Chút kịch tính trong đêm nhạc nhẹ

(Dân trí) - “Sao mai” Phạm Hà Linh vẫn giữ vững ngôi vị số 1 của mình từ vòng chung kết Sao Mai khu vực miền Bắc. Riêng Thùy Dung “tụt hạng” đột ngột và bước nhảy vọt của thí sinh Trần Hoàng Nghiệp làm khán giả… choáng.

“Ẩn số” bất ngờ nhất đêm qua lại chính là Trần Hoàng Nghiệp (Cần Thơ). Ở các vòng ngoài, anh chưa được dư luận chú ý đến như Hoàng Thị Thùy Dung (TPHCM), Nguyễn Thị Xuân Hương (Hà Nội), Nguyễn Ngọc Thuỷ Tiên (TPHCM).. Tại đêm chung kết Sao Mai khu vực miền Nam, anh thể hiện ca khúc Người đàn bà hoá đá (Trần Lập) cũng chỉ nhận được lời khen rất “kiệm” như: “Nghiệp hát ra chất bài hát”.

 

Đến với đêm chung kết dòng nhạc nhẹ, Trần Hoàng Nghiệp đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục với Bức thư tình đầu tiên của nhạc sĩ Đỗ Bảo. Giọng hát của anh được đánh giá là sạch sẽ, tố chất âm nhạc tốt, nếu biết khai thác sẽ còn tiến xa vượt trội. Ca sĩ Ngọc Anh không tiếc lời khi nói “Nghiệp có chất giọng trời cho”. Tuy nhiên, anh hát đôi chỗ bị phô. Câu đầu tiên của ca khúc, theo nhạc sĩ Giáng Son là anh “vào” hơi vội. Đoạn giữa ca khúc, hát bị…trôi, không được nồng nàn như chất vốn có của Bức thư tình. Những khiếm khuyết là điều khó tránh khỏi tại cuộc thi, điều quan trọng BGK phát hiện phần trình bày của anh như một “món lạ”.

 

Với số điểm bình quân 9,38, đưa anh vào vị trí thứ 2 là sự đánh giá ghi nhận của Ban giám khảo (BGK) về sự cố gắng rất lớn của Nghiệp.

 

Phạm Hà Linh (Hà Nội) đã giữ vững được vị trí số 1 với số điểm 9,48. Dù gặp phải trục trặc và có chút lo lắng trước đêm chung kết nhạc nhẹ khi phải đổi ca khúc Tiếc nuối (Ngọc Đại) sang ca khúc Cỏ và mưa (Giáng Son) nhưng cô vẫn giữ được phong độ. Là thí sinh hát cuối cùng, với bông hoa đồng tiền đỏ được MC Mỹ Lan tặng, Hà Linh coi như một sự may mắn. Hà Linh “nhập” vào ca khúc  rất nhanh, hát có lửa.

 

Ngoài ra, cách xử lý  ca khúc của cô tinh tế và rất sáng tạo. Còn đôi nốt Hà Linh hát  bị phô, đoạn trầm thể hiện chưa đẹp lắm như lời nhận xét của tác giả ca khúc. Nhưng với lối hát lơi lả, phong cách trình diễn cuốn hút, một lần nữa cô lại chinh phục BGK. BTV Anh Tuấn cũng  “chêm” vào: “Với một sinh viên Học viện Quan Hệ Quốc Tế, tôi cho hát như thế là tốt”. Lặp lại đêm chung kết khu vực miền Bắc, đêm qua vẫn là… đêm của Linh!

 

Chút kịch tính trong đêm nhạc nhẹ - 1
Phạm Hà Linh với phần thể hiện ca khúc Cỏ và mưa

 

Vị trí số 3 của Nguyễn Thị Thu Phượng (Hà Nội) với số điểm 9,36 còn nhiều bàn cãi. Có ý kiến cho rằng cô hát ca khúc Dù anh không đến (Nguyễn Mạnh Cường) quá tỉnh táo, mất hoàn toàn tính ngẫu hứng của jazz. Phượng không có những đoạn nhả chữ cần có và quá đều đều trong cách thể hiện. Nhưng có ý kiến lại cho rằng, Phượng hát có kỹ thuật, thể hiện bài jazz có tiết tấu. Đây là một ca khúc khó, cách thể hiện khó và nếu như cô đầu tư thời gian vào phân đoạn ca khúc, lơi lả, nhấn nhá hơn nữa thì sẽ tốt lên rất nhiều.

