Cửa Lũy - ngôi đền thiêng giữa đại ngàn

(Dân trí) - Tựa lưng vào dãy núi Kim Nhan, ngoảnh mặt ra thác khe Sừng thuộc xã Hoa Sơn, Anh Sơn (Nghệ An). Đền Cửa Lũy được xây dựng cách đây hơn 600 để thờ phụng những người có công với dân với nước trong sự nghiệp Bình Ngô dưới ngọn cờ đại nghĩa của Lê Lợi.

Cửa Lũy - ngôi đền thiêng giữa đại ngàn
Tượng thờ Lê Lợi trong đền Cửa Lũy.
 
Khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra ngày mồng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (7/2/1418) đến năm 1424 vẫn không phát triển được, chủ tướng Lê Lợi đặt ra câu hỏi lớn: “Phải đi về đâu để lo việc nước?”.

Tướng Nguyễn Chích hiến kế: “Nghệ An nơi đất hiểm yếu, đất rộng, người đông ... nay ta hãy đánh lấy thành Trà Lân chiếm giữ cho được Nghệ An để làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực, tài lực của đất ấy, thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ”.

Thực hiện kế sách ấy, tháng 10 năm 1424, sau khi san phẳng đồn Đa Căng (Thanh Hóa), thắng lớn ở Bồ Đằng (Quỳ Châu), nghĩa quân Lam Sơn tiến hành bao vây thành Trà Lân.

Để bảo vệ an toàn cho nghĩa quân, không cho giặc Minh từ đồng bằng tấn công lên giải vây cho thành Trà Lân, tại Cửa Gió - nơi gặp nhau giữa dãy núi đá hiểm trở Trốc Đồng và Thung Rất, chỉ có một con đường độc đạo đi qua, nghĩa quân đã đắp đất lũy, lập đồn chốt lũy rất kiên cố. Cửa Gió bây giờ được nhân dân gọi là Cửa Lũy.

Theo truyền thuyết, lúc bấy giờ do không hợp với thủy thổ, đường hành quân gian nan, cuộc sống rừng núi hết sức khó khăn, gian khổ, ... nên nghĩa quân thường xuyên bị ốm đau, dịch bệnh.
 
Cửa Lũy - ngôi đền thiêng giữa đại ngàn
Một góc thờ tự trong đền.

Trước tình cảnh đó, dưới trướng của tướng quân, một nữ y tình nguyện đi chăm lo sức khỏe cho nghĩa quân. Cô là một nữ y có đức tính cần cù, đầy lòng nhân hậu, luôn tận tâm, tận lực chăm lo, cứu chữa sức khỏe cho binh sỹ.

Nhờ sự tận tụy đó, sức khỏe của nghĩa quân được bảo đảm, góp phần vào chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn tại miền tây Nghệ An, được mọi người tin yêu, quý trọng, tôn vinh như một ân nhân.

Một hôm, doanh trại bị dịch sốt rét hoành hành, thuốc thang thiếu thốn nghiêm trọng. Để có đủ thuốc cứu chữa cho mọi người, cô không quản ngại khó khăn, gian khổ, một mình vượt núi băng rừng đi tìm các phương thuốc quý.

Trên đường đi, do đã kiệt sức, cô dựa vào một gốc cây cổ thụ ven đường ngồi nghỉ và rồi không gượng dậy được. Không thấy cô về, quân sỹ tản đi các hướng để tìm kiếm và đưa cô về doanh trại trong trạng thái mê man, bất tỉnh, nhưng tay vẫn nắm chặt bó lá thuốc vừa hái được.

Ngày hôm sau, cô qua đời. Vô cùng thương tiếc người nữ y tận tụy đã quên mình vì sự nghiệp chăm lo sức khỏe cho binh sỹ với mong muốn góp sức cùng non sông xã tắc, chống giặc ngoại xâm (giặc Minh), giành độc lập chủ quyền cho đất nước, vị tướng quân đã cho binh sỹ an táng cô tại trên một vùng đất gần vọng gác Cửa Lũy.

Một lần, tướng quân cùng binh sỹ ra viếng mộ cô. Sau khi viếng xong, trên đường tuần hành trận tuyến, bỗng thấy một con thỏ trắng từ gốc cây cổ thụ (nơi cô ngồi nghỉ lần cuối) chạy ra giữa đường ngăn bước tiến của tướng quân, lượn ba vòng quanh đoàn tướng quân rồi biến mất. Thấy đây có thể là điềm lạ, tướng quân quay trở về doanh trại. Sau đó nghĩa quân bắt được mấy tên thám báo của giặc Minh xâm phạm vùng Cửa Lũy với mục đích giết chết tướng quân.
 
Cửa Lũy - ngôi đền thiêng giữa đại ngàn
Cổng Tam Quan đền Cửa Lũy.

Tướng quân cho rằng con Thỏ trắng đó chính là Nữ y hiện hình cứu mạng. Ông cho lập đền thờ ngay dưới gốc cây cổ thụ mà thỏ trắng xuất hiện, lấy tên là đền Cửa Lũy và tôn mỹ hiệu của nữ y là Bạch y thánh mẫu Lũy Sơn. Đền nổi tiếng linh nghiệm, nhân dân nơi đây sùng kính Bạch y, các triều đại phong kiến lần lượt phong sắc tôn thần.

Trải qua bao biến cố của lịch sử, đền đã bị chiến tranh, thiên tai tàn phá. Trong những năm gần đây, xu thế trở về cội nguồn văn hóa dân tộc, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân được tôn trọng, đền Cửa Lũy đã được trùng tu, tôn tạo và cũng chính lần tu bổ, phục hồi này, từ tín ngưỡng thờ Nữ y (Thánh Mẫu Lũy Sơn) nhân dân nơi đây đã tôn vinh và phát triển thành tín ngưỡng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, tứ phủ công đồng; Lê Lợi và các tướng sĩ của ông, Hưng Đạo đại vương, phật ...

Đền đã trở thành nơi cầu phúc cầu lộc, một địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh không chỉ của nhân dân huyện Anh Sơn, mà còn là của nhân dân miền núi phía Tây xứ Nghệ. Với những giá trị trên, đền được được Nhà nước xếp hạng là di tích Lịch sử - văn hóa theo quyết định số 3968 QĐ/UBND.VX ngày 6/9/2011.

Thanh Thư - Mạnh Hà