Giải mã đất sống của “thảm họa” showbiz Việt

Người trong giới tỏ ra vô tâm, khán giả luôn tỏ ra hiếu kỳ còn giới truyền thông thì góp sức bằng cách tung hê một cách thiếu trách nhiệm. Những yếu tố đó đã tạo đất sống cho những gì được gọi là “thảm họa” của nghệ thuật.

 

Giải mã đất sống của “thảm họa” showbiz Việt - 1

Phương My - một trong những nhân vật được xem là “thảm họa” của showbiz Việt đang bắt chước phong cách của Lady Gaga

 
“Hàng thật” không bằng “hàng dỏm”

 

Một điều khá bất ngờ là những ca khúc nằm trong danh sách “thảm họa” của nhạc Việt luôn có số lượng người truy cập rất cao (chỉ tính riêng ở trang truy cập MV, ca khúc phổ biến nhất YouTube). Theo đó, ca khúc Vọng cổ teen, do giọng ca được xem là “hiện tượng mạng” Don Nguyễn thể hiện, thu hút 3.271.783 lượt truy cập với 1.084 ý kiến thích và 130 ý kiến không thích. Trong khi đó, ca khúc Vọng cổ teen, do chính tác giả Vĩnh Thuyên Kim thể hiện cũng thu hút đến 34.632 lượt truy cập với 12 ý kiến thích và 8 ý kiến không thích. Ca khúc “thảm họa” Nói dối của Phương My đạt trên 1 triệu lượt truy cập, có 535 ý kiến thích và 14.033 ý kiến không thích.

 

Trong khi đó,  ca khúc “thảm họa” Da nâu của Phi Thanh Vân cũng đạt con số 717.597 lượt truy cập, với 110 ý kiến thích và 1.859 ý kiến không thích. Không “thành công” bằng Da nâu, Tâm hồn vĩnh cửu của Phi Thanh Vân chỉ đạt  273.705 lượt truy cập với 173 ý kiến thích nhưng có đến 2.578 ý kiến không thích. Dẫu vậy, những con số này cũng đủ cho thấy những ca khúc “thảm họa” đang thu hút sự chú ý của cư dân mạng hơn cả những giọng ca đẳng cấp cao. Chẳng hạn, ca khúc đỉnh cao của ca sĩ Mỹ Tâm trên YouTube cũng chỉ đạt mức 581.358 lượt truy cập. Ca khúc đỉnh cao Giọt nắng bên thềm của giọng ca hàng đầu Thanh Lam cũng chỉ có 572 lượt người truy cập.

 

Điều an ủi duy nhất cho nghịch lý này là rất nhiều ý kiến bình luận chê bai những ca khúc được cho là “thảm họa” này. Thậm chí trên nhiều diễn đàn mạng, công chúng không tiếc lời phê phán những người đã tạo ra “thảm họa” và kêu gọi tẩy chay. Nhưng trước khi lên tiếng phê phán không ít người vì tò mò phải vào xem, nghe một lần cho biết. Điều này đã tạo nên cơn sốt về lượng truy cập, vô tình nâng giá trị ảo cho bài hát “thảm họa”.

 

Đạo diễn Lê Hoàng nói: “Theo tôi, nguyên nhân chủ đạo do dân trí số đông của chúng ta còn quá thấp và những nghệ sĩ tài năng còn quá ít. Quốc gia nào trong giai đoạn bùng nổ thông tin này cũng phải đối mặt với vấn đề bùng nổ đủ thứ âm thanh, hình ảnh “thượng vàng hạ cám” được tung lên mạng. Một khi khán giả có tầm nhận thức nhất định thì họ có thể tự chọn lọc, tự định hướng được cho mình. Họ sẽ tẩy chay khiến những tác phẩm linh tinh không phát triển được nữa. Nhưng vì chúng ta không làm được như thế nên khiến các “nghệ sĩ thảm họa” thấy mình cũng danh giá như ai, dẫn đến thái độ vừa ngây thơ vừa ảo tưởng, vừa thấp kém lại vừa bất cần”.
 
Giải mã đất sống của “thảm họa” showbiz Việt - 2
Phi Thanh Vân thường xuyên được nhắc tới với "thảm họa" Da nâu Tâm hồn vĩnh cửu

 

Giới quản lý, chuyên môn bó tay

 

“Thảm họa” âm nhạc sở dĩ có đất sống trong thời gian qua là nhờ lượng lớn đối tượng khán giả tuổi teen mà theo đạo diễn Lê Hoàng: “Đó là đối tượng khán giả lộn xộn về thẩm mỹ. Sự lộn xộn này vừa được cổ vũ vừa có điều kiện, vừa cảm thấy như thế mới hiện đại (?). Và thế là nhạc “thảm họa” có cơ hội len lỏi vào đời sống một cách tình cờ nhưng mạnh mẽ”.

 

Hai phương tiện phổ biến lớn nhất các ca khúc, hình ảnh “thảm họa” là các trang web và điện thoại nhưng một cán bộ có trách nhiệm của Bộ Thông tin - Truyền thông phát biểu trong phóng sự nói về thực trạng này trên Đài Truyền hình Việt Nam hôm 17/7 rằng họ không thấy phía cơ quan văn hóa có liên quan đề xuất xử lý gì về nội dung những ca khúc và hình ảnh được đăng tải trên các trang web, báo điện tử. Còn phía Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nói rằng họ đã phân cấp cho các sở địa phương quản lý cấp phép biểu diễn. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM cho biết các chương trình băng đĩa âm nhạc khi không được sở này cấp phép phát hành thì NXB Âm nhạc lại cấp phép. Đây là lỗ hổng trong công tác quản lý làm cho thị trường băng đĩa nhạc và nhạc số ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm kém chất lượng.

 

Trong khi đó, những người có trách nhiệm về định hướng thẩm mỹ bởi khả năng chuyên môn của mình thì chỉ biết kêu gào... Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TPHCM trong buổi tổng kết 6 tháng đầu năm đã kêu rằng môi trường văn hóa nghệ thuật đang bị ô nhiễm nhưng rồi đẩy trách nhiệm sang cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.

 

Thiếu hoa thơm, cỏ dại sẽ mọc đầy. Khi ngày càng ít đi những tác phẩm có giá trị trong đời sống xã hội thì việc lấn át của những bài hát, hình ảnh “thảm họa” là điều không tránh khỏi. Nhạc sĩ Lê Quang cho rằng: “Nếu đó không phải là âm nhạc thì đừng quan tâm đến nó. Cứ để mặc nó tồn tại và nó sẽ tự chết”. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều người trong giới khi đề cập hiện trạng “thảm họa” của nhạc Việt hiện nay. Tuy nhiên, chính thái độ phớt lờ, vô can này càng tạo cơ hội cho ca khúc “thảm họa” có đất phát triển.

 

Thị trường giải trí đã chứng minh khi không có những sáng tạo mới có giá trị, đủ sức thu hút công chúng thì những gì thỏa mãn yêu cầu mới, lạ đối với công chúng lại trở nên được chú ý cho dù điều “mới lạ” ấy hoàn toàn không có giá trị và sớm nở tối tàn.

 

Bắt chước thiếu chọn lọc từ những cái không giá trị của người ngoài để làm cái mới lạ cho mình là xu hướng không lành mạnh của làng giải trí Việt Nam hiện nay.

 

Theo Thùy Trang

Người Lao Động