 

Với một gương mặt đẹp, dáng vẻ yêu kiều, thí sinh mang SBD 20 khá sáng sân khấu và ăn hình. Lợi thế này cũng góp phần đem về cho cô tấm vé cuối cùng để bước vào vòng thi chung kết xếp hạng. Cũng có người xếp vị trí thứ 3 cho Y Garia. Y Garia Enuol (Dak lak) hát Trên đỉnh Chư Lây (An Thuyên) có vẻ tốt hơn Khói thuốc (Hồ Trọng Tuấn). Anh được các vị khách mời đánh giá cao về nội lực, giọng hát khoẻ, vững chắc nhưng đôi chỗ Y Garia hát không rõ lời. Muốn bật lên hẳn, anh cần phải bản lĩnh hơn nữa.

 

Tiếc cho Phạm Thị Ngọc Quyên (Đà Nẵng) và buồn cho Hoàng Thị Thuỳ Dung (TPHCM). Có thể nói, đêm qua Ngọc Quyên đã “cháy” hết mình. Cô là gương mặt ấn tượng, được các vị khách mời khen ngợi hết lời dù không được vào vòng chung kết xếp hạng. Ca khúc Niềm hi vọng của nhạc sĩ Hà Dũng được Quyên thể hiện rất chuyên nghiệp, xử lý khá tốt những đoạn cao trào và thoái trào. Thậm chí, có người nói cô xử lý tách biệt hai đoạn của ca khúc này hơn cả ca sĩ Hồ Quỳnh Hương.

 

Chút kịch tính trong đêm nhạc nhẹ - 2
 Thu Phượng với ca khúc của Nguyễn Mạnh Cường - Dù anh không đến

 

Buồn cho Hoàng Thị Thuỳ Dung - thí sinh trẻ tuổi nhất Sao Mai 2007 và cũng là một trong những gương mặt được chú ý nhiều nhất từ các vòng ngoài lại “tụt hạng” xuống thấp nhất với số điểm 8,96. Kết quả này, không chỉ Thuỳ Dung shock mà khán giả cũng… choáng. Từ trường hợp của Thuỳ Dung để thấy rằng, muốn “lên ngôi” không chỉ cần có chất giọng, biểu diễn tốt, có hồn vía mà còn phải thật sự đầu tư về kỹ thuật thanh nhạc, phải biết tiết chế cảm xúc.

 

Có thể thấy rằng, đêm chung kết dòng nhạc nhẹ khá  ấn tượng và nóng bỏng dù điểm bình quân của các thí sinh không cao, kém cả dòng nhạc thính phòng và dân gian. Mặt bằng thí sinh dòng nhạc nhẹ khá đồng đều, không có sự chênh lệch lớn. Đa số các thí sinh biểu diễn và hoàn thiện phần biểu diễn đúng với khả năng của mình.

 

Sự hoán đổi vị trí giữa Thuỳ Dung và Thu Phượng, cú lội ngược dòng ngoạn mục của Trần Hoàng Nghiệp khiến đêm chung kết dòng nhạc nhẹ thêm kịch tính. Phần lớn khán giả truyền hình phải… “nín thở” chờ điểm số “một ăn cả, ngã về không” của thí sinh cuối cùng Phạm Hà Linh. Một kết quả bất ngờ, nằm ngoài dự đoán cũng rất cuốn hút người xem.

 

Nhìn vào danh mục 3 ca khúc tình cảm, sâu lắng đưa thí sinh lọt vào top 3 đêm qua, các thí sinh có thể rút ra “bài học xương máu” về sự sáng tạo hay còn gọi là sự phá cách trong các ca khúc và cách thể hiện các ca khúc không phải lúc nào cũng “đắc địa”. Sự phá cách như một “món lạ”, nhưng nếu các thí sinh thi nhau bày biện, cho khán giả thưởng thức “món lạ” thì không còn là… “món lạ” nữa. Khi đó lợi thế của thí sinh sẽ trở thành… hạn chế!

 

Một điều cần nói thêm, đó là khác với một vài ý kiến chưa thật sự hài lòng với phần nhạc đệm trong đêm nhạc dân gian thì đêm qua, ban nhạc Lá Đỏ đã nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả cũng như khách mời, họ đã chơi rất tốt, góp phần không nhỏ vào phần diễn thành công của các thí sinh. 

 

Chút kịch tính trong đêm nhạc nhẹ - 3
 Ba gương mặt nhạc nhẹ lọt vào đêm chung kết xếp hạng, diễn ra vào tối 15/7 tới. (Từ trái qua phải: Phạm Hà Linh, Trần Hoàng Nghiệp và Nguyễn Thị Thu Phượng).

 

Danh sách thí sinh vào chung kết toàn quốc dòng nhạc nhẹ ngày 15/7/2007:

 

- Phạm Hà Linh (SBD 26, Hà Nội)

 

- Trần Hoàng Nghiệp (SBD 24, Cần Thơ)

 

- Nguyễn Thị Thu Phượng (SBD 20, Hà Nội)

 

 

                                                                                                  Bài: Hàn Nguyệt

Ảnh: Việt Tùng