Đưa phim về bản

(Dân trí) - Đưa phim về với bà con mình, ở miền cao hay miền biển, tới tận những nơi xa xôi nhất, là chuyện rất đỗi bình thường đối với những cán bộ, chiến sỹ của đội chiếu phim (Bộ CHQS tỉnh).

Đưa phim về bản
Rong ruổi cùng họ trong một chuyến đi của rất nhiều chuyến đi, để thấy, để thêm hiểu và chung niềm vui của người dân vùng sâu, vùng xa khi người thuyết minh cầm micro cất tiếng “A lô! Alô! Chúng tôi xin thông báo...”.

Thiếu tá Đặng Hồng Quang - Đội trưởng đội chiếu phim Bộ CHQS tỉnh, người đã gắn bó với công tác này nhiều năm qua còn nhớ rất nhiều kỷ niệm trong những chuyến về với đồng bào. Trong đó, có lần về với Bản Đựa (xã Lượng Minh,Tương Dương). Khi đội vượt núi, băng ghềnh, thậm chí máy móc phải nhờ cả xe trâu chuyển vào đến bản, dựng phông màn lên. Bà con ùa ra xem. Vốn chưa hiểu về màn ảnh rộng, bà con tâm sự rằng với anh em rằng từ thửa bé đến giờ chưa thấy cái ti vi nào to như thế. Đây là ti vi to nhất mà bà con thấy. Có người nói “bộ đội có cái máy gì mà to thế”, và đến sờ tận nơi. Bà con rất háo hức, có người tỏ ra hiểu biết hơn bảo rằng: "Đó là ti vi...màn ảnh rộng, dưới xuôi nhiều lắm!”. Cũng như vậy để biết, mỗi thước phim tuyên truyền hay phim truyện, mang được đến bản xa dẫu có biết bao vất vả, khó khăn, nhưng với sự đón nhận nhiệt thành của đồng bào đã làm ấm lòng biết bao các CBCS trong đội chiếu phim.

Cũng tại bản Đựa chuyến ấy, khi anh em gặp trưởng bản để báo cáo, cho triển khai máy móc tại sân của bản và làm công tác chuyên môn. Bà con đã tập trung đầy ở sân bóng của bản, cái sân đó rất nhỏ, xung quanh là nơi tập trung trâu bò thả rông của bà con trong bản…chịu muỗi, chịu bẩn và nhịn đói luôn cả chiều để chờ đến...giờ chiếu. Tiếp xúc với chúng tôi, bà Lữ Thị Hiền ở bản Đựa xã Lượng Minh, huyện Tương Dương hồ hởi: Từ trước đến nay bà con không có phim xem, được sự quan tam của các anh ở dưới lên chiếu cho bàn con dân bản xem, bà con dân bản rất mừng vì đã được quan tâm. Trong lúc triển khai chuẩn bị cho buổi chiếu phim đêm đó, bản Đựa như có ngày hội.
 
Đưa phim về bản
Đội chiếu phim chuẩn bị máy móc trước một chuyến lên đường làm nhiệm vụ.

Trẻ con chạy qua chạy lại xem các chú bộ đội làm cái máy to. Người lớn thì tổ chức làm thịt lợn để chiêu đãi. Cũng chiều đó, do thời tiết nắng gắt lâu ngày, nhiệt độ trên trời dọi xuống, hơi nóng hầm hập dưới đất xông lên, cộng với một chặng đường dài khiêng vác máy móc đã làm mấy anh em trong độ bị chảy máu mũi. Thế nhưng, vượt lên tất cả, với tinh thần vượt khó của người lính cùng tình cảm không thể đong đếm được khi đưa được những thước phim về với bà con đang khao khát, đêm chiếu phim đã diễn ra rất tốt đẹp. Thêm một thuận lợi nữa là đến đâu, đội cũng được bà con các dân tộc rất ủng hộ, đón tiếp nồng hậu và các cấp ủy quyền địa phương rất quan tâm.

Những bộ phim của đội chiếu phim Bộ CHQS tỉnh mang về phục vụ bà con bao giờ cũng đầy tình nghĩa. Tình nghĩa và trách nhiệm từ sự vượt qua vất vả, khó khăn để vượt núi, băng đèo, máy chiếu trên vai người lính Cụ Hồ để vào với bản. Tình nghĩa từ những tấm lòng chân chất, hồn hậu của người dân nơi biên viễn xa xôi chào đón các anh như người thân trở về. Khi đó, nội dung mỗi bộ phim dường như còn cõng thêm một nội dung đằm thắm khác: nghĩa tình quân với dân.

Phim của đội mang đi là phim nhựa 35li, chủ yếu là phim màn ảnh rộng. Đã có nhiều phim hay được chiếu như: Sống trong sợ hãi gồm 11 cuốn. Bộ phim có nội dung nói về những câu chuyện trước và sau cuộc chiến. Bà con trong quá trình khai hoang sản xuất hay vướng phải bom mìn, đặc biệt là vùng đất Quảng Trị…Sau đó, có bộ đội cùng các lực lượng tham gia rà soát bom mìn, khai hoang, hồi sinh lại mảnh đất, có đất cho bà con khai hoang, tăng gia sản xuất. Hoặc như phim Tổ quốc trên vai người lính do Tổng cục chính trị sản xuất. Bộ phim tài liệu ca ngợi về những người lính bảo vệ tổ quốc nơi biên cương được nhân dân rất ủng hộ. Người lính trong thời chiến cũng như thời bình.
 
