Đào Mộng Long: Lãng tử đã về nơi suối đào

Vậy là người được mệnh danh là "lãng tử đào hoa" của sân khấu miền Bắc - NSND Đào Mộng Long đã mãi mãi rời xa sân khấu cuộc đời vào 12g05 ngày 9/8/2006 tại nhà riêng ở tuổi 91. Đó là người nghệ sĩ mà tài năng và tính cách đã làm nên những giai thoại khó quên.

Ông tự nhận mình không được học hành gì nhiều để kiếm sống nhưng lại được học những thú chơi tài tử để sống phong lưu. Cho nên có làm nghề nào rồi cũng quay về với nghề hát. Ông đã rong ruổi tuổi trẻ của mình theo những gánh hát An Lạc, Quảng Lạc, Liên Việt đi khắp nước.

 

NSND Đào Mộng Long sinh ngày 7/1/1915 tại Nam Định. Lễ viếng tại nhà tang lễ Bệnh viện T.Ư quân đội 108 (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) ngày 12/8/2006. An táng tại nghĩa trang Thanh Tước, Hà Nội.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông bắt đầu sáng tác những vở kịch ủng hộ kháng chiến. Vở Ngọn lửa căm hờn, Tình và nghĩa do Đoàn kịch Liên khu 4 diễn tính đến nay đã đạt kỷ lục về các suất công diễn. Năm 1972, ông ngồi viết vở kịch thơ Trắng hoa mai trong tiếng kẻng báo động và tiếng pháo phòng không khi Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc ác liệt...

 

Nhắc đến Đào Mộng Long khán giả yêu kịch và cải lương liền nhớ ngay đến những vai phụ, những vai rất ngắn, thoại rất ít nhưng lại cực kỳ ấn tượng của ông trên sân khấu như: Phaunhin (vở Xâm lược), Gơ-ô-a-đi-linh (Khúc thứ ba bi tráng), cụ Ba Bơ (Bão biển), ông Thiện (Lửa hậu cung)...

 

NSND Phạm Thị Thành xúc động nhớ lại: "Ngay đến vai một ông già nhỏ bé xuất hiện chớp nhoáng trong vở Quê hương VN, ông ấy cũng khiến người xem phải nhớ đến cái cách ông đội mũ, cách ông nằm khểnh với những ngón chân ngọ nguậy. Không thể lẫn vào ai...".

 

NSND Phạm Thị Thành bảo gần nửa năm nay ông đã yếu lắm rồi, không nhìn rõ mặt, nghe rõ tiếng người đối diện, vậy mà miệng vẫn lẩm bẩm lời kịch, thần thái vẫn như đang diễn. Một vòng luân hồi đã khép, chỉ mong điều ông lo sợ khi còn sống là tình yêu sân khấu của mình bị người ta hắt hủi, lãng quên sẽ không thành sự thật.

 

Theo Hoàng Oanh

Tuổi Trẻ