Di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế (kỳ 2)

(Dân trí) - Di sản ký ức tinh thần thơ ca lộ diện trên nền di sản vật thể của Huế không chỉ có không gian của thơ mà còn gồm cả hệ thống đại tự, câu đối, văn bia, một kho tàng di sản văn hoá Hán Nôm trường tồn với thời gian.

Từ cửa Ngọ Môn đi vào điện Thái Hoà, ở hai đầu cầu Trung Đạo có hai Nghi môn (còn có tên gọi khác là Phương môn). Hai mặt trước sau của mỗi Nghi môn đều có bốn chữ viết trên nền Pháp lam. Hai mặt hướng nam (từ ngoài Ngọ Môn nhìn vào) là hai câu Chính trực đẳng bìnhChính đại quang minh. Hai mặt hướng bắc (trong điện Thái Hoà nhìn ra) là hai câu Cư nhân do nghĩaTrung hoà vị dục. Nội dung bốn câu trên hai Nghi môn này toát lên tư tưởng chỉ đạo, phương hướng, đường lối cai trị của triều đình nhà Nguyễn.

Di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế (kỳ 2)
Nghi môn thứ nhất, ở hướng nam có bốn chữ “Chính trực đẳng bình”

Chính trực đẳng bìnhChính đại quang minh mang ý nghĩa mà Mạnh Tử gọi là ngoại vương. Trong Kinh Thư, Kinh Thi đều có viết về chính trực đẳng bình, tuân vương chi nghĩa, tuân vương chi đạo, vương đạo chính trực… Vua Minh Mạng cho đưa bốn chữ này lên Nghi môn trước điện Thái Hoà là đưa ra tuyên ngôn về con đường chính trị của triều đại, và của bản thân nhà vua. Đó là thực hành chính sự ngay thẳng, rõ ràng. Bậc quân vương tuân theo điều nghĩa, không thiên lệch.

Di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế (kỳ 2)
Chữ chính trực đẳng bình từ nghi môn nhìn thẳng theo một trục vào điện Thái Hòa - nói lên tư tưởng và tuyên ngôn của nhà vua triều Nguyễn

Cư nhân do nghĩaTrung hoà vị dục dựa theo sách Trung dung, Kinh dịch, Mạnh Tử… thuộc nội thánh, có quá trình phát triển của lịch sử tư tưởng Trung Quốc từ triết lý nhân của Khổng Tử đến triết lý nhân nghĩa của Mạnh Tử. Nhân là đức tính, là tố chất cần phải có để làm người. Thuyết giảng của Khổng Tử về Đạo Nhân tập trung vào vấn đề tu dưỡng nhân cách để làm người. Mạnh Tử thì ứng dụng Đạo Nhân của Khổng Tử để thực hành trong chính trị và quan hệ xã hội; phát triển tư tưởng nhân của Khổng Tử thành tư tưởng nhân nghĩa.

Di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế (kỳ 2)
Nghi môn thứ hai, ở hướng nam là bốn chữ “Chính đại Quang Minh”

Và chính Mạnh Tử đã nhấn mạnh: Quân nhân, mạc bất nhân; Quân nghĩa, mạc bất nghĩa - Nếu nhà vua ở theo nhân thì không ai không ở theo nhân; Nếu nhà vua đi theo nghĩa thì không ai không đi theo nghĩa. Nhân nghĩa là con đường thực hành nhân tính. Khẩu hiệu Cư nhân do nghĩa trên Nghi môn như là tấm gương soi hàng ngày của vua quan nhà Nguyễn. Trung hoà vị dục cũng dựa theo sách Trung dung. Hoà dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã trí; Trung hoà, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên - Thực hiện được đầy đủ lẽ trung hoà thì trời đất được an vị, vạn vật được sinh sôi nẩy nở.

Di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế (kỳ 2)
Nghi môn thứ nhất, ở hướng bắc đề bốn chữ “Cư nhân do nghĩa”

Theo TS.Phan Thanh Hải, PGĐ phụ trách Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, điểm độc đáo riêng biệt đối với thế giới là ít có nơi nào có thơ được khắc họa trên di tích như Huế. Toàn bộ các bài thơ được cha ông xưa tuyển chọn kỹ từ các áng văn thơ tiêu biểu nhất trong tinh hoa thi ca của văn sĩ Việt Nam. Điểm khác biệt nữa là ngay tại các nơi còn lại nhiều di tích như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc và các triều đại trước nhà Nguyễn cũng không có kiểu khắc thơ trên cung điện, lăng tẩm của vua như ở Huế.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị mỹ thuật, giá trị tư tưởng, giá trị văn học của bộ tuyển thơ đồ sộ - ước tính có khoảng 4.000 bài thơ lưu dấu trên các công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn - Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đang tiến hành định dạng các văn tự Hán Nôm trên các ô hộc trang trí. Công việc số hoá đã hoàn thành ở Ngọ Môn, điện Thái Hoà, lăng Đồng Khánh. Ở Điện Long An có khoảng 400 ô hộc trang trí, đã số hoá được khoảng 50%.

Di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế (kỳ 2)
Nghi môn thứ hai, ở hướng bắc đề bốn chữ “Trung hoà vị dục”

Công việc, ghi chép, số hoá những bài thơ và các hoạ tiết trang trí đòi hỏi khá nhiều thời gian do có nhiều chữ đã mờ theo thời gian, có bài thơ bị mất chữ, có chữ bị mất nét. Việc phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ, chú giải, sắp xếp các câu thơ được khắc riêng lẻ trên từng ô hộc để ghép lại thành những bài hoàn chỉnh cũng không hề đơn giản. Nếu suôn sẻ phải mất bốn năm công việc này mới có thể hoàn tất.

Việc làm này rất bổ ích và thiết thực đối với công cuộc trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc cung đình cũng như phát huy những giá trị văn hoá tinh thần của tiền nhân để lại. Sau khi dự án hoàn thành di sản thơ ca trong cung điện triều Nguyễn sẽ được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận “Di sản ký ức thế giới”.

Di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế (kỳ 2)

Các câu thơ viết trên pháp lam ở trên nghi môn chói sáng dưới ánh mặt trời
Di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế (kỳ 2)
Thơ trên các nghi môn tại các hướng chính dẫn vào trung tâm của Kinh thành Huế - Thái Hòa điện nhằm để cho các sứ thần ngoại bang nhìn thấy đầu tiên khi vào thăm vua Nguyễn.

Thanh Tùng - Đại Dương