Chung kết Sao Mai 2007: “Phút giao thừa lặng lẽ”?

(Dân trí) - Pháo, hoa ngợp sân khấu, giải thưởng vẫn xướng lên dài trang giấy nhưng tâm trạng của một số khán giả vẫn chưa thật sự hải lòng bởi đêm chung kết “phô diễn” còn thiếu lửa...

Không có những cuộc hoán đổi ngoạn mục như chung kết Sao Mai 2005 khi Tân Nhàn - thí sinh xếp hạng ba đêm chung kết phong cách dân gian bất ngờ vượt qua đối thủ nặng ký Trần Quang Hào vươn lên ngôi vị số 1 trong đêm xếp hạng, khi Vương Dung - thí sinh cả hai vòng loại đều nhận tấm vé cuối cùng để lọt vào vòng chung kết đã “lật đổ” Phương Linh, Ngọc Anh để giành giải nhất dòng nhạc nhẹ; đêm chung kết xếp hạng năm nay, 3 ngôi vị số một đã được “dọn sẵn” cho Lê Anh Dũng (Thanh Hoá), Đinh Thị Thành Lê (Hà Tĩnh) và Phạm Hà Linh (Hà Nội). 

Đêm qua là đêm đáng nhớ nhất của thí sinh Lê Anh Dũng với giải nhất dòng nhạc thính phòng và “kiêm” luôn giải “thí sinh được khán giả yêu thích nhất” qua hệ thống bình chọn 998. Với chất giọng mượt mà, tràn đầy xúc cảm, anh đã “ru” khán giả vào ca khúc Dương cầm thu không em (An Thuyên, lời thơ Thi Ngần). Như câu “châm ngôn” của bản thân, “luôn luôn làm mới mình để theo kịp ước mơ”, Lê Anh Dũng không đi tiếp lối mòn quen thuộc của thế hệ đàn anh như ca sĩ Trọng Tấn, anh sáng tạo và truyền tải ca khúc qua tâm hồn, tình cảm thật của mình. 

Chung kết Sao Mai 2007: “Phút giao thừa lặng lẽ”? - 1

Lê Anh Dũng - Thí sinh được khán giả yêu thích nhất

 
Dù cho Nguyễn Hiền Anh - thí sinh từng ghi điểm với BGK về lòng dũng cảm khi chọn ca khúc mang hơi hướng nhạc nhẹ “vận” vào dòng nhạc thính phòng, đêm qua cô đã xử lý khá tinh tế Miền xa thẳm của nhạc sĩ Đức Trịnh; dù cho Nguyễn Phúc Tiệp thể hiện khá thành công ca khúc Người là niềm tin tất thắng của Chu Minh thì người được chọn vẫn là Lê Anh Dũng. Ở anh, hội tụ đủ các yếu tố không phải ca sĩ nào cũng may mắn có được là: thanh - sắc - tình. Đứng đầu bảng cả 3 đêm: chung kết khu vực, chung kết dòng nhạc và chung kết xếp hạng, chiến thắng của anh thuyết phục BGK và khán giả tuyệt đối.

Ở phong cách dân gian, Đinh Thị Thành Lê vẫn “cố thủ” vị trí số 1. Sau đêm chung kết dòng nhạc, “cặp chị em” Bùi Thu Huyền (Hà Nội) và Trần Thị Thu Hà (Hà Nội) giữ nguyên phong độ với Trăng vàng (Đức Trịnh), Trăng xuân (Vũ Duy Cương) và không tạo ra cuộc “lột xác” ngoạn mục nào.

Với lợi thế của người con vùng dân ca, ví dặm Hà Tĩnh, thấm đẫm chất giọng miền Trung da diết, sâu lắng - Thành Lê chọn ca khúc Hà Tĩnh mình thương (An Thuyên) ra ứng thí. Có người cho rằng Thành Lê thể hiện ca khúc Vỗ bến lam chiều (Trần Hoàn - Thuý Bắc)  trong đêm chung kết dòng nhạc dân gian đắm đuối hơn, mãnh liệt hơn. Nhưng so với “mặt bằng” của ba thí sinh cùng dòng nhạc đêm qua thì Thành Lê vẫn hơn bởi cô đã “làm mới” ca khúc Hà Tĩnh mình thương theo sức trẻ của mình.

Chung kết Sao Mai 2007: “Phút giao thừa lặng lẽ”? - 2

Thành Lê không có "đối thủ" trong dòng nhạc dân gian

Gây cho khán giả sự háo hức chờ đợi nhất nhưng lại…tẻ nhạt nhất là dòng nhạc nhẹ. Phạm Hà Linh vẫn dẫn đầu từ các vòng ngoài và dẫn đầu đêm chung kết nhưng, đêm qua cô hát hơi thiếu lửa. Ca khúc Phật bà nghìn mắt nghìn tay của nhạc sĩ An Thuyên cô hát còn đuối hơn vòng loại chung kết khu vực phía Bắc. Nhưng nói gì thì nói, với một kẻ ngoại đạo như Linh thì kết quả nổi bật cô đạt được đã là kỳ tích rồi. Thiện cảm của khán giả và số điểm BGK dành cho cô không suy giảm!

