Tiến sỹ Nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp:

“Không bao giờ tìm được hoa hậu làm vừa lòng tất cả”

(Dân trí)- “Không bao giờ có thể tìm được một hoa hậu làm vừa lòng tất cả mọi người. Ví dụ, khi đăng quang có vẻ Nguyễn Thị Huyền được số đông dư luận đồng tình, nhưng vẫn có những ý kiến thích vẻ đẹp của Á hậu Trịnh Chân Trân hơn…”, TS Thẩm Hoàng Điệp cho biết.

“Cuộc sống với tôi vẫn tràn ngập những niềm vui mỗi ngày. Hạnh phúc với tôi là những điều rất giản dị. Có một câu nói rất nổi tiếng, “Hạnh phúc không có ở ngày hôm qua, không có ở ngày mai, hạnh phúc chỉ có trong từng khoảnh khắc”. Biết nâng niu, trân trọng những gì mình đang có, trong từng khoảnh khắc, đó là hạnh phúc”. Quan niệm ấy không phải của một nghệ sỹ với tâm hồn lãng mạn mà là của một nhà nghiên cứu khoa học, Tiến sỹ Nhân trắc học- Thẩm Hoàng Điệp. Bởi vậy, cuộc sống trong mắt bà lúc nào cũng tươi đẹp. Chúng tôi có buổi trò chuyện cùng TS Nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp.

“Điều tiếng trong các cuộc thi hoa hậu là khó tránh”

Tham gia “chấm” người đẹp từ cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong (sau này đổi tên thành Hoa hậu Việt Nam (HHVN) lần thứ 2 (1990), đi gần trọn quãng đường 20 năm cùng cuộc thi sắc đẹp quốc gia lớn nhất, bà có ý kiến gì khi “đường đua” ngày càng phức tạp, nhiều tranh cãi, cộng thêm những điều tiếng “mua giải”, những chuyện thị phi quanh các hoa hậu kiểu “chân dài - đại gia”…?

Tôi được mời tham gia làm BGK cuộc thi Hoa hậu Việt Nam sau khi gửi cho báo Tiền phong một bài viết về cuộc thi hoa hậu đầu tiên, khi ấy Bùi Bích Phương đăng quang. Cái đẹp mới nhìn tưởng như rất dễ nhận ra, nhưng để ngồi lại, phân tích vì sao cô ấy đẹp, vì sao như thế được gọi là đẹp? Lại rất khó.

Những năm 90 chúng tôi chấm thi hoa hậu khác bây giờ, khi ấy, các cuộc thi nhan sắc chưa đặt nặng tiêu chí đi thi quốc tế. Vẻ đẹp của những HHVN đầu tiên rất bình dị, đời thường. Chúng tôi chọn hoa hậu trong số đông các thí sinh tham gia. Bởi thế, các hoa hậu thường được số đông công chúng đón nhận. Các cuộc thi hoa hậu bây giờ đặt nặng tiêu chí đưa người đẹp đi thi quốc tế, chiều cao được đưa lên thành tiêu chí quan trọng, hoa hậu buộc phải chọn trong số ít các cô gái có chiều cao tương đối. Tiêu chí về cái đẹp thay đổi, các cuộc thi nhan sắc ngày càng được công chúng chú ý hơn, bởi thế những tranh cãi, điều tiếng phức tạp là khó tránh khỏi.

Nhưng cũng phải khẳng định một điều, không bao giờ có thể tìm được một hoa hậu làm vừa lòng tất cả mọi người. Quan điểm về cái đẹp của mỗi người là khác nhau. Đơn cử như vẻ đẹp của Hoa hậu Ngọc Khánh, rất nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều. Hay như Nguyễn Thị Huyền, khi đăng quang có vẻ Huyền được số đông dư luận đồng tình, nhưng vẫn có những ý kiến thích vẻ đẹp của Á hậu Trịnh Chân Trân hơn.

Là thành viên BGK của hầu hết các cuộc thi nhan sắc lớn, nhỏ trong nước, và hầu hết các cuộc thi ấy đều có điều tiếng. Dù muốn hay không, dù là tin đồn hay sự thật, cá nhân bà có cảm thấy danh tiếng của mình bị “vạ lây”?

Nhân trắc học là một bộ môn khoa học, phần chấm thi của tôi là tính toán khoa học, các chỉ số cơ thể đều có công thức tính một cách chính xác và không thể thay đổi được. Cá nhân tôi không phải chịu tác động từ bất cứ ai, bất cứ điều gì. Với nhân trắc học, đẹp là đẹp, không đẹp là không đẹp. Các cuộc thi hoa hậu nhiều điều tiếng, và gần như không có cuộc thi nào là không gây tranh cãi, cá nhân tôi không quan tâm đến dư luận mà chỉ cố gắng làm hết sức công việc của mình.

