Nhà văn Y Ban: “Cần cách nhìn cởi mở hơn về tình dục”

(Dân trí) - Tác giả cuốn truyện ngắn I am đàn bà cho rằng chị mới viết được ba, bốn sắc thái của tình dục. Trong khi E.L. James, tác giả của bộ tiểu thuyết 50 sắc thái đã viết nhiều hơn thế. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với chị về chủ đề này

Từ góc nhìn của một phụ nữ đã chứng kiến nhiều thay đổi của xã hội trong hai ba chục năm gần đây, theo chị hành vi và thái độ của nam nữ khi tiếp cận tình dục đã thay đổi như thế nào. Các thay đổi đấy theo chị là do các yếu tố xã hội nào: mở cửa, phim ảnh, internet, văn học? 

Hành vi và thái độ của người Việt với tình dục trong hai ba chục năm gần đây đã thay đổi  nhanh chóng. Nhất là những người sống tại các thành phố lớn có điều kiện tiếp xúc với các yếu tố xã hội thời mở cửa như phim ảnh, internet, văn học… Trước đây, những người đàn bà Việt khi đi lấy chồng thì chỉ có hai nhiệm vụ là phục vụ nhà chồng và sinh con đẻ cái cho nhà chồng. Thì nay, nhiều đàn ông và phụ nữ Việt đều đã trăn trở với điểm G, lên đỉnh, thăng hoa… Dù thực tế, cuộc sống đã phát triển rất cao, hiện đã bỏ chúng ta quá xa với giới tính thứ ba, thứ tư được phát hiện, chấp nhận.

Ở phương Tây nhiều người cho rằng cuộc đời một con người chỉ tính khi người ta biết đến tình dục và kết thúc khi hết tình dục. Dù chúng ta có cởi mở hay không cởi mở với tình dục thì đều phải thừa nhận một điều rằng mọi nẻo đường tình yêu đều dẫn đến tình dục. Và tình dục cũng là cách duy nhất để chúng ta duy trì nòi giống. Nhân bản vô tính đã bị cấm không cho áp dụng trên con người. Vì vậy với vấn đề tình dục nó cổ xưa như trái đất. Chúng ta có đưa nó lên cao hoặc hạ nó xuống thấp, ca ngợi nó hay vùi đập nó…thì nó vẫn luôn tồn tại song hành với chúng ta

Còn về các yếu tố ảnh hưởng, thì tôi cho là tổng hòa tất cả các yếu tố trên. Cái thời"Tắt đèn nhà ngói cũng như nhà gianh", người Việt không có nhiều thông tin, không không được chia sẻ nhiều. Thời hội nhập, họ được tự soi lại mình qua rất nhiều thông tin, biết cách sửa chữa những khiếm khuyết của mình để tiến gần đến sự hoàn thiện.

Từ góc nhìn của một người cầm bút, theo chị các ảnh hưởng của phim ảnh, văn học và internet lên lối sống tình dục gia đình, nhất là các gia đình ở lứa tuổi 30 là tiêu cực hay tích cực? Và trong số đó các tác nhân đó, cái nào có ảnh hưởng tốt và sâu sắc nhất?  tại sao?

Một tấm huân chương cũng có hai mặt huống chi là những thứ khác. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Còn cái nào ảnh hưởng tốt và sâu sắc nhất thì tôi cho là văn học; vì nếu như internet, phim ảnh chỉ có thể thỏa mãn khán giả trên một số giác quan như nghe, nhìn, xúc cảm; thì văn học làm được điều đó trên tất cả các giác quan. Khi trí tưởng tượng còn là báu vật tạo hóa trao cho con người, thì văn học tiếp tục làm được điều đó.

Nh
Nhà văn Y Ban: " Dù chúng ta có cởi mở hay không cởi mở với tình dục thì đều phải thừa nhận một điều rằng mọi nẻo đường tình yêu đều dẫn đến tình dục".

Ở nhiều quốc gia, thậm chí ngay cả TQ và Ấn độ, từ xưa đã có các cuốn sách về tình dục, và hiện nay ở nhiều nước phát triển, sách hoặc tiểu thuyết về tình dục, mang tính gợi tình được viết khá nhiều, thậm chí hình thành cả dòng văn học gợi tình. Chị nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Không có cái gì xa lạ với con người mà lại xa lạ với văn chương. Đây là vấn đề tất yếu, vì văn chương được sinh ra để phục vụ con người. Các nước khác, nhất là các nước phương Tây họ nhìn nhận tình dục rất thẳng thắn và cởi mở. Và khi phim ảnh chưa có, thì văn học sẽ truyền tải điều này. Văn học cũng là con đường bền bỉ, thấm sâu nhất. Phim ảnh, hội họa, điêu khắc… chỉ truyền tải được một số khía cạnh nào đó của tình dục, còn văn chương truyền tải được tất cả, chưng cất rất nhiều điều thú vị. Bà chúa thơ nôm, thi sỹ Hồ Xuân Hương đã có những câu thơ rất gợi thế này: Chành ra ba góc da còn thiếu. Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa ( Bài Vịnh chiếc quạt) Hoặc: Quân tử có thương thì đóng cọc. Xin đừng mân mó nhựa ra tay( Bài Vịnh quả mít)

