Nghề diễn viên - Vinh và nhục!

(Dân trí) - Thoáng xuất hiện là hàng ngàn khán giả đổ xô ra xin chữ ký, chỉ cần cất tiếng nói là bao trái tim hâm mộ gào thét… Ít có nghề nào vinh quang hơn thế. Nhưng, phía sau hào quang - nghề diễn viên cũng có những nỗi nhọc nhằn. Vậy đâu là vinh - đâu là nhục của nghề diễn?

“Giang hồ” vẫn truyền tụng nhau câu chuyện về ngôi sao điện ảnh Mỹ - Mel Gibson. Thuở hoàng kim của nghề diễn viên, mỗi buổi sáng thức dậy, Mel thường thấy trước cửa nhà mình những mảnh giấy trắng của các cô gái hâm mộ giải đầy - chỉ để xin được dấu giày của ngôi sao về làm kỷ niệm! Câu chuyện ấy rất có thể đã xảy ra. Nhất là ở nới có một nền điện ảnh chuyên nghiệp, với hàng trăm ngôi sao danh tiếng như điện ảnh Mỹ. Ở đó, người diễn viên sau một vai diễn người hùng nào đó - có thể trở thành biểu tượng sống cho cả số đông thế hệ trẻ.

 

Vậy ở một nền điện ảnh còn thiếu nhiều tính chuyên nghiệp, còn chưa có khán giả, chưa thu được lợi nhuận và chưa hề có… “ngôi sao” như điện ảnh chúng ta, thì nghề diễn viên được “luận” như thế nào? Hãy nghe tâm sự của những người trong cuộc.

 

Diễn viên NSƯT Như Quỳnh - Bao giờ cho đến… ngày xưa?

 

Nói ra thì bảo chúng tôi hay hoài cổ, rằng cứ hay gặm nhấm chuyện ngày xưa, và “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Nhưng đúng là, các bạn trẻ bây giờ - nếu xét ở góc độ đam mê nghề nghiệp, sống chết với vai diễn thì không thể nào bằng thế hệ chúng tôi ngày xưa. Giữa cuộc chiến khốc liệt, rồi cuộc sống khốn khó, ăn không đủ no, cát-sê ngày đó thì ít lắm… Nhưng nhận được một vai diễn chúng tôi hạnh phúc không thể tả, ăn cũng tập, ngủ cũng diễn - lúc nào cũng nghĩ đến nhân vật, đến khi phim chiếu rồi vẫn ngồi bần thần, tiếc rẻ, sao không được làm lại?

 

Cũng có thể, mỗi thời mỗi khác. Diễn viên trẻ hôm nay, họ cũng có cái khó riêng của họ. Điện ảnh chúng ta đang gặp khó khăn, và chưa thể ngày một ngày hai tìm ra lối thoát. Tôi nghĩ rằng, hơn bao giờ hết, những người làm phim phải chung vai gánh vác trách nhiệm và cùng cố gắng. 

 

Đạo diễn Bùi Tuần Dũng - Tính nghiệp dư hoá Điện ảnh làm “hèn” diễn viên!

 

Điện ảnh chúng ta đang có những biểu hiện của xu thế nghiệp dư hoá. Xu thế ấy làm “hèn”đi hình ảnh của người diễn viên. Đôi khi tôi bắt gặp trên đường, người diễn viên trông chẳng khác gì một bà bán hàng nước, một ông lái xe ôm… Họ bình dân quá! Ít nhất, vị thế của người diễn viên bây giờ đã thua xa thế hệ diễn viên hai mươi năm trước đây.

 

Điện ảnh chúng ta, kịch bản thiếu và yếu, tiền thiếu, công nghệ lạc hậu, trường quay không có… Đôi khi, nhìn người diễn viên đi làm rất là khổ. Tôi tin, tất cả những người còn gắn bó với nghề làm phim là vì tình yêu và sự đam mê.

 

Diễn viên Hứa Vĩ Văn - Các bạn trẻ đừng vội ảo vọng!

 

Theo tôi, nghề diễn viên vinh hay nhục còn tuỳ thuộc vào nền điện ảnh thịnh hay suy. Với nền điện ảnh của chúng ta hiện nay, nếu đổi mới một số cơ chế, đổi mới một số tư tưởng và có quy chế độc quyền diễn viên cho các hãng phim sẽ tốt hơn. Diễn viên của chúng ta đang tự do, muốn tham gia phim gì cũng không biết tham gia ở đâu, như thế nào. Từ đó, cũng nảy sinh rất nhiều vấn đề.

