Nhà thơ Dương Kỳ Anh tiết lộ chuyện hoa hậu:

Ngoài ứng xử, người đẹp Việt còn “yếu” vòng 1

Có những thí sinh, tất cả đều đủ tiêu chuẩn là hoa hậu hay á hậu, nhưng V1 lại chỉ có 68cm, 70cm, 73cm... làm cho ban giám khảo tiếc ngẩn ngơ. Mà phần nhiều những cô gái có vòng ngực yếu như vậy, lại là các thiếu nữ ứng xử rất thông minh, học hành tử tế...

Cho đến bây giờ, nhiều người (có cả những nhà báo) vẫn hỏi tôi: Các anh chấm hoa hậu dựa trên cơ sở nào? Anh thích hoa hậu nào nhất? Trong hai mươi năm làm Trưởng ban tổ chức, kiêm Chủ tịch hội đồng giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam anh đã bị người đẹp nào “hút hồn”?...

 

Các bạn đều biết, bất kỳ một cuộc thi nào vấn đề chấm sao cho công bằng, khách quan luôn được mọi người quan tâm. Các giải thưởng ở nước ta từ văn học, âm nhạc, đến điện ảnh... đều có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí gay gắt...

 

Các “cuộc chấm” khó khăn như vậy, chấm hoa hậu, chấm người đẹp lại càng khó hơn. Người xưa thường nói “Vẻ đẹp không ở trên má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của người đời”. Mỗi người đều có quan điểm, có cách nhìn, có sở thích rất khác nhau về cái đẹp...

 

Ở mỗi đất nước, mỗi thời, quan niệm về cái đẹp cũng khác nhau, luôn thay đổi...

 

Tôi đã đến bảo tàng Luvơrơ của nước Pháp ở Pari để tận mắt xem tượng thần Vệ nữ Capitole. Thần vệ nữ cao 164cm, vòng ngực (V1) 94cm, vòng eo (V2) 71cm, vòng mông (V3) 96cm. Đó là biểu trưng người phụ nữ đẹp nhất của loài người. Thế nhưng bạn thử xem, một người đẹp cao 164cm mà vòng eo đến 71cm... Nếu bây giờ thần Vệ nữ đi thi Hoa hậu Việt Nam, chắc sẽ trượt ngay từ vòng ngoài! Các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam gần đây, người đẹp lọt vào top 10 phải cao trên 165cm và tất nhiên, vòng eo (V2) cũng không thể quá 63cm. Tôi còn nhớ Vi Thị Đông tại cuộc thi Hoa hậu toàn quốc năm 1992, khi MC hỏi: Các bạn đoán xem, ai sẽ là hoa hậu? Gần 5 ngàn con người, dự đêm chung kết tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TPHCM) đồng loạt hô to: Vi Thị Đông! Vi Thị Đông! Nhưng Hà Kiều Anh mới là hoa hậu! Còn Vi Thị Đông, BGK chấm Á hậu 1 vì... vòng eo 65cm!

 

Tất nhiên, chấm hoa hậu không phải chỉ có một tiêu chí về hình thể, về các vòng đo, về chỉ số nhân trắc học!


Ngoài ứng xử, người đẹp Việt còn “yếu” vòng 1 - 1

 

Cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất năm 1988 do Báo Tiền Phong tổ chức, ban giám khảo chấm hầu như dựa vào cảm tính. Chưa có chỉ số nhân trắc học. Nhưng từ năm 1992 trở đi, chúng tôi đã mời nhà nhân trắc học hàng đầu Việt Nam là Giáo sư Nguyễn Quang Quyền. Ông không những có uy tín trong nước mà còn có uy tín trên thế giới về lĩnh vực này. Sau khi giáo sư Quyền qua đời vì tai nạn ô tô, chúng tôi mời Tiến sỹ Thẩm Hoàng Điệp, học trò của giáo sư và cũng là một chuyên gia nổi tiếng. Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ cách thức chấm của ban giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Thế giới, các cuộc thi hoa hậu ở các nước Âu, Mỹ... Nhận thấy người Âu, Mỹ các vòng đo và sự phát triển các chỉ số sắc đẹp của họ cũng có nhiều điểm khác với người Á Đông. Người Âu, Mỹ coi trọng cả ba vòng: Ngực, eo, mông (V1, V2, V3). Còn người Á Đông hình như chỉ coi trọng hai vòng thôi!

