Di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế (kỳ 1)

(Dân trí) - Tại quần thể di tích cố đô Huế hiện vẫn còn một bộ di sản khổng lồ được in trên nhiều các mái, trần, tường, bia, cổng... đó là những bài thơ mang ý nghĩa triết lý sâu sắc của các vị vua triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng tại Việt Nam.

Từ đầu thập niên 80, Giáo sư Huỳnh Minh Đức đã cùng các học trò của mình từ thành phố Hồ Chí Minh ra Huế ghi chép và dịch những bài thơ, câu thơ chữ Hán khắc trên nóc mái, trên các ô hộc trang trí của lầu Ngọ Môn, điện Thái Hòa, và các nghi môn. Sau 13 năm miệt mài với công việc này, năm 1994 Giáo sư Huỳnh Minh Đức đã cho ra mắt cuốn sách “Từ Ngọ Môn đến điện Thái Hoà (NXB Trẻ-1994)”. Đó là công trình đầu tiên dịch và chú giải khoảng 300 bài thơ, các bức đại tự, và các dòng chữ trên hai nghi môn nằm trên trục Bắc - Nam của Hoàng thành Huế, từ Ngọ Môn đến điện Thái Hoà; một việc làm rất có ý nghĩa trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế.

Di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế (kỳ 1)
Đại tự và thơ ở chính điện Thái Hoà

Xét về vị trí, ý nghĩa, chức năng sử dụng, điện Thái Hoà là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng thành Huế. Đây là nơi đặt ngai vua; nơi triều đình tổ chức đại triều và các đại lễ quan trọng như: lễ Vạn thọ, lễ Tứ tuần, Ngũ tuần đại khánh tiết, lễ Hưng quốc khánh niệm… Ngọ Môn là cửa chính giữa mặt trước Hoàng thành, tên cũ là Nam Khuyết Đài, dành cho vua, và đoàn Ngự đạo, khi ra – vào Hoàng thành. Ngọ Môn còn có một số chức năng khác. Bên trên là lầu Ngũ Phụng, được xem như một lễ đài tổ chức một số sự kiện quan trọng như: lễ duyệt binh, lễ Truyền lô (xướng danh Tiến sĩ tân khoa), lễ Ban sóc. v.v…

Giáo sư Huỳnh Minh Đức đánh giá thơ trên Ngọ Môn và trong điện Thái Hoà là tinh hoa văn hoá Việt Nam của thế kỷ 19 mà tác giả là các vị vua, và các Hoàng thân, Nho thần triều Nguyễn. Để dịch nghĩa, dịch thơ và chú giải nội dung tư tưởng ông đã huy động vốn kiến thức về văn hóa phương Đông nói chung, văn hoá Trung Hoa nói riêng, bao gồm kinh dịch, kinh thư, điển tích, học thuyết, triết lý của các Nho gia, và truyền thuyết về lịch sử, tư tưởng.

Di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế (kỳ 1)
Mô tip trang trí nhất thi nhất hoạ (một bài thơ thì đi kèm với 1 bức tranh) trong điện Thái Hoà

Từ kinh dịch, kinh điển, và truyền thuyết lịch sử, Giáo sư Huỳnh Minh Đức cho rằng tổng thể kiến trúc từ cửa Ngọ Môn đến Điện Thái Hòa thể hiện uy quyền của nhà vua; là một loạt công trình kiến trúc lộng lẫy như muốn vươn đến trời xanh, rồi lại xuống thấp để tìm lại sự hài hòa giữa đất, trời, và con người. Sự hài hòa đó được kinh dịch gọi là Thái Hòa. Đó là sự sáng tạo của các vị vua đầu triều Nguyễn trong quy hoạch và xây dựng quần thể kiến trúc Hoàng thành Huế.