Trong thời bình người lính sẵn sàng tham gia huấn luyện tham gia chiến đấu, nhưng bên cạnh đó, còn có những nhiệm vụ khác như phòng chống cháy rừng, phòng chống thiên tai, luôn luôn có hình ảnh của người lính. Một bộ phim cũng nói về đề tài chiến tranh là phim Đường thư, nói về thời kì chống Mỹ. Đây cũng là bộ phim nói về đề tài chiến tranh rất hay, phim có 10 cuốn, bộ phim màu do Việt Nam mới sản xuất. Đường thư nói về sự hi sinh, mất mát của người lính, cuộc sống người lính trong chiến tranh được vẽ lên bằng những sắc màu đa chiều của điện ảnh. Bộ phim này chiếu lên có rất nhiều cảnh bom lửa giữa ta và địch, đánh giáp la cà được bà con rất ủng hộ và thêm hiểu, thêm yêu hình ảnh người lính.
 
Làm nhiệm vụ ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa rất vất vả. Các địa bàn như: Đập Tràn (Kì Sơn), Bản Soóng Con, Bản Vẽ (Tương Dương), Châu Thái (Quỳ Hợp), Đồng Văn (Quế Phong)…và rất nhiều địa danh xa xôi khác đã in dấu chân của họ. Đến đâu, đội điển ảnh cũng được bà con nhân dân đón nhận bằng tình cảm thân thương nhất. Bà Vi Thị Vân ở bản Na Cày, xã Tiền Phong (huyện Quế Phong) chia sẻ, bà con chúng tôi ở thôn Na Cày được xem phim bộ đội lên đây chiếu vui mừng lắm, từ trước thì không có, giờ mới được xem phim màn ảnh rộng đêm hôm nay thấy bộ phim rất hay nói về lịch sử hồi trước đánh giặc.
 
Đưa phim về bản
Thiếu tá Đặng Hồng Quang (đội trưởng đội chiếu bóng Bộ CHQS tỉnh), đang chuẩn bị chiếu phim phục vụ bà con tại Châu Thái (Qùy Hợp).

Một máy chiếu của đội có trọng lượng là 50kg, máy nổ 80kg, thời gian đi phục vụ bà con, vào bản rồi còn phải đi từ xóm này sang xóm khác mất hàng ngày trời. Anh em phải di chuyển bằng ô tô đến lúc đi qua suối thì chặt cây rừng để gánh máy ngập nước ngang bụng, có lúc phải nhờ xe trâu vận chuyển vào với bà con… Trong những chuyến đi ấy, vẫn lo nhất là các hộp đựng phim và máy chiếu. Bởi nếu bị ướt, hỏng máy thì phải quay về bởi còn gì nữa mà chiếu. Thế nên, có lúc đi giữa đường vào bản gặp mưa, đành chấp nhận lấy màn ảnh phủ che máy. Người có thể ướt, nhưng máy không thể bị ướt. Đó là quyết tâm nhưng cũng là tình cảm của họ khi đến với bà con các dân tộc. 

Kết thúc chương trình thì đã gần 12 giờ đêm. Có bản vào đến nơi sân chiếu không có, đành phải để máy lên nhà sàn, màn ảnh treo ra ngoài...hàng rào cách đó 5 mét. Bà con ngồi yên lặng trên sàn xem những bộ phim về tình quân dân, về các ngày lễ lớn, về quân đội. Ai cũng phải im lặng vì phim hay, vì lạ, nhưng thêm một điều là nếu đi lại thì ngồi trên sàn tre nên sẽ làm máy chiếu rung và làm hình ảnh cũng ...đung đưa theo. Có nơi như ở Lượng Minh (Tương Dương), đội phải phục vụ đến 1 giờ sáng với 3 bộ phim liên tục. Hết chương trình không ai chịu về vì tưởng đang còn nên vẫn cứ ngồi chờ.
 
Đưa phim về bản
Bà con ở Lượng Minh (Tương Dương) đang theo dõi một chương trình của đội

Thiếu tá Đặng Hồng Quang cho biết, trong một năm chúng tôi thực hiện kế hoạch của Bộ chỉ huy với rất nhiều chuyến đi về vùng sâu,vùng xa, nơi người dân đang thực sự cần những thước phim để được biết thêm cuộc sống rộng lớn phía ngoài làng bản, núi rừng. Ngoài nhiệm vụ phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa, chúng tôi kết hợp tuyên truyền vận động bà con. Trước buổi chiếu chúng tôi thường tổ chức phát tờ rơi, mang thêm máy để làm chương trình tuyên truyền như phòng chống HIV, ma túy.

Mới đây, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng QĐND Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2605/QĐ-TM về việc tổ chức lại hệ thống các đội chiếu phim trong quân đội. Theo đó, sẽ tổ chức lại hệ thống các đội chiếu phim trong toàn quân với 20 đội chiếu phim của 20 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Nghệ An. Bởi vậy, trách nhiệm của họ càng nặng nề hơn. Những bước chân của CBCS trong đội chiếu phim Bộ CHQS tỉnh vẫn ngày đêm hướng về bà con. Và hằng đêm, nơi một bản làng xa vắng đâu đây giữa đại ngàn xứ Nghệ, có thể ta lại thấy ánh đèn điện và tiếng thông báo “A lô! Alô! Chúng tôi xin thông báo...”.

Trung Đức - Nguyễn Duy