Gần hai mươi năm là thành viên BGK các cuộc thi nhan sắc lớn, nhỏ trong nước, tôi chưa bao phải áy náy với những gì mình đã làm. Báo chí viết nhiều về các cuộc thi, về thí sinh, về BTC, nhưng chưa bao giờ viết về các thành viên BGK làm không công tâm. Cá nhân tôi không bị điều tiếng bởi tôi đã cố gắng để làm tròn công việc của mình.
 
“Không bao giờ tìm được hoa hậu làm vừa lòng tất cả” - 1
TS Thẩm Hoàng Điệp. (Ảnh Phương Thảo)

Các cuộc thi nhan sắc của chúng ta vẫn đang được “nhân rộng”, nhưng để tìm được một người xứng tầm đi thi thế giới lại nan giải. Có nhiều ý kiến cho rằng, nhan sắc Việt Nam đang ở “tầm thấp” so với thế giới, cả về nhan sắc, về tri thức, về khả năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử…?

Đấy là vì chúng ta chưa chuyên nghiệp, chưa có định hướng “đào tạo” hoa hậu. Chúng ta thường chỉ tổ chức một cách tự phát, thấy một cô gái xinh xinh thì đưa đi thi. Trong khi trên thế giới, thí sinh của nhiều nước đã được đào tạo ít nhất cũng vài năm để chuẩn bị cho một cuộc thi.

“Quan điểm về cái đẹp đang bị bóp méo”

Quan điểm về cái đẹp đã thay đổi. Vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, kín đáo của thiếu nữ Hà Thành ngày xưa chỉ còn lại trong những bức tranh hoài cổ. Giới trẻ bây giờ yêu thích thời trang Harajuku màu sắc, hở hang, cái đẹp trong quan điểm của họ phải thể hiện được cái tôi phá cách, nổi loạn. Đối diện với gương mặt mới của “vẻ đẹp hiện đại”- bà có giật mình?

Tôi sợ chữ nổi loạn. Cá nhân tôi chưa bao giờ thấy ăn mặc hở hang là đẹp. Nói thật, không ít lần đi đường gặp những cô gái trẻ ăn mặc áo cộc, quần cạp trễ đến mức phơi ra cả một đoạn giữa cơ thể… Cảm giác lúc ấy chỉ có thể là thương hại! Đấy là một cách nhìn nhận lệch lạc về cái đẹp.

Theo tôi, quan điểm về cái đẹp có thể thay đổi theo thời đại, nhưng vẫn có gốc cơ bản của nó. Chỉ có cách ứng xử với cái đẹp là thay đổi. Một bộ phận giới trẻ bây giờ đang nhìn nhận về cái đẹp một cách méo mó. Nhìn cách họ ăn mặc, ứng xử, thế hệ tôi không thể hiểu và không thể giải thích. Chỉ mới hôm qua ra đường, tôi thấy những thanh niên đi xe máy chở 3, 4 người, vừa đi vừa “bốc đầu” xe, vừa gào rú… Nhiều lúc cũng thấy lo lắng cho thế hệ trẻ hôm nay, không biết đến thế hệ sau này, bọn trẻ sẽ suy nghĩ và ứng xử như thế nào với cái đẹp, với cuộc sống?

Giáo dục về nhận thức là một bài toán khó, nhất là khi, tất cả chúng ta đều khẳng định, cái đẹp là do quan điểm của mỗi người. Nghe ý kiến của bà, có thể, số đông thế hệ trẻ sẽ kết luận, đó chỉ là quan điểm của một người đã có tuổi, đã lỗi thời, lạc hậu…!

Tôi chưa bao giờ thấy quan niệm về cái đẹp của mình bị lỗi thời bởi vì các chỉ số để đánh giá vẻ đẹp thể hình là công thức chuẩn mà hiện nay người Việt Nam mình đang phấn đấu để đạt được chuẩn đó. Giới trẻ không hiểu như thế nào là đẹp, họ không biết những nhược điểm cơ thể của người Việt mình, cứ thấy nước ngoài ăn mặc thế nào là học theo, chắp vá mỗi nơi một chút tạo thành những trào lưu thời trang lai tạp, hoàn toàn không phù hợp.

Giới trẻ có thể đang nhìn nhận về cái đẹp một cách méo mó, lệch lạc nhưng tôi tin đó cũng chỉ là biểu hiện nông nổi của tuổi trẻ, đến một độ tuổi nhất định, suy nghĩ, nhận thức của mỗi người sẽ nhuần nhị và đúng mức hơn.
 
“Không bao giờ tìm được hoa hậu làm vừa lòng tất cả” - 2
(Ảnh  P.Thảo)

Quan điểm về cái đẹp của riêng bà?