Ở nội thất, ngoại thất tiền điện và hậu điện Thái Hoà, trên bờ nóc, cổ diêm, liên ba, đều được trang trí theo mô tip nhất thi nhất họa (một bài thơ, một họa tiết) với hai chất liệu chủ yếu là chữ viết trên nền Pháp lam (ở ngoại thất) và chạm khắc trên gỗ - sơn son thếp vàng (ở nội thất). Chữ Hán trên điện Thái Hoà được khắc ghi trên  297 ô hộc. Riêng thơ hiện còn khoảng 200 bài, nghiên cứu kỹ sẽ thấy đó là một chỉnh thể văn bản nhằm thể hiện nội dung tư tưởng và khát vọng của một triều đại.

Di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế (kỳ 1)
Thơ trên nóc mái điện Thái Hoà

Xin dẫn một bài nhằm làm sáng tỏ: Văn hiến thiên niên quốc/Xa thư vạn lý đồ/Hồng Bàng khai tịch hậu/Nam phục nhất Đường Ngu. Đây là bài Ngự chế của vua Minh Mạng với nghĩa: Đất nước đã hàng ngàn năm văn hiến. Xa thư (xe, sách) lấy từ “xa đồng quỹ” (xe cùng một cỗ bánh) và “thư đồng văn” (sách viết một thứ chữ) với hàm ý đã thống nhất được đất nước rộng lớn. Kể từ thuở Hồng Bàng dựng nước đến nay nước Đại Nam (ở triều ta) đã trở thành một cõi thanh bình, thịnh trị như thời Đường Nghiêu và Ngu Thuấn.

Thơ trên điện Thái Hoà điển tích Xa thư được sử dụng ở nhiều bài để nhấn mạnh niềm tự hào về công cuộc thống nhất đất nước, cũng như sự ưu việt của chế độ chính trị. Xin dẫn thêm một bài: Xa thư quy nhất thống/Thịnh trị quản Hồng Bàng/Việt tộ chính đương dương/Cư trung ngưỡng thánh hoàng (Giang sơn nay nhất thống/Thịnh trị sánh Hồng Bàng/Nước Việt dương toàn thịnh/Thần dân ngưỡng thánh hoàng).  

Điển tích Nghiêu Thuấn được sử dụng với tần suất nhiều hơn như các trường hợp: Hóa nhật quang Nghiêu điện/Huân phong độ Thuấn cầm (Mặt trời làm sáng ngôi điện của vua Nghiêu/Khúc Nam Phong đã đưa tiếng đàn cầm của vua Thuấn); Đại đạo đăng Nghiêu Thuấn/Tân phong quảng Lạc Hùng (Đạo lớn xin theo mô hình thời vua Nghiêu vua Thuấn/Chế độ mới mở rộng quy mô thời các vua Hùng); Cửu cù ca Thuấn đán/Tứ hải vọng Nghiêu vân (Chín nẻo ca ngợi ngày của vua Thuấn/Bốn biển ngắm cảnh mây của vua Nghiêu.v.v…

Khi phân tích ý nghĩa của công trình điện Thái Hoà, tác giả Phan Thuận An dẫn bài: Đại đức phù càn tạo/Thuần phong vãn thái hoà/Nghiêu cù thuận đế tắc/Xứ xứ dật âu ca (Đức lớn tày tạo hoá/Thuần phong giữ thái hoà/Thời Nghiêu theo phép nước/Khắp chốn dậy lời ca). Đây là điển tích dễ hiểu. Nghiêu - Thuấn là hai vị minh quân trong truyền thuyết lịch sử Trung Quốc. Vua Minh Mạng lấy điển tích này để tỏ rõ khát vọng đất nước có vua sáng tôi hiền, chính sự tốt đẹp. Thời huy hoàng của triều Lê, Nguyễn Trãi cũng đã từng bày tỏ khát vọng Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn/Tôi Đường Ngu ở đất Đường Ngu.    

Di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế (kỳ 1)
        Cận cảnh một ô hộc trang trí ở hậu điện Thái Hoà                
Di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế (kỳ 1)
      2 bài thơ và 1 bức tranh minh họa ở giữa              
Di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế (kỳ 1)

Các mái ngói được trang trí bởi điển tích thơ nhìn rất có hồn

Thanh Tùng - Đại Dương
(Còn nữa)