Hội chợ phim Việt: Ai bán, ai mua?

(Dân trí) - Tại LHP lần thứ 16 “Hội chợ phim Điện ảnh và công chúng” đã ra mắt. Đây có thể coi là một trong những bước tiến mới của LHP Việt Nam. Tuy nhiên có rất ít gian hàng và thưa vắng người tham quan tại hội chợ.

 
Hội chợ phim Việt: Ai bán, ai mua? - 1
Khung cảnh vắng lặng tại Hội chợ phim điện ảnh và công chúng
diễn ra tại Nhà văn hoá Q10, TP HCM từ ngày 8/12 vừa qua.

 

“Hội chợ phim là nơi để xúc tiến các hoạt động thương mại, trưng bày, giới thiệu, dịch vụ nhằm mục đích thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội giao lưu, mua bán phim ảnh”, khái niệm cơ bản này ai cũng hiểu, thế nhưng sau hơn một ngày hoạt động, lượng gian hàng ít ỏi cũng như lượng khách tham quan thưa thớt khiến cho những người quan tâm tới hội chợ đặt ra câu hỏi: “Liệu rằng ai sẽ bán, và ai sẽ mua ở hội chợ phim này?”.

 

Tuy đây lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một hội chợ phim đúng nghĩa, nhưng các công ty làm phim Việt không phải là thiếu kinh nghiệm tham dự các hội chợ phim. Các hãng làm phim Việt đều đã tham gia gần như tất cả các kỳ chợ phim uy tín tại các nước, ví dụ như các hãng phim Việt Nam đã tham dự rất nhiệt tình hội chợ phim Hồng Kông trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, dù ở quốc tế hay ở Việt Nam, việc bán được phim vẫn cứ là thứ mơ ước xa vời đối với tất cả các hãng phim Việt.  

 
Hội chợ phim Việt: Ai bán, ai mua? - 2
Các gian hàng tại Hội chợ rất vắng người xem.

 

Ở hội chợ phim, người ta không chỉ bán các bộ phim đã hoàn thành, mà ở đó, còn chào bán cả những bộ phim còn trong… dự án. Các phương tiện làm phim, những kịch bản, hay thậm chí là cả những đạo diễn hay diễn viên trẻ tiềm năng… đến với hội chợ phim nhằm quảng bá cho những thứ mà họ có thể “bán” được và họ thấy sẽ có người mua. Thế nhưng, trong một thị trường phim như Việt Nam, người ta mua bán chủ yếu dựa trên những mối quan hệ quen biết, uy tín có sẵn của đối tác, chứ ít ai dám mạo hiểm với một đối tác mới chưa quen thuộc. 
 
Vậy nên, vô hình chung, hội chợ đã trở thành một nơi để người ta trưng bày cho công chúng xem những thành quả mà các nhà sản xuất đã làm được còn những nhà chuyên môn thực sự trong làng phim, những người cần thiết để thúc đẩy sự giao lưu mua bán trong hội chợ, thường không mấy quan tâm tới hội chợ. Bằng chứng là trong số ít ỏi khách tham quan, người ta không hề nhận thấy một gương mặt quen thuộc nào của làng điện ảnh.

 

Đảo qua một vòng hội chợ phim Việt, theo thông tin ban đầu có tới 40 gian hàng nhưng thực tế chỉ có lèo tèo trên dưới 15 gian hàng vắng lặng, quá ít khách tham quan. Một nhân viên bán hàng đề nghị được giấu tên nói: “Hôm đầu tiên thì cũng có khá đông người xem, buổi tối cũng vậy, nhưng đến ngày thứ hai thì hội chợ vắng lặng. Công ty em chưa có một khách hàng nào đề nghị gửi báo giá giới thiệu, chứ đừng nói là bán được hợp đồng”.
 
Hội chợ phim Việt: Ai bán, ai mua? - 3
Các nhân viên hầu như không có cơ hội phát tờ rơi quảng cáo
hay bảng báo giá vì không có khách tới thăm quan.

 

Còn về phía người tham quan, Ngọc - sinh viên trường CĐ SKĐA nói: “Những hoạt động của hội chợ đơn điệu quá, phim chiếu trưng bày phần đa cũng chỉ là những phim đã phát trên truyền hình, không có phim mới. Điều em thấy lạ là chỉ có một gian hàng trưng bày các dụng cụ làm phim như máy quay, cẩu… trong khi nhu cầu của bất kỳ đoàn phim nào cũng cần. Em đến hội chợ để mong được gặp gỡ và học hỏi, nhưng mục đích ban đầu đó tiêu tan vì chẳng gặp được ai cả”.

 

LHP Việt Nam lần thứ 16 được giới chuyên môn và báo chí đánh giá là hoành tráng và đáng xem hơn những năm trước. Và việc tổ chức một hội chợ phim thực sự cũng là một bước tiến bộ, tuy nhiên, đáng tiếc, không có quá nhiều người quan tâm tới hội chợ này.

 

Bài và ảnh: Phan Anh