“Cung đàn xưa” ru mùa thu Hà Nội

(Dân trí) - Trong sắc thu vàng, “Cung đàn xưa” với sự tham gia của Ánh Tuyết, Anh Thơ, Trọng Tấn sẽ ru khán giả bằng những nhạc phẩm của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phú Quang... Các ca sĩ sẽ cùng những người yêu nhạc đỏ đi tìm cuộc hạnh ngộ thăng hoa của hồn thu.

Buổi biểu diễn sẽ diễn ra vào hồi 20h ngày 29/9 tại Nhà hát Lớn.

Ánh Tuyết “chung tình” với nhạc tiền chiến

“Cung đàn xưa” ru mùa thu Hà Nội



Ánh Tuyết - “sứ giả của nhạc tiền chiến” là một trong những điểm nhấn chính của “Cung đàn xưa”. Với tiếng hát của cô, khán giả luôn thấy sự tươi mới đi ngược lại quy luật thời gian. Chị có khả năng thể hiện các ca khúc ở nhiều thể loại, nhưng như một định mệnh, khán giả yêu mến tiếng hát Ánh Tuyết chủ yếu qua những tác phẩm tiền chiến và những ca khúc trữ tình còn mãi với thời gian.

Khi tiếng hát của chị cất lên, khán giả như được đắm mình vào không gian và thời gian của nhạc phẩm, bởi lẽ giọng hát Ánh Tuyết luôn xuất phát từ những rung động của trái tim với khát khao giao cảm với cuộc đời, đồng điệu với cảm hứng của nhạc sĩ.

Khi Ánh Tuyết lần đầu hát nhạc Văn Cao, “ông già của làng nhạc” ngồi nghe gật gù không nói gì. Sau này khi Ánh Tuyết hát Trương Chi, Thiên thai, Cung đàn xưa, ông mới nói với chị rằng: "Đầu đời Văn Cao đã có một Kim Tiêu, không ngờ cuối đời lại gặp một Ánh Tuyết". Nghe vậy, Ánh Tuyết khóc: "Bác ơi, Tuyết rồi cũng sẽ tan thôi!". Kể từ đó tiếng hát Ánh Tuyết đã "tan" trong từng nốt nhạc, lời ca của Văn Cao. "Một cuộc hạnh ngộ mà có lẽ là đẹp nhất trong cuộc đời của tôi" - Ánh Tuyết tâm sự.

Theo người thân trong gia đình cố nhạc sĩ tài hoa Đoàn Chuẩn – chàng lãng tử của mùa thu đất Bắc, trong những giờ phút cuối đời, ông chỉ nghe những tác phẩm của mình do Ánh Tuyết hát bởi nó đẹp “cả thanh lẫn sắc”. Chính sự yêu mến ấy, đã khiến Ánh Tuyết “rất yêu dòng nhạc tiền chiến và chưa bao giờ có ý định bỏ dòng nhạc này”.

Nữ ca sĩ có cái tên ánh lên sắc trắng thuần khiết, thường xuất hiện nền nã trong tà áo dài trắng với giọng hát như suối reo gió vút đã làm đắm say bao thế hệ khán giả. Chị đẹp, kín đáo và duyên dáng với vẻ đẹp rất riêng. Người phụ nữ ấy, với nghị lực tuyệt vời đã vượt qua biết bao chông gai để trở thành một ca sĩ Ánh Tuyết của ngày hôm nay - ngọn đèn lồng cháy mãi ngọn lửa ấm giữa đời mưa gió.

Trọng Tấn - Anh Thơ “trở lại” với “Cung đàn xưa”

“Cung đàn xưa” ru mùa thu Hà Nội



Trong những ca sỹ trẻ hát nhạc tiền chiến, Trọng Tấn - Anh Thơ là cặp đôi sở hữu giọng hát truyền cảm và kỹ thuật điêu luyện. Sau sự cố ở Lào, hai giọng ca trẻ trưởng thành hơn và muốn trở lại cùng “Cung đàn xưa” để tìm lại niềm yêu của công chúng.

Gần đây, hai ca sĩ trẻ đã đi hát trở lại trong một chương trình nhân đạo mang tiếng hát đến bệnh viện để quyên góp giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Người nghệ sỹ đích thực nhận thức giá trị của nghệ thuật là phục vụ đất nước, nhân dân và công chúng yêu nhạc. Sau sự cố ấy, Trọng Tấn và Anh Thơ đã thấy được sự độ lượng và yêu mến của công chúng dành cho mình. Đáp lại tình cảm ấy, hai ca sĩ đã trở lại trong các chương trình gần đây và đều “cháy” hết mình.

Trong số không nhiều ca sĩ hát nhạc trữ tình cách mạng, Trọng Tấn, Anh Thơ là những cái tên yêu thích của nhiều khán giả kén nhạc và khó tính. Họ là những ca sĩ đang đi chung một con đường, cùng quê, cùng tuổi, cùng học, cùng công tác và biểu diễn, Trọng Tấn và Anh Thơ là những nghệ sĩ hiếm hoi có nhiều thứ gắn bó với nhau đến thế. Thậm chí, thành công của người này cũng có sự đóng góp của người kia. Người song ca thành công nhất với Anh Thơ chính là Trọng Tấn và ngược lại.

Với “Cung đàn xưa” cặp song ca vàng sẽ đến với khán giả Thủ đô cùng âm hưởng dân ca sâu lắng như Người đi xây hồ kẻ gỗ (Nguyễn Văn Tý), Rặng trâm bầu (Thái Cơ). Với nhiều ca sỹ trẻ, Trọng Tấn và Anh Thơ là những cái bóng khó vượt bởi họ đã tìm ra một con đường riêng cho mình mà sau này nhiều ca sĩ trẻ dù muốn theo đuổi nhưng ít người tìm ra lối đi riêng.

Hiện tại, ca sỹ Ánh Tuyết - “sứ giả của nhạc tiền chiến” đang có dự án hát nhạc Bolero, Trọng Tấn tìm cho mình “khoảnh khắc riêng” khi hát nhạc Ngô Thuỵ Miên, còn Anh Thơ có sự mới mẻ với tình khúc Ngậm ngùi (Phạm Duy) và Giếng quê (Thuận Yến).

Trong “Cung đàn xưa”, ca sỹ Trọng Tấn sẽ khoe giọng hát ngọt ngào, trữ tình với Chiếc lá cuối cùng (Tuấn Khanh), Nỗi nhớ mùa đông (Phú Quang) và Em đã thấy mùa thu chưa (Quang Dũng).

Với giọng hát tinh tế, ngọt ngào, giàu cảm xúc cùng khát khao làm mới chính mình, các ca sỹ Ánh Tuyết, Trọng Tấn, Anh Thơ, Quang Dũng sẽ đưa khán giả đến một đêm nhạc trữ tình đầy ắp kỷ niệm của một thời yêu xưa.

Hồ Bích Ngọc