 

Claudia Schiffer, người mẫu số một thế giới, sinh ra ở Đức, được coi là có các chỉ số hình thể chuẩn nhất hiện nay. Cô cao 180cm, nặng 57kg, vòng đo: V1: 92cm; V2: 62cm; V3: 95cm. Thử so sánh với Hoa hậu thế giới năm 1988, Phonthít người Thái Lan chỉ số vòng: V1: 83cm, V2: 61cm, V3: 92cm, ta thấy một điều V1 của người Âu Mỹ hơn rất nhiều V1 của người Á Đông. Xem chỉ số những người đẹp đi thi Hoa hậu Việt Nam suốt 20 năm qua, tôi càng thấy V1 hầu hết đều nhỏ hơn rất nhiều V1 của những người đẹp Âu Mỹ đi thi ở nước họ. Một trong yếu tố khác nhau nữa là người đẹp Việt Nam cũng như người Á Đông rất coi trọng vẻ đẹp của gương mặt.

 

Có phải vì nghìn đời nay, người phụ nữ Á Đông chỉ biết khoe riêng mặt, còn thân hình thì giấu kín trong các trang phục... được coi là kín!

 

Từ khi nước ta “mở cửa”, các thiếu nữ đã “sống hiện đại”... Ra đường nhiều người mặc “ít vải”, đã biết cách phô bày vẻ đẹp hình thể, biết chăm sóc không chỉ gương mặt mà còn chăm sóc bộ ngực, vòng eo, đôi chân...

 

Các cửa hiệu làm đẹp mọc lên khắp nơi. Gu thẩm mỹ đã bắt đầu thay đổi. Thế nhưng, tôi đồ rằng, trong tâm thức của người Việt Nam vẻ đẹp gương mặt vẫn rất quan trọng, vẫn được đa số người Việt coi là tiêu chí hàng đầu...

 

Bởi vậy nhiều năm qua ban giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do Báo Tiền Phong tổ chức, chúng tôi vẫn chú trọng đến vẻ đẹp gương mặt. Tất nhiên là cái đẹp tổng thể. Từ gương mặt trái xoan đến “đôi mắt lá răm, lông mày lá liễu, đáng trăm quan tiền”...  Một vẻ đẹp dịu dàng, đoan trang, thông minh, nhân hậu... toát lên trên gương mặt của người thiếu nữ. Trong bảng điểm, chỉ số về gương mặt (tổng thể) là 25 điểm, đó là chỉ số cao nhất, còn chỉ số hình thể (các vòng đo, đi lại, sự cân đối...) thấp hơn chỉ số gương mặt 5 điểm (20 điểm).

 

Ngoài việc ứng xử yếu, thiếu tự nhiên, một điểm yếu nữa của các thiếu nữ Việt Nam là vòng ngực (V1). Ngay cả Hoa hậu chỉ số giữa V1 và V3 cũng nói lên điều đó. Ví dụ: Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga V1: 82cm, V3: 90cm; Nguyễn Ngọc Khánh V1: 87cm, V3: 92cm; Phan Thu Ngân V1: 79cm, V3: 92cm... Rất nhiều người đẹp dự thi, các chỉ số khác, các tiêu chuẩn khác rất nổi trội, nhưng vòng ngực lại rất yếu. Đó là điều đáng tiếc nhất. Có những thí sinh, tất cả các mặt đều đủ tiêu chuẩn là hoa hậu hay á hậu, nhưng V1 lại chỉ có 68cm, 70cm hay 73cm... làm cho ban giám khảo tiếc ngẩn ngơ. Mà phần nhiều những cô gái có vòng ngực yếu như vậy, lại là các thiếu nữ ứng xử rất thông minh, học hành tử tế... Nhưng thi hoa hậu, vẻ đẹp hài hòa của hình thể vẫn là tiêu chí số một...

 

Đó cũng là một trong những điểm làm khoảng cách của công chúng xem truyền hình trực tiếp hay khán giả trong hội trường với ban giám khảo nhiều khi quá rộng. Chỉ có các thành viên trong ban giám khảo, thông qua kíp nhân trắc học (kíp nữ bác sĩ trực tiếp đo các vòng và quan sát các thí sinh ở trạng thái Eva trong phòng kín) mới biết được.
 
