Nhà thơ Dương Kỳ Anh tiết lộ chuyện hoa hậu

Huyền vừa ngủ dậy, đang ngồi trên giường, mặc một chiếc váy ngủ màu hồng. Chưa bao giờ tôi thấy Huyền đẹp như vậy. Một vẻ đẹp rất nữ tính, “rõ ràng trong ngọc trắng ngà”...

Nhà thơ Dương Kỳ Anh-nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong là người đã khai sinh ra cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền Phong-cuộc thi người đẹp có quy mô quốc gia đầu tiên của Việt Nam sau khi thống nhất đất nước. Ông đã xuất bản hai tập đầu cuốn “Hoa hậu Việt Nam những điều chưa biết”. Nhà thơ đang hoàn thành bản thảo tập 3 của cuốn sách này. Dưới đây là phần trích đăng một số chương trong bản thảo này.
 
 
Nhà thơ Dương Kỳ Anh tiết lộ chuyện hoa hậu  - 1
Nhà thơ Dương Kỳ Anh (ảnh lớn) và  hình ảnh Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền cùng hai Á hậu trong đêm chung kết Hoa hậu VN 2004

 

***

 

Cuộc thi Hoa hậu thế giới năm 2004 được tổ chức ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) truyền hình trực tiếp đến hàng chục nước, trong đó có Việt Nam. Sự kiện văn hóa được hàng tỷ người trên thế giới quan tâm, hàng triệu người Việt Nam theo dõi qua màn ảnh nhỏ vui mừng và cảm động khi hai tiếng Việt Nam ngân lên, Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền lọt vào top 15 người đẹp nhất hành tinh. Huyền đứng thứ 11, trước cả Hoa hậu Trung Quốc (đứng thứ 12)... đã tạo nên một làn sóng ngưỡng mộ hoa hậu khắp đất nước...

 

Sau đó mấy hôm, Huyền có chuyến đi làm từ thiện ở TP HCM và các tỉnh miền Trung. Nhiều anh em bạn bè và lãnh đạo ở Hà Tĩnh- quê tôi điện ra bảo: “Anh đưa hoa hậu đi khắp nơi, lần này anh phải đưa hoa hậu về quê cho chúng tôi được đón tiếp chứ”. Và đó là chuyến đi để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, thật khó quên...

 

Sau ngày đăng quang, Huyền bay vào TP HCM làm từ thiện. Tại Bệnh viện Từ Dũ, tại khu điều dưỡng... hàng trăm đứa trẻ và cả người lớn vây quanh Huyền và hát...

 

Những gương mặt ngây ngô, chân tay còng queo, thân hình dị dạng bỗng đẹp như chúa hài đồng... Suốt một ngày dưới cái nắng oi bức, Huyền mệt. Lúc về đến khách sạn, Huyền bảo mọi người để cho Huyền ngủ...

Khoảng 9 giờ tối, tôi và chú Lớn lái xe mang một ít cam đến...

 

Huyền vừa ngủ dậy, đang ngồi trên giường, mặc một chiếc váy ngủ màu hồng. Chưa bao giờ tôi thấy Huyền đẹp như vậy. Một vẻ đẹp rất nữ tính, “rõ ràng trong ngọc trắng ngà”... Người tôi bỗng run lên một cảm giác khó tả. “Anh ngồi xuống đây”, Huyền cầm lấy tay tôi rất tự nhiên. Suýt nữa tôi đã ngồi xuống giường và có thể không đứng dậy được...! Tôi bảo Huyền, giọng lạc đi: “Anh mang đến cho em ít cam... giờ anh phải về duyệt bài...”. Tôi đi như chạy ra khỏi căn phòng chỉ có một mình Huyền và ánh nê ông xanh... Ngồi trên ôtô, tôi vẫn còn run...

Tại huyện Kỳ Anh, quê hương tôi, Bí thư, Chủ tịch huyện đã đến tận chân Đèo Ngang để đón hoa hậu từ Quảng Bình ra. Rồi đưa Nguyễn Thị Huyền xuống tận thôn, tận xã trao sổ tiết kiệm tình nghĩa cho những thương binh... Trao xong, chúng tôi ghé nhà ông Lê Kỳ ở xã Kỳ Văn, là cậu ruột của tôi. Ông từng là sỹ quan trong quân đội thời chống Pháp, sau chuyển ra làm cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Vinh... Căn nhà tranh với khu vườn rộng chật người. Một cụ bà thấp bé, chống gậy đứng chờ sẵn ở sân. Vất vả lắm, Huyền mới đến được gần cụ vì bao nhiêu người vây kín... Bà cụ đã trên 100 tuổi, tay chân run rẩy, khi Huyền ôm lấy cụ, hôn lên gò má nhăn nheo, cụ khóc, nấc lên thành tiếng...

Những giọt nước mắt vui sướng của một đời người nghèo khổ mà có lẽ, cả trong giấc mơ cũng không bao giờ nghĩ tới có ngày được Hoa hậu Việt Nam, một trong số 11 người đẹp nhất hành tinh ôm... hôn. Người nhà của cụ nói rằng, nhờ có lần gặp hoa hậu ấy mà cụ bỗng nhiên khỏe ra...