 

Các phim sản xuất vẫn đều đặn, nhưng các hãng  phim và các đạo diễn luôn than vãn là không có diễn viên. Thực chất, họ muốn tìm diễn viên mới toanh tham gia phim mình, như thế sẽ có một cái lợi, dễ sai dễ bảo! Vì diễn viên trẻ họ cần vai nên nhiều khi mặc phim như thế nào, họ đều nhận. Còn những bộ phim nghiêm túc, đầu tư kinh phí lớn thì thường “san sẻ” trong những mối quan hệ thân quen.

 

Diễn viên chúng ta không biết đòi cát-sê và điện ảnh chúng ta thì không có ngôi sao đích thực. Tôi đã tự rút ra cho mình một kinh nghiệm, đạo diễn nào làm phim một cách nghiêm túc, yêu nghề, nhiệt huyết họ sẽ biết cách chọn diễn viên cho phim, chứ không chọn phim cho diễn viên “quen thân”!

 

Tôi xin kể một câu chuyện ở một hãng phim lớn, họ tuyển diễn viên. Và họ suy nghĩ rằng, những diễn viên chuyên đóng vai ăn cướp thì sẽ không bao giờ cho diễn viên ấy đóng vai hoàng tử. Các nhà làm phim chúng ta bây giờ quen tìm diễn viên giống với nhân vật chứ không bao giờ đòi hỏi, và cần ở diễn viên khả năng diễn xuất, hoá thân. Tôi đã đi tham gia casting (tuyển diễn viên), nhưng khi tôi còn chưa kịp thể hiện khả năng diễn xuất của mình thì người ta đã chọn ngay cho tôi một vai hợp với vóc dáng. Cứ với những suy nghĩ kiểu như vậy thì chẳng lẽ, diễn viên ngoài đời phải là siêu nhân thì mới vào được vai siêu nhân? Và đã vào vai siêu nhân rồi thì không bao giờ được đóng cướp biển? Ở Mỹ, Hồng Kông, Trung Quốc và nhiều cường quốc điện ảnh khác, họ có nghĩ như thế đâu?

 

Tôi lấy một ví dụ khác, các nhà làm phim muốn khắc hoạ một nhân vật hoạ sỹ thì y như rằng, đó là đàn ông - tóc dài, râu ria bờm xờm, xin lỗi, những cái đó chẳng nói lên được điều gì cả. Vậy mà, nó hình thành và “ám ảnh” trong các phim như một truyền thống về vai hoạ sỹ. Tôi vốn học hội hoạ. Tôi có rất nhiều bạn bè là hoạ sỹ. Không ai trong số họ chấp nhận điện ảnh Việt Nam khắc hoạ chân dung họ như thế!

 

Vinh hay nhục - biết đâu, không phải do diễn viên quyết định? Mà do những người làm điện ảnh, và cả truyền hình có thực sự xem trọng tác phẩm của họ hay không thôi. Tôi là một diễn viên, và nếu không đam mê thì tôi đã không làm. Bởi vậy, tôi cũng muốn nghề của mình vinh quang lắm chứ, nhưng phải thực tế, tôi không muốn các bạn trẻ ôm ảo tưởng khi bước vào nghề này.

 

Đạo diễn Đào Duy Phúc - Tất cả đều do cách chúng ta nhìn sự việc!

 

Tôi luôn nhìn mọi việc theo hai chiều của nó. Nghề diễn viên cũng giống như tất cả các nghề khác trên đời, có vinh và có nhục. Tôi đã theo đoàn đạo diễn, diễn viên (do Cục điện ảnh tổ chức) về các địa phương giao lưu, tôi thấy các diễn viên của chúng ta được hâm mộ lắm! Mọi người xin chữ ký ầm ầm. Chỉ có đạo diễn là lủi thủi ngồi một chỗ thôi! (cười).

 

Như tôi đã nói, người diễn viên - cũng kiếm sống, cũng bon chen, cũng tất bật, vất vả như nhiều người khác. Khi đã thành danh, cuộc sống của họ sẽ khác hơn. Tất cả là do cách chúng ta nhìn sự việc mà thôi!

 

Hào Hoa