như vậy, sẽ có nhiều sinh viên theo học âm nhạc dân tộc được nhận học bổng từ việc làm từ thiện này.

           

Bùi Hoàng Tám