Ngoài ứng xử, người đẹp Việt còn “yếu” vòng 1 - 2

Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga

 

Dân gian có câu “Hơn nhau tấm áo, manh quần. Cởi ra người trần ai cũng như ai”. Cũng một phần muốn nói khoảng cách giữa vẻ bề ngoài và cái đẹp thực chất bên trong. Nếu không có kíp nữ bác sỹ nhân trắc học phản ánh lại một cách khách quan, ngay cả những thành viên giám khảo cũng rất dễ bị vẻ bề ngoài đánh lừa!

 

Nhìn trên sân khấu trực tiếp, hay qua màn ảnh nhỏ nhiều người đẹp được công chúng chấm hoa hậu hay á hậu, nhưng ban giám khảo lại không! Từ đó nẩy sinh ra những nghi ngờ dị nghị không đáng có. Đó chính là điều tôi muốn nói: Ban giám khảo biết nhiều điều mà khán giả không biết được. Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008, có một người đẹp nhìn trên sân khấu, thậm chí nhìn tận mắt ngoài đời ai cũng sẽ chấm là Á hậu, thế nhưng đã không lọt vào top 10. Không ai biết rằng, thí sinh đó chỉ có 9 ngón chân. Ngay cả vòng ngoài, ở khu vực sơ khảo, kíp đo do các nữ bác sỹ đảm nhiệm cũng không biết. Nếu biết được từ đầu, thí sinh đó, theo quy chế đã bị loại. Nếu không có đơn thư tố cáo để kịp thời kiểm tra, nhiều khi chính ban giám khảo cũng không biết được những khuyết tật vô cùng kín đáo rất khó nhận ra...

 

Cuộc thi hoa hậu toàn quốc năm 1992, có một thí sinh tên là Đ.X.M phải nói là rất đẹp, không kém Hà Kiều Anh. Các số đo rất chuẩn, gương mặt, dáng đi, ứng xử đều rất tự nhiên, thông minh... Khi thí sinh này đến đăng ký, cả ban đại diện Báo Tiền Phong ở TPHCM kéo nhau ra xem, tất cả đều yên chí rằng đây chính là hoa hậu. Qua vòng thi khu vực điểm số của thí sinh này  cao. Vào vòng chung kết, đêm đầu tiên ban giám khảo cho điểm tuyệt đối, bỏ xa Hà Kiều Anh. Khi nhận được đơn tố cáo Đ.X.M đã có con (tức đã phạm quy), kíp nữ bác sỹ nhân trắc học kiểm tra lại, buổi đầu cũng không nhận ra. Vì là việc vô cùng tế nhị, cuối cùng một nữ bác sỹ phải có sự quan sát riêng mới nhận ra những vết rạn ở da bụng dù rất mờ... Lập tức, ban tổ chức nhờ công an phường điều tra... kết hợp với sự điều tra của các phóng viên, kịp phát hiện Đ.X.M đã có con 3 tuổi.

 

Ban tổ chức gọi Đ.X.M đến nói rõ, đề nghị Đ.X.M viết đơn cáo ốm, không thi nữa, để nếu báo chí hỏi, ban tổ chức nói lý do. Buổi đầu Đ.X.M đồng ý. Thế nhưng đêm thi thứ hai của vòng chung kết (dạo đó vòng chung kết tiến hành 3 đêm thi) Đ.X.M lại xuất hiện. Giáo sư Nguyễn Quang Quyền phải kéo Đ.X.M khỏi sân khấu, dọa nếu không rút về nhà sẽ công bố với báo chí việc “em chưa chồng mà đã có con”... Lúc ấy Đ.X.M mới ra về. Sang hôm sau, có người gọi điện đến tòa soạn nói là Đ.X.M đã tự tử. Hoảng quá! Khi chúng tôi vào bệnh viện, Đ.X.M đang nằm ở phòng cấp cứu. Cô uống thuốc ngủ. May người nhà phát hiện kịp thời. Ban tổ chức cử người động viên, chăm sóc Đ.X.M cho đến khi cô ra viện.

 

Cuộc thi lần đó thành công vang dội, Hà Kiều Anh đăng quang hoa hậu, Vi Thị Đông Á hậu, báo chí ca ngợi hết lời... Và không một ai, ngoại trừ một số người của ban tổ chức, ban giám khảo biết việc này. Tôi dặn anh chị em phải giữ kín, tuyệt đối không để lọt ra ngoài để bảo vệ danh dự cho thí sinh.