 

Cái đẹp có sức cảm hóa kỳ lạ. Cuối năm 1996, sau khi đăng quang, Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga đi làm từ thiện. Tôi còn nhớ, vào một ngày tháng 7, nắng như đổ lửa xuống con hẻm nhỏ ở phường 10, quận Tân Bình, TPHCM. Nguyễn Thiên Nga và tôi đi bộ, len lỏi qua nhiều dãy nhà cũ nát vào thăm anh thương binh nặng Trịnh Thanh Sơn. Anh Sơn bị thương ở cột sống, có lẽ do vướng mìn. Khi nghe tin hoa hậu vào thăm và trao sổ tình nghĩa, Sơn nằm trên giường, quay mặt vào trong, không tiếp... Người nhà kéo tôi ra ngoài và nói lý do. Thì ra trước khi vào bộ đội, anh Sơn đã có một cô bạn gái khá xinh chuẩn bị làm lễ cưới. Khi Sơn bị thương nặng, được đưa về thành phố, cô gái có đến thăm mấy lần, nhưng rồi, cô đi lấy chồng... Sơn đau đớn lắm, mấy lần định tự tử...

 

Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga ngồi xuống giường, cô cầm lấy đôi bàn tay nhợt nhạt của Sơn, nước mắt trào ra... Bằng những cử chỉ thân tình, người thương binh trẻ từ chỗ quay mặt không tiếp, dần dần quay ra trò chuyện với chúng tôi. Anh nhìn Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga và thốt lên “Thiên Nga đẹp lắm”. Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga cúi xuống, ôm lấy anh và hôn... Khi chia tay, người thương binh khóc, nhưng... đôi mắt long lanh. Nghe nói sau đó anh đã cố gắng luyện tập, lấy lại nghị lực của tuổi trẻ, rồi anh mở một tổ hợp sửa chữa tivi, sống rất yêu đời.

 

Mấy hôm sau, Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga nhận nuôi dưỡng suốt đời mẹ Châu Thị Hương, có chồng và hai con là liệt sỹ. Thiên Nga không cho ai biết, khi Nga sang Mỹ làm thạc sỹ, người của ban đại diện báo Tiền Phong ở TP HCM mới hay: Mẹ Hương ở số nhà 215/14 đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận... chính là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga phụng dưỡng suốt đời...

 

Ở Đồng Hới “Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”, tại khu nghỉ dưỡng cao cấp Mỹ Cảnh của ông chủ trẻ Võ Minh Hoài, cả gia đình Hoài “mê” hoa hậu, nhiều Bộ trưởng hôm dự khai trương cũng kéo Huyền đi chụp ảnh: Đoàn Mạnh Giao (Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lúc đó), Đào Đình Bình (Bộ Giao thông Vận tải)... Ông Bình rút điện thoại di động điện về nhà khoe với vợ, con... “Bố đang ngồi với Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền đây... con nói chuyện với hoa hậu nhé...”. Mấy vị Bộ trưởng bảo tôi: “Phải tuyên truyền thật nhiều việc làm từ thiện của hoa hậu chứ...”.

 

Buổi giao lưu do tỉnh đoàn Quảng Bình tổ chức ngoài bãi biển khiến tôi rất lo lắng. Cả nghìn người chạy rào rào, cát bay mù mịt, tiếng một vài đứa trẻ con hét lên... Tôi lo người ta giẫm đạp lên nhau... Hôm ở Nghệ An, mấy ngàn con người chen nhau vào hội trường, tôi cũng bị đẩy bật ra ngoài; Đỗ Hà lái xe của báo Tiền Phong bị xô ngã, sứt sát cả mặt mày, suýt vỡ máy ảnh... Trong bữa cơm tối có đủ các đồng chí lãnh đạo tỉnh, từ Bí thư (lúc đó anh Lê Doãn Hợp - nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông), Chủ tịch tỉnh cùng nhiều Giám đốc Sở... mời cơm hoa hậu. Ai cũng nói hoàn toàn bất ngờ trước sự hâm mộ chưa từng có của người dân ở đây. Khi Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền trao quà, ôm hôn một cháu bé bị chất độc da cam mặt mày cháu trở nên quái dị. Huyền khóc, cả hội trường mấy ngàn con người lặng phắc, nhiều người khóc theo...
 
Nhà thơ Dương Kỳ Anh tiết lộ chuyện hoa hậu  - 2

Hoa hậu Việt Nam 2004 Nguyễn Thị Huyền

 

Tin này được truyền vào Hà Tĩnh. Bà con ở thị xã (nay là thành phố) bàn nhau quyên góp tiền cho trẻ em bị chất độc da cam, để nhờ Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền trao. Hà Văn Thạch - Phó Chủ tịch tỉnh, Trần Đình Đàn - Bí thư tỉnh ủy (nay là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) bàn với Bí thư tỉnh Đoàn lúc đó là Đậu Văn Côi. Côi liên tục điện... Tôi nói với Côi rằng đừng thông báo gì cả vì sợ người dân quanh thị xã bỏ việc đồng áng kéo về... Côi hứa. Thế nhưng, lúc xe chở hoa hậu đến, mấy nghìn người đã chờ sẵn. Cả tiểu đội bảo vệ cùng công an thị xã vất vả lắm mới đưa Huyền vào được.