Nếu như hỏi quan niệm của tôi về cái đẹp, nếu không phải chọn để đi thi này nọ, tôi thích một cô gái đẹp bình dị giữa cuộc sống đời thường. Một vẻ đẹp có “nội dung”. Vẫn có câu nói rằng, sắc đẹp bên ngoài đưa người ta đến còn sắc đẹp bên trong mới là cái giữ người ta lại. Nếu chỉ là vẻ ưa nhìn bên ngoài mà bên trong rỗng tuếch thì thật nhạt nhẽo…

Với tôi, không có người phụ nữ xấu. Người ta không đẹp ở khía cạnh này, họ sẽ đẹp ở khía cạnh khác. Điều quan trọng là mình biết nhìn nhận, biết khai thác cái đẹp ở họ.

“Tìm thấy hạnh phúc trong khó khăn, hạnh phúc càng thêm ý nghĩa”

Trong những câu chuyện của mình, dường như bà luôn không muốn khai thác điểm yếu của người khác. Cách cư xử làm đẹp lòng tất cả mọi người, “Không khen chân dài đẹp vì những người chân ngắn sẽ tự ái”, sẽ có người nói, bà là người khôn khéo…

Trong công việc chung, để những người xung quanh khi tiếp xúc với mình cảm thấy dễ chịu, để không ai có cảm giác bị tổn thương, theo tôi, là cái Khéo thật tâm, là văn hoá giao tiếp. Khéo léo theo kiểu lươn lẹo để đạt mục đích riêng, để có lợi cho riêng bản thân bằng mọi cách là sự khéo léo giả tạo. Người Việt mình vẫn dùng hai từ “khôn khéo” và “khôn ngoan” theo hai cách hiểu như thế. Khôn nhưng không phải lươn lẹo với mục đích trục lợi, khôn nhưng mà vẫn phải ngoan. Và khôn ngoan theo đúng nghĩa của từ này là sự cần thiết trong cuộc sống của mỗi người. Theo tôi, ứng xử với cái xấu cũng phải đẹp.

Quan niệm về sự khôn ngoan của bà là quan niệm của một người quảng giao…

Tôi nhiều bạn và bạn nào tôi cũng quý!

Điều ấy có phải là niềm hạnh phúc của những người đã đi qua quá nửa cuộc đời?

Hạnh phúc là do quan điểm của mỗi người. Trong khó khăn, người ta biết chấp nhận và vượt qua được chính mình, hạnh phúc lại càng có ý nghĩa. Cuộc sống của tôi không bằng phẳng, êm đềm, nhưng cho đến bây giờ, sau khi đã đi qua một chặng đường dài, tôi thấy hài lòng và hạnh phúc với những gì mình có.

Nếu cuộc sống không có sóng gió, không có xung đột thì thật nhạt nhẽo, vô vị và hạnh phúc khi ấy là cái không có gì để nói. Hạnh phúc trong khó khăn, vất vả mới càng là hạnh phúc. Tôi chỉ có một cô con gái, nếu theo quan niệm của người phương Đông, có thể sẽ cho đó là sự thiệt thòi, không trọn vẹn, nhưng tôi hài lòng với con cháu mình như tôi vốn hài lòng với những gì mình có.
 
“Không bao giờ tìm được hoa hậu làm vừa lòng tất cả” - 3
(Ảnh  P.Thảo)

Có lẽ vì bà là người theo chủ nghĩa lạc quan? Hiểu theo nghĩa khác đi sẽ là người dễ bằng lòng với những gì mình có?

Cuộc sống với tôi vẫn tràn ngập những niềm vui mỗi ngày. Hạnh phúc với tôi là những điều rất giản dị. Có một câu nói rất nổi tiếng, “Hạnh phúc không có ở ngày hôm qua, không có ở ngày mai, hạnh phúc chỉ có trong từng khoảnh khắc”. Biết nâng niu, trân trọng những gì mình đang có, trong từng khoảnh khắc, đó là hạnh phúc.

Đi qua quá nửa cuộc đời, vô tình gặp những câu thơ “Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên, hễ đói là ăn mệt nghỉ liền”, thấy thật đúng với mình. Cuộc sống tự nhiên, tự tại và thoải mái. Tôi sống đúng như thế, trong tất cả mọi việc, mình phải biết điểm dừng. Nhưng đấy là ở tuổi của tôi, còn thời thanh niên các bạn thì lại phải khác. Tôi vẫn đi dạy học mỗi ngày… Như những câu thơ của Thiền sư Mãn Giác, tôi rất thích:

“Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Ai bảo xuân tàn hoa rụng hết

Sớm ra, sân trước, một nhành mai”

Ừ, ai bảo xuân tàn hoa rụng hết?

Hiền Hương - Phương Thảo