 

Tất cả các cuộc thi hoa hậu quốc gia mà tôi làm trưởng ban tổ chức, trưởng ban giám khảo hầu như cuộc thi nào cũng có đơn thư tố cáo các thí sinh. Ban tổ chức đã tiến hành kiểm tra, cẩn trọng, cụ thể, kết hợp với chính quyền, công an phường và cơ quan nơi thí sinh công tác. Tôi thường nói đùa rằng phải có “ba dấu đỏ” mới an tâm. Nhiều đơn thư tố cáo sau khi kiểm tra, khẳng định thí sinh vô can, đó là những đơn thư do ghen ghét nhau mà đơm đặt để hại nhau. Tuy vậy, nhiều trường hợp nhờ có đơn thư mà ban tổ chức, ban giám khảo phát hiện ra những thí sinh vi phạm quy chế thi (như 2 trường hợp mà tôi vừa kể). Trừ trường hợp vi phạm pháp luật (điều này chưa có) các trường hợp vi phạm quy chế thuộc về lĩnh vực riêng tư, kể cả những thiếu khuyết của con người đều được giữ kín. Các thành viên trong ban giám khảo mà tôi biết từ trước đến nay như cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, cố Giáo sư Nguyễn Quang Quyền, Nghệ sỹ Nhân dân Trà Giang, nhà tạo mẫu Minh Hạnh, nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam, Tiến sỹ nhân trắc Thẩm Hoàng Điệp v.v... đều là những người có uy tín, có nhân cách. Cũng như tôi, họ thà chịu tiếng oan từ công chúng chứ quyết không sai trái lương tâm, không bao giờ để lọt ra ngoài những thông tin có tính chất riêng tư của các thí sinh vì đó là lĩnh vực được pháp luật bảo vệ. Bởi vậy khi một số hoa hậu bị bới móc chuyện đời riêng tôi thực sự đau lòng.
 
 
Ngoài ứng xử, người đẹp Việt còn “yếu” vòng 1 - 3

Từ trái qua: Hoa hậu Hà Kiều Anh, Bùi Bích Phương, Nguyễn Diệu Hoa và Nguyễn Ngọc Khánh trong đêm kỷ niệm 20 năm Hoa hậu Việt Nam tại Cung Văn hóa Hữu nghị tối 5/9/2008.

 

Tôi còn nhớ, cuộc thi “Hoa hậu thế giới người Việt” 2007 tổ chức ở Vinpearl. Nhiều thí sinh dự thi tuy là gốc Việt, nhưng họ mang quốc tịch nước ngoài, họ sinh ra và lớn lên ở những nước có nền văn minh lâu đời, và luật pháp của họ cũng khác ta. Mặc dầu tôi đã trao đổi rất kỹ, nhưng một số nhà báo trẻ không hiểu hết điều đó, theo thói quen đã viết ra giấy hỏi rất nhiều điều thuộc đời sống riêng tư...

 

Một số thí sinh khi nhận được tờ giấy với các câu hỏi như vậy, hỏi kiểu “hỏi cung”, họ phản ứng... Địa chỉ nhà, số điện thoại, tên tuổi bố mẹ, người yêu v.v... đối với ta là bình thường, nhưng với nhiều nước đó là chuyện riêng không được đưa lên báo nếu chủ nhân không đồng ý.

 

Dạo qua Pháp, tôi có đến thăm bà Thu Trang, hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn. Gần 70 tuổi, trông bà vẫn đẹp và thông minh. Về nước, tôi có viết một bài ca ngợi tài sắc của bà đăng trên tờ “Người đẹp Việt Nam”. Có người qua Pháp, tôi gửi cho bà tờ báo. Không ngờ, bà phản ứng. Tôi không hiểu vì sao! Lần sau, sang Pari, tôi đến thăm bà. Bà nói, bài báo anh viết rất hay, chỉ có 1 chi tiết tôi không bằng lòng, suy ra là “phạm luật” đó là việc đưa địa chỉ số nhà của tôi lên báo. Thế mới biết, đời sống riêng tư của con người quan trọng đến mức nào, không thể tùy tiện được!

 

Tôn trọng con người, đó cũng là lĩnh vực thuộc phạm trù cái đẹp. Con người sinh ra, dù ở đâu cũng có quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc... Tôn trọng con người, không ai có quyền xâm phạm không chỉ về thân thể mà còn trong từng suy nghĩ, trong đời sống tinh thần, đời sống tình cảm, những chuyện riêng tư...

 

Nhà thơ Dương Kỳ Anh

Theo Gia Đình & Xã Hội