Phạm Hà Linh, Nguyễn Thu Phượng (Hà Nội) cũng giống như các thí sinh khác có chung tâm lý lọt vào vòng trong cùng rồi nên không vắt sức mình, tạo bước đột phá. Thu  Phượng vẫn chọn ca khúc mang hơi hướng của Jazz , Trăng khát của Lê Minh Sơn với lối thể hiện kỹ thuật tỉ mỉ song cô không “bật” lên được. Nghe Phượng hát, khán giả cảm thấy thiếu thiếu một chút… tình. Cô cần thể hiện ca khúc cảm xúc hơn nữa, tình cảm hơn nữa. 

Chung kết Sao Mai 2007: “Phút giao thừa lặng lẽ”? - 3

Hà Linh thiếu lửa trong đêm chung kết

 
Trần Hoàng Nghiệp (Cần Thơ) lại chọn một ca khúc khá…nhạt để “phô diễn” tài năng trong đêm xếp hạng. Ca khúc Nếu phải xa nhau của Xuân Phương có lẽ hợp một cuộc thi khác dành cho giới trẻ với qui mô nhỏ hơn là Sao Mai. Anh đã tạo được “chút kịch tính” trong đêm nhạc nhẹ khi để lại dấu ấn với BGK bằng Bức thư tình đầu tiên của nhạc sĩ Đỗ Bảo nhưng với Nếu phải xa nhau thì anh không thành công. Anh thể hiện ca khúc này mờ nhạt, không có điểm nhấn, không đọng lại chút gì trong lòng khán giả.

“Các thí sinh tham gia đêm xếp hạng có tâm lý đằng nào cũng có giải rồi không cần lao tâm nữa thì phải?”, có khán giả chán nản kêu lên.  Thực ra tâm lý này của các thí sinh đã được dự đoán từ trước nhưng không ai ngờ đêm qua lại… chẳng có gì để nói đến thế. Giải nhất, giải nhì, giải bình chọn v.v… đều đủ cả. Nhưng đã là cuộc thi, khán giả trông chờ hơn ở đêm chung kết toàn quốc sự hết mình, bất ngờ và hát phải…lửa chứ không phải như “phút giao thừa lặng lẽ” thế này.   

Khi ngôi thứ và phần phô diễn tài năng của các thí sinh không có nhiều đặc biệt thì lại “ló” ra một điều thú vị khác đến từ 3 ca khúc giúp 3 thí sinh đoạt giải nhất. Dương cầm mùa thu không em dưới sự thể hiện của Lê Anh Dũng, Hà Tĩnh mình thương dưới sự thể hiện của Đinh Thị Thành Lê, Phật bà nghìn mắt nghìn tay dưới sự thể hiện của Phạm Hà Linh không biết vô tình hay may mắn đều là những tác phẩm đẹp của tác giả - nhạc sĩ An Thuyên. Đúng là một sự ngẫu nhiên rất thú vị!

Các giải thưởng Sao Mai 2007

1. Phong cách âm nhạc thính phòng: 

Giải nhất: Lê Anh Dũng  (SBD 08;Thanh Hoá) 

Đồng giải nhì: Nguyễn Phúc Tiệp (SBD 06; Hà Nội), Nguyễn Hiền Anh (SBD 09; Hà Nội) 

2. Phong cách dân gian: 

Giải nhất: Đinh Thị Thành Lê (SBD 15; Hà Tĩnh) 

Đồng giải nhì: Trần Thị Thu Hà (SBD 16, Hà Nội), Bùi Thu Huyền (SBD 12, Hà Nội) 

3. Phong cách nhạc nhẹ: 

Giải nhất: Phạm Hà Linh (SBD 26; Hà Nội) 

Đồng giải nhì: Trần Hoàng Nghiệp (SBD 24; Cần Thơ), Nguyễn Thị Thu Phượng (SBD 20; Hà Nội) 

4. Giải dành cho thí sinh được khán giả yêu thích nhất bình chọn qua hệ thống 998: 

Lê Anh Dũng (SBD 08; Thanh Hoá) 

5. Giải của nhà tại trợ My Vita dành cho thí sinh triển vọng nhất: 

Lê Xuân Hảo (Quảng Trị) 

6. Giải đặc cách nhận vào trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội: 

Nguyễn Thị Xuân Hương (Quảng Ninh), Trần Hoàng Nghiệp (Cần Thơ), Nguyễn Đức Quang (Bình Phước), Lương Viết Quang (TP. Hồ Chí Minh)

Bài: Hàn Nguyệt
Ảnh: Việt Tùng