Hồ Tịnh Tâm ngày ấy ... bây giờ

(Dân trí) - Giữa lòng thành phố Huế, hồ Tịnh Tâm mùa hè mang đến cho người con cố đô cái dịu mát của sắc màu, cái nhẹ nhàng của hương thơm. Những bông sen ngát hương vươn mình xanh biếc phủ kín cả mặt hồ, một vẻ đẹp thuần quê nhưng rất đỗi tự hào.

Giờ đây hồ Tịnh Tâm buồn hiu giữa mênh mông bèo dâu, rau muống, trong màu xám xịt của nước thải.

Tịnh Tâm… ngày ấy

Hồ Tịnh Tâm (Tĩnh Tâm), xưa nay người dân Huế hay gọi một cách vắn tắt là hồ Tịnh. Hồ Tịnh là một di tích cảnh quan được kiến tạo dưới triều Nguyễn. Dưới thời vua Thiệu Trị đây được xem là một trong 20 cảnh quan đẹp nhất thần kinh. Trước đây, hồ nguyên là vết tích của đoạn sông Kim Long chảy qua Huế, có hình chữ nhật, chu vi gần 1500m2, trên hồ có 3 hòn đảo là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Hồ là một thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam những năm thuộc thế kỷ 19 với sự bày bố cầu kỳ, hết sức tinh mỹ, hài hòa với thiên nhiên.

Hồ Tịnh Tâm được ngăn cách với bên ngoài bằng một vòng tường gạch. Bốn mặt có bốn cửa gồm cửa Hạ Huân ở phía Nam, Đông Hy ở phía Bắc, Xuân Quang ở phía Đông và Thu Nguyệt ở phía Tây. Xung quanh các đảo trên hồ và dọc bờ hồ đều trồng các loại liễu trúc và các thứ hoa cỏ lạ, đặc biệt dưới hồ trồng rất nhiều sen trắng thơm ngan ngát khắp vùng và trở thành thương hiệu sen nức tiếng gần xa.
 
Hồ Tịnh Tâm ngày ấy ... bây giờ
Người trồng sen ở Huế đang thổn thức vì các hồ ô nhiễm.

Cảnh đẹp ở hồ Tịnh Tâm tạo nguồn thi hứng và trở thành đề tài cho nhiều bài thơ, chùm thơ nổi tiếng của các vua Nguyễn như: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức ... Nổi bật nhất là bài thơ Tịnh hồ hạ hứng nằm trong chùm thơ ca ngợi 20 cảnh đẹp đất thần kinh của vua Thiệu Trị. Bài thơ này cùng với phong cảnh hồ Tịnh Tâm được vẽ vào tranh gương để treo ở các cung điện.

"Hồ Tịnh Tâm trong veo muôn khoảnh, man mác hai hồ.
Một dải đê dài, cầu dao như mống.
Vui chơi khúc đàn Nam phong trên gác Nam Huân, thỏa thích một trời của nhiều no đủ.
Xứng đáng cõi thọ ở Tây Trì, rõ ràng là danh thắng kinh đô.
Phong quang vô hạn, chưa tận mắt ngắm trông ê khó hình dung cảnh trí".

Và xưa nay người ta biết đến hồ Tịnh với sen bách diệp, ca dao miền hương ngự có câu: "Hồ Tịnh Tâm nhiều sen bách diệp, đất hương cần ngọt quýt, thơm cam...".

Sen ở hồ Tịnh rất nổi tiếng, xưa nay được nhiều người biết đến với hạt sen vừa bở vừa thơm, khi nếm thì con người ta mới hoàn toàn cảm nhận được hương vị tuyệt vời của nó.

Tương truyền rằng, sen trong hồ Tịnh có nguồn gốc từ một địa phương nào đó ở nước ta. Người dân thấy ngon bèn đem tiến vua và được đưa đến trồng trong hồ Tịnh Tâm. Kỳ diệu thay, giống sen ấy rất hợp nước và bùn của hồ Tịnh nên mọc khoẻ, cho hoa to, màu sắc hài hoà, hương thơm dìu dịu. Hương hoa sen cùng với cảnh đẹp nên thơ của hồ Tịnh nên nơi đây đã được vua Thiệu Trị xếp hạng một trong những thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở Huế.