 

Tôi chưa thấy ai được người dân đón tiếp như vậy. Mấy tỉnh chúng tôi đi qua, hàng ngàn con người, không ai bảo ai, không ai sắp đặt, họ hoàn toàn tự nguyện, nhiều người bỏ cả việc đồng áng, việc nhà, đi hàng cây số để đón hoa hậu... Hẳn có người cho rằng đó là tính hiếu kỳ của người dân ở một nước còn lạc hậu! Ở Mỹ, ở Hàn Quốc thì sao?! Trong chuyến đi thăm nước Mỹ, tôi đã nhìn thấy tận mắt hàng trăm em nhỏ khi vào thăm quan trụ sở Liên Hợp Quốc đã chạy ào đến vây kín Nguyễn Thu Thủy khi hay tin Thủy là Hoa hậu Việt Nam. Hôm chúng tôi đợi máy bay lên thẳng để đi thăm quan thành phố  New York, biết tin có Hoa hậu Việt Nam, người phụ trách ở đó liền ra lệnh đổi máy bay, điều đến một chiếc máy bay lên thẳng mới hơn để chở hoa hậu.

 

Viên phi công trẻ bốc hứng khi biết trên máy bay có Hoa hậu Việt Nam đã nhào lộn, lái máy bay luồn lách qua những tòa nhà chọc trời, vút qua ngang lưng tượng thần Tự do... làm chúng tôi hoảng hồn. Hàng trăm người hâm mộ xếp hàng lại để xin ảnh và chữ ký của Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy. Hôm khai trương đường bay từ Nội Bài đi Seoul, hoa hậu Bùi Bích Phương bị người hâm mộ nước Hàn vây kín...
 
Nhà thơ Dương Kỳ Anh tiết lộ chuyện hoa hậu  - 3
Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thu Thủy

 

Lần sang Indonesia làm giám khảo Hoa hậu quốc tế, tôi thật sự cảm động khi thấy nhiều người dân ở những miền xa xôi của quốc đảo này mang ảnh Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền ra đón (họ ngỡ rằng Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thị Huyền tham gia cuộc thi này). Hẳn trong đời, Huyền ít có được những phút giây hạnh phúc như vậy. Huyền được những người dân bình thường đón tiếp hơn cả một bà hoàng. Tôi cũng vui lây và để ý xem thái độ của Huyền ra sao... Như người ta vẫn nói: “Mũi phổng to đến mức nào”. Hồn nhiên, không một chút kênh kiệu hay làm dáng, trông Huyền như một đứa trẻ vô tư trước mọi điều xảy ra quanh mình...

 

Đêm ấy tỉnh bố trí cho chúng tôi nghỉ ở Vinh, sợ người hâm mộ biết, đổ đến khách sạn, chúng tôi lặng lẽ xuống Cửa Lò, Huyền đội chiếc mũ nan rộng vành cố ý che mặt để mọi người không nhận ra...

 

Sáng hôm sau, hẹn nhau dậy sớm để ra Hà Nội. Tôi xách túi xuống, đã thấy Huyền đứng ở quầy tiếp tân. Hai cô phục vụ đang giao bánh mỳ cho Huyền, cả một bao tải... Thấy tôi, Huyền giật mình, đỏ mặt. Tôi bảo “Em mua bánh mỳ làm gì mà nhiều thế?”. Huyền cười “Làm quà cho bọn bạn cùng lớp anh ạ... tụi sinh viên chúng em thích món này lắm!”. Tôi hiểu. Nhà Huyền nghèo. Tiền giải thưởng để một ít cho mẹ, còn Huyền đưa đi làm từ thiện... Tôi rút 300.000 trong túi ra, bảo “Huyền cầm lấy, anh còn một ít”. “Không! Sao anh lại làm thế! Tụi sinh viên chúng em sống khổ quen rồi”. Huyền nhất định từ chối.

 

Một con người mới trước đó được đón tiếp như ông hoàng, bà chúa, nay ngồi trên xe ôtô với bộ quần áo học sinh, giản dị, bẻ từng mẩu bánh mì cùng ăn với chúng tôi rất ngon lành... Rồi Huyền hát. Hát say sưa. Giọng hát của Huyền trong vắt... Huyền nói em đã từng hát thánh ca trong nhà thờ... Huyền dừng lại quay sang tôi: “Em hôn anh được không?”. Tôi chưa kịp nói gì, đôi môi của Huyền đã in lên má tôi một dấu son. Tôi bảo: “Còn chú Hà lái xe nữa chứ...”.

 

Dương Kỳ Anh

Theo Gia Đình & Xã Hội