Châu Anh trải lòng về Đồ Rê Mí

(Dân trí) - “BGK luôn đối xử công bằng với tất cả các bé, tiêu chí này đặt lên hàng đầu. Trẻ em rất ngây thơ nên bản thân những người làm chương trình cũng phải trong sáng thì mới có thể bắt nhịp được với các bé,” giám khảo ĐRM chia sẻ.

Trong 12 thí sinh của Đồ Rê Mí năm nay có bé Bảo Trâm là học trò của Sol Art, vậy cô Châu Anh có cảm thấy khó xử khi phải chấm điểm chính học trò của mình không?

 

Ban đầu mình cũng không biết biết Bảo Trâm là học sinh của Sol Art. Sau này, mẹ Bảo Trâm giới thiệu thì cô Châu Anh mới biết Bảo Trâm học đơn ca ở lớp của cô Thùy Chi. Việc Bảo Trâm đi thi là quyết định của gia đình, cô Châu Anh không phải người phát hiện hay động viên bé đi thi, cũng không phải người trực tiếp dạy Bảo Trâm nên mình cũng chỉ khuyên gia đình không nên tạo sức ép cho con, chỉ cần động viên bé thể hiện hết khả năng của mình. Hãy coi Đồ Rê Mí chỉ đơn giản là một cuộc chơi, để cho anh chị, ông bà, bố mẹ được nhìn thấy con mình trên Ti vi mà thôi