Có lẽ chính vì vậy, mà sen hồ Tịnh mang điểm khác biệt với sen ở các vùng miền trên cả nước, và hạt sen hồ Tịnh đã trở thành đặc sản, là món món ăn tinh thần cho những người con Huế xa quê.

bây giờ

Huế những ngày này đã bước vào giữa mùa sen (đầu tháng 2 cho đến tháng 7), trên mặt hồ Tịnh vẫn một màu xanh. Nhưng lại là màu xanh của bèo, rau muống, cộng thêm vài khóm hoa súng lác đác trên mặt hồ. Người dân cố đô nhìn vào vườn ngự uyển của hoàng gia ngày nào, giờ trong tình trạng phế tích lòng man mác buồn mà nhớ tiếc hương sen một thuở.
 
Hồ Tịnh Tâm ngày ấy ... bây giờ
Mặt hồ Tịnh giờ nhường chỗ cho rau muống.

Theo thống kê sơ bộ, gần 100ha diện tích mặt nước có thể trồng được sen thì ở Huế chỉ có khoảng 20ha diện tích đang được trồng. Trong đó tập trung chủ yếu ở các phường nội thành như: Hồ Mân (2ha), hồ Tàng Thơ (1,2ha), hồ Tịnh Tâm (7-10ha)… Người dân đang tỏ ra ngần ngại với việc trồng sen bởi nhiều năm thua lỗ, lợi nhuận từ việc trồng sen không cao. Nhiều người dân cả đời gắn bó với nghề sen phải khóc nói khi cứ mỗi mùa sen trôi qua thì sen trong hồ Tịnh ngày một ít đi. Những cống nước đen ngòm chảy vô tội vạ vào hồ như mang "lệnh bài" đến "kết liễu đời sen". Nhiều người thầu mặt hồ để trồng sen, sen không sống nổi, nên họ đành thả rau muống với mong muốn vớt vát chút ít vốn liếng.

Trong cái nắng mùa hè, nhiều người sống bằng nghề trồng sen biết không thể trông chờ, nên họ chọn thêm cách chèo thuyền thả lưới bắt cá, người thì ngồi câu ... giữa màu xám đục của nước, mùi tanh tanh, hôi hôi của rác, và đâu đó là vài bông súng lững lờ trên mặt nước chen lẫn với cây muống, với cây bèo.

Thời gian đã không làm biến đổi nhiều về phần kiến trúc có một không hai của hồ Tịnh Tâm, nhưng chính ý thức cộng đồng kém nên đã khiến hồ Tịnh bây giờ đã khác xưa …

Bao quanh đại nội Huế là thành hào và cũng là một vườn sen tỏa hương thơm ngát. Dưới chân tường thành rêu phong cổ kính, những bông sen vươn lên tinh khiết, trắng ngần, vừa mang vẻ đẹp hài hòa gần với ruộng vườn, vừa mang dáng vẻ đài các thanh cao. Sen Huế đã trở thành biểu tượng và sen Huế như nổi tiếng hơn khi đi vào thơ của Chế Lan Viên:
"Trắng muốt mùa sen Huế cố thành
Ngỡ như mùa hạ Huế chờ anh
Mượn ai màu áo hay màu lụa
Bọc lấy mùi hương ấy để danh...".

Nhưng giờ đây tất cả đều đó chỉ còn là quá khứ. Hồ Tịnh ngày nào với sen hồng tỏa hương thơm ngát cũng chỉ còn là hoài niệm …

Nỗi lòng người trồng sen

Ông Chồn sinh năm 1930 và bắt đầu ra đồng trồng sen khi mới 16 tuổi. Với ông nghề trồng sen là nghề vừa mang lại cảnh quan đẹp vừa có thu nhập cao. Khi kể về nghề trồng sen ông rất tự hào: “Tui trồng sen lâu lắm rồi, kỹ thuật trồng sen, giống sen…tui đều biết rõ. Nếu làm kinh tế thì giống sen trắng và đỏ đậm là đạt hiệu quả kinh tế vì cho nhiều hạt, còn giống sen đỏ nhạt cho ít hạt chỉ thích hợp trồng sen cảnh thôi. Ngày xưa, sen được trồng trong hồ Tịnh Tâm thì người dân không được ăn đâu, mà những hạt sen ngự ấy chỉ dành cho vua quan thôi…”.