Là một cây bút gai góc và mạnh mẽ về vấn đề tình dục, chị có thường xuyên đọc các tác phẩm thuộc dạng này không?

(Cười) Tôi đọc nhiều. Tác phẩm mới đây nhất tôi đọc là "50 sắc thái"

Nhưng có nhiều người, kể cả các nhà phê bình danh tiếng thế giới cũng nói rằng “50 sắc thái” không phải là một tác phẩm văn học mà chỉ là cuốn thuần về tình dục, thậm chí khiêu dâm, đồi trụy...

Theo tôi được biết, tác phẩm có vẻ "thuần tình dục" này đã lôi kéo được hơn sáu mươi triệu bạn đọc khắp thế giới tính đến thời điểm này. Vậy đâu là sự hấp dẫn của nó?  Dưới góc độ một người cầm bút, một người có viết về tình dục, tôi vô cùng khâm phục và phải ngả mũ bái phục tác giả này. 2000 trang sách, với 2 nhân vật chính, cùng một vài nhân vật phụ, nội dung chỉ xoay quanh tình yêu và đời sống tình dục của hai nhân vật chính; mà tại sao bộ sách lại cuốn hút đến như thế. Tôi thưởng thức tác phẩm không chỉ với tư cách của một độc giả, mà với cả tư cách của một người viết văn. Vừa đọc,vừa xét nét, soi mói, vừa đọc vừa phản biện, nhiều lúc thốt lên "kinh tởm", "sao lê thê thế", nhưng không thể tự dối lòng "lê thê mà lại cuốn hút".

T
Tác phẩm 50 sắc thái khiến Nhà văn Y Ban Vừa đọc,vừa xét nét, soi mói, vừa đọc vừa phản biện, nhiều lúc thốt lên "kinh tởm", "sao lê thê thế"...

Phải nói thêm là trước khi được tiếp xúc với bộ sách này, tôi được một người bạn bên Mỹ chia sẻ là chị đang đọc một bộ sách vô bổ, nhưng không thể dứt ra được. Tại sao nhiều người lại mâu thuẫn, đối lập đến mức như thế. Khi được tiếp xúc với tác phẩm tôi mới biết sự cuốn hút của nó không phải ở bút pháp, văn phong; mà ở chỗ tác giả đã rất thẳng thắn khi đề cập đến tình dục trong cuộc sống của đôi lứa. Thẳng thắn mà không thô tục. Thẳng thắn để giúp độc giả soi mình vào, và biết cách tìm kiếm con đường, cách thức để đạt được sự thỏa mãn, thăng hoa trong cuộc sống của chính mình. Nói đến điều này thì phải nhắc lại câu hỏi văn học mang lại giá trị gì? Trong rất nhiều giá trị, thì không thể không nhắc đến giá trị giải trí, khiến cuộc sống của độc giả tốt đẹp hơn. Bộ sách đã làm được điều đó.

Đến nay, tôi mới chỉ viết được có... 3-4 sắc thái, còn thua xa E.L. James với 50 sắc thái.  Nó không nhàm, không lặp lại. Đọc xong, tôi hiểu tại sao nó lại gây dư luận như thế.

Nhưng ở Việt Nam, nhiều độc giả lại đang la ó về bộ sách này...

Dưới góc độ của một độc giả, người đọc có quyền phê phán hoặc bảo vệ cho tác phẩm. Nếu trùng quan điểm thì họ sẽ bảo vệ, nếu ngược lại thì sẽ chê bai, phê phán… Với bộ sách này nói riêng, hoặc nhiều cuốn sách gây tranh cãi khác nói chung, tôi chỉ có một lời khuyên cho độc giả: Đây là một bộ sách dành cho người lớn, anh phải đối diện với sự lựa chọn của anh, chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của anh. Khi đã lựa chọn, anh hãy đọc nó, đừng đổ lỗi cho ai. Và anh có quyền bình luận về nó. Với một cuốn tiểu thuyết, chỉ cần đọc 30-50 trang, anh sẽ biết có nên đọc nó hay không?

Cảm ơn chị!

Quốc Cường - Mai Phương (Thực hiện)