Khán giả cười sao với “Chết cười”?

(Dân trí) - Show truyền hình thực tế về hài đang phát sóng trên truyền hình hiện nay “Chết cười” những tưởng sẽ là chương trình “bom tấn”, nhưng chạy được một quãng đường 8 liveshow có vẻ bom không nổ và đang xịt dần.

Người chơi thử thách để hài, khán giả thử thách cười
 
Với hàng loạt chương trình có yếu tố hài hước thành công trong năm 2014 như “Người bí ẩn”, “Ơn giời cậu đây rồi”… “Chết cười” ra đời cũng sẽ được chờ đợi thậm chí sẽ được "soi" nhiều.
 
Là chương trình hài thử thách có tên bản quyền gốc là “Anything Goes” có xuất xứ từ Pháp được rất nhiều quốc gia yêu thích, trong đó 6 người chơi được chia thành 2 đội phải trải qua những thử thách vui nhộn, biến hóa, nhiều tình huống khá là éo le. Những thử thách tưởng mới lạ nhưng lại rất quen thuộc trong đời sống: hát theo vần, người xếp chữ, mô phạm kết quả, tạo dáng theo màn hình… và trọng tâm là nhà nghiêng.
 
Cũng chính bởi những thử thách lạ mà quen này không mới trong đời sống, đặc biệt trong các sinh hoạt tập thể của học sinh sinh viên bấy lâu nay, nên đã không tạo được những bất ngờ. Trong phần thi hát vần ABC dưới sự chỉ định của MC các nghệ sĩ hát, sẽ không có gì gây cười nếu như các nghệ sĩ không cố thêm thắt những chi tiết gây cười, nhưng tiếng cười thoáng qua và dễ tắt. Thử thách không đắt và cũng không gây được sự chú ý mà khán giả phải “chết” cười.
 
Hình ảnh trong một chương trình của “Chết cười”

Hình ảnh trong một chương trình của “Chết cười”
 
Tương tự ở phần thi thử thách người xếp chữ và phần thi mô tả đoán kết quả, người chơi thoải mái sáng tạo mọi tư thế, kiểu dáng nhằm chọc cười nhưng không phải lúc nào cũng cười được. Khi mà nhiều câu nói và cách tạo dáng bột phát có vẻ hơi thô và phản cảm, khó xem. Đối với người chơi thì quả là giải trí gây cười, nhưng đối với người xem thì cười hơi gượng.
 
Trong liveshow 7 vừa qua khi thử thách treo người trên cao lập tức diễn viên Vân Trang xung phong, mọi người cười ầm, mọi ánh mắt đổ dồn về cô. Bởi đơn giản cô mặc váy ngắn, lấy hình ảnh phản cảm để gây cười tưởng như sẽ nhộn nhưng lại “rẻ”. Sự phản cảm ở trò xếp chữ người, 2 người chơi Hương Giang và Hòa Minzy có những phần tạo dáng rất thông minh và nhanh nhẹn. Nhưng để thêm thắt yếu tố hài hước MC yêu cầu tạo dáng khác độc đáo hơn, thay vì nằm tạo chữ K thông thường cô gái đã chọn cách mới là ngồi xoạc hang một cách vô duyên thì lại được hưởng ứng nhiệt tình. Suốt cả chương trình người ta thấy cô ca sĩ trẻ Hòa Minzy hoạt náo nhảy loi choi khắp sân khấu hò hét, múa may mà chẳng hiểu nổi cô ấy gây cái gì để cười.
 
Những tưởng phần độc đáo nhất là nhà nghiêng 22,5 độ mới mẻ, hóa ra trước đó khán giả cũng đã từng được xem tình huống này trong chương trình “Hội ngộ danh dài”, một show hài khác trên HTV9.
 
Người chơi phải diễn một tình huống mà không biết trước kịch bản, dưới sự mô phỏng của MC, mọi sự diễn biến xảy ra làm cho khán giả cười thật, thậm chí cười nghiêng ngả. Nhưng cười bởi những cú trượt, những cú ngã bởi độ nghiêng, khi mà nghệ sĩ còn mải mê ứng phó với cái nghiêng đó chứ chưa tạo ra được những chi tiết gây cười. Cái sự sắp đặt tình huống, lèo lái tình huống của người dẫn dắt là MC đã không gây ra được hiệu quả.
 
Bởi những tình huống thử thách không có gì khác lạ, yếu tố kịch bản dàn dựng chưa được đầu tư có chiều sâu, người chơi cứ cố cười thả ga còn người xem cứ cố xem để cười.
 
Cười "cơ học" thì sẽ dễ tắt
 
Trong nghệ thuật hài có rất nhiều thể loại: diễn kịch, hài tình huống, hài hình thể, hài ứng biến... nhưng có lẽ hài thử thách khá mới với khán giả Việt nên sẽ còn mất nhiều thời gian để thích ứng.
 
Với những thử thách trong “Chết cười” không mới và chưa độc đáo nên khán giả dễ đoán trước dễ bắt bài. Kể cả trong các tình huống thử thách ở nhà nghiêng cũng sẽ rất dễ gây chán bởi cách dẫn dắt kịch bản và truyền đạt kịch bản cẩn phải đầu tư nhiều hơn. Khán giả sẽ thích thú khi chương trình có nhiều tình huống và chi tiết đắt giá cần suy ngẫm, chứ không phải cười cơ học.
 
So với sự ứng biến nhanh nhẹn và thông minh trong trong các tình huống của “Ơn giời cậu đây rồi”, hay chỉ là những câu nói, phản ứng rất tự nhiên của “vợ chồng Sáu bảnh” trong “Người bí ẩn”. Có vẻ như “Chết cười” đang thiếu cái duyên tự nhiên đó.
 
Cái khó của chương trình là làm mới những điều vốn đã rất hài hước trong đời sống để nâng cấp nó trên một chương trình truyền hình đại chúng. Và cái khó nữa là nghệ sĩ tham gia chương trình giống như tham gia một gameshow nên nhiệm vụ làm “hài” có lẽ phụ thuộc sự chế biến của nhà tổ chức.
 
Được biết đây là chương trình có xuất xứ từ Pháp, nghệ thuật hài của Pháp họ có những tình huống rất thông minh và nhẹ nhàng tinh tế, nhưng khi Việt hóa “Chết cười” đã làm mất đi cái tinh tế thay vào đó là tiếng cười hơi thô và nhảm.
 
“Chết cười” là một chương trình ghi hình rồi mới lên song, đến thời điểm này nhiều ý kiến khen chê, nhưng có vẻ những khen chê hay đóng góp cũng không còn là kịp thời khi hành trình của nó cũng đang dần đi đến chặng cuối. Mọi sự thay đổi để mới hơn, tinh tế hơi và cười sảng khoái hơn có lẽ phải chờ đợi đến năm sau nếu còn sản xuất. Tiếng cười cơ học nó đến nhanh như một phản ứng tức thời, nhưng nó sẽ trôi tuột nếu như dấu ấn không có, và cái duyên không đến.
 

Bạn có ý kiến nhận xét gì về show “Chết cười”? Hãy thể hiện quan điểm của bạn qua những lời bình luận và để lại số điện thoại bên dưới. Những bình luận hay nhất (tính tới 24h ngày 26/3) sẽ nhận được phần quà là 1 cuốn sách của NXB Văn học. Comment hay nhất đã thuộc về bạn Nguyễn Minh Đức - Người có địa chỉ email là duc301120@gmail.com , chúng tôi sẽ liên hệ với người trúng giải qua email hoặc số điện thoại. Cảm ơn các bạn!

 

 

Hữu Đông