Ngày thơ Việt Nam 2010 không lặp lại những cái cũ

(Dân trí) - Đó là lời khẳng định kèm theo những hứa hẹn về qui mô tổ chức hoành tráng của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Hữu Thỉnh về đại lễ hội thơ ca kỷ niệm 1000 năm Thăng Long diễn ra đúng ngày rằm tháng giêng, tức 28/2 tại Văn Miếu, Hà Nội.

Ngày thơ Việt Nam 2010 không lặp lại những cái cũ - 1
Ngày thơ Việt Nam 2009 đã diễn ra khá lặng lẽ (Ảnh: Việt Hưng)
 
Tại buổi họp báo chiều 23/2 tại Hà Nội, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 sẽ là đại lễ thơ ca kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Theo đó, đại lễ thơ ca được tổ chức công phu và sẽ diễn ra trên mọi miền đất nước với nhiều hoạt động được tổ chức trong suốt 3 ngày, từ ngày 26 - 28/2/2010.

Năm nay là lần đầu tiên, Hội nhà văn tổ chức lễ rước lửa thiêng từ Đền Thượng ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng về Hà Nội, với các điểm dừng chân tại Việt Trì, chân cầu Thăng Long và trung tâm lễ hội là Văn Miếu. Đài lửa sẽ được dựng tại Văn Miếu vào đúng ngày 28/2 và sẽ được thắp sáng trong suốt thời gian diễn ra ngày hội.

Đổi mới hơn so với các Ngày thơ trước, năm nay ban tổ chức sẽ dựng tại đây 63 cây thơ đại diện cho thơ ca 63 tỉnh, thành cả nước với chủ đề Vườn thơ đất nước. Kèm theo đó, hàng loạt các hoạt động tôn vinh “nàng thơ” cũng sẽ được tổ chức như trưng bày, thể hiện hàng trăm các tác phẩm liên quan tới thơ.
 
Ngày thơ Việt Nam 2010 không lặp lại những cái cũ - 2
Hội thơ rằm tháng giêng không chỉ là sân chơi cho
các nhà thơ và khán giả (Ảnh: Việt Hưng)

Cây thơ dân ca dân tộc, lễ thả thơ, trình diễn thơ, vườn thơ và gốm Bát Tràng... cũng được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng sẵn sàng nâng cánh nàng thơ trong đêm hội thơ rằm Nguyên tiêu năm 2010. Nhà thơ Đỗ Trung Lai tâm sự, ban tổ chức đã rất vất vả hai tháng trời để chuẩn bị cho cho triển lãm vườn thơ trên gốm sứ.

Ngoài sân thơ trẻ và sân thơ già, năm nay ban tổ chức cũng rất chú trọng đến sân thơ thiếu nhi trong Ngày thơ Việt Nam 2010. Sân thơ dành cho thiếu nhi sẽ bắt đầu từ 14 giờ chiều ngày 28/2 với một không gian riêng tại sân Thái Miếu. Hội thơ thiếu nhi được mở đầu bằng lễ thả diều cùng với những câu thơ của nhà thơ Võ Quảng: “Cả đất trời đang chờ đón” (Trích trong bài Ai dậy sớm)… Tiếp đó, các em học sinh trường Thực Nghiệm sẽ trình diễn những bài thơ hay cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ hay bản dịch thơ của Xéc gây Mi Khan cốp...

Cũng tại sân thơ thiếu nhi, nhà thơ Trần Đăng Khoa sẽ có bài nói chuyện thú vị về chùm thơ biển đảo, được sáng tác khi anh là một chiến sĩ hải quân…
 
Ngày thơ Việt Nam 2010 không lặp lại những cái cũ - 3
Mà còn là nơi gặp gỡ, hàn huyên về thơ ca
của những người bạn tâm giao (Ảnh: Việt Hưng)

Thể hiện qui mô tổ chức công phu và hoành tráng của Ngày thơ Việt Nam 2010 còn là rất nhiều hoạt động được tổ chức trước và sau sự kiện này. Ngày 26/2, nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 được tổ chức như Sân thơ dịch tại Trung tâm Văn hóa Khoa học Nga. Đêm chung kết thơ sinh viên diễn ra tại Văn Miếu vào ngày 27/2 với sự tham gia của sinh viên 4 trường đại học lớn. và cùng ngày 27/2, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho các nhà thơ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và các nhà thơ, nhà văn mới mất.

Tiếp theo Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 để lại nhiều dư âm khác nhau tại TPHCM với tên gọi Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long vừa được khai mạc sáng 24/2 tại Nhà hát Lớn thành phố, ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại Hà Nội hứa hẹn sẽ đem đến cho khán giả một đại lễ hội thơ ca hoành tráng và không... lặng lẽ!

Nguyễn Hằng