Ông xuýt xoa khi nhớ về quá khứ: “Khi ấy tui thầu trồng sen rất nhiều hồ, diện tích lên tới 30ha. Tui thầu ở hồ Tịnh Tâm, Ngự Hà và ba lô ở thành ngoại. Ngày đó làm sen trúng lắm, mỗi mùa sen xuất ra 50 triệu tiền vốn thì thu lại hơn 300 triệu, giờ thì…”, nói đoạn ông chỉ biết lắc đầu.

“Tui mới bỏ nghề năm 2006 đây thôi, một phần là do sức khoẻ yếu, một phần thấy khiếp, không dám làm… bởi ngày nay hồ ô nhiễm quá. Nói thật với cô là ngày xưa, nước hồ trong như gương ấy, giờ thì không dám rửa chân luôn, nước hồ uế tạp lắm, đen như mực”, ông Chồn ngán ngẩm khi nói về hồ sen.
 
Hồ Tịnh Tâm ngày ấy ... bây giờ
Anh Thiện cùng bạn thả lưới kiếm cớ sinh nhai. 

Ngậm ngùi ông nói: “Kế nghiệp tui là 2 thằng con trai. Đứa vào Đại nội trồng sen, đứa thì trồng sen ở hồ Tịnh Tâm. Nhưng nhiều năm nay sen mất mùa liên miên, nên chúng nó cũng đâm ra chán nản, giờ nó cố theo nghề này cũng bởi đây là cái nghiệp cha ông để lại thôi”.

Cụ Nguyễn Văn Luyến, năm nay bước sang tuổi 92 - ông cũng là lão làng trong cái nghiệp trồng sen. Con cái ông đều theo nghiệp này, trong nhà có 9, 10 người làm hồ (trồng sen). Ông Nguyễn Văn Tuệ con trai cụ Luyến, là người theo cha học nghề từ khi còn nhỏ, thế mà năm nay ông Tuệ đã có trong tay 40 năm kinh nghiệm.

Ông Tuệ chia sẻ: “Cách đây 10 năm trồng sen là nghề thu lời rất cao, lợi nhuận từ 30 - 35 triệu đồng/ha. Nhưng những năm gần đây sen liên tục mất mùa, làm cho người dân sống bằng nghề trồng sen gặp khó khăn, giờ họ chỉ biết trông chờ và hi vọng…”.

Anh Nguyễn Thiện Hùng (52 tuổi) là người trồng sen trên hồ Tịnh kiên quyết thể hiện quan điểm với chúng tôi “quyết tâm không cho người dân trồng muống”. Bởi theo anh Hùng thì trồng muống nhiều sẽ làm cho chất dinh dưỡng trong hồ giảm đi rất nhiều, cộng thêm chất thải và nước bẩn ứ đọng là nguyên nhân gây cho sen rụi sớm. “Giờ phải làm thêm nghề phụ mới có ăn, chứ chỉ biết chờ vào mấy ha trồng sen thì khổ …”, anh Hùng cho biết.
 
Dù các biển báo cấm được cắm khắp nơi xung quanh hồ, nào là cấm trồng rau muống, cấm đổ rác… nhưng rau muống thì vẫn xanh mơn mởn trên mặt hồ, còn rác không chỉ đơn giản là rác sinh hoạt thường ngày, mà có cả xác động vật chết và các chất thải đến kinh tởm. Thời điểm này với người dân Huế đã là mùa trồng sen ở hồ Tịnh Tâm và nhiều nơi khác nhưng tình trạng ô nhiễm khiến cho sen Huế đang ngày mất đi hình ảnh.

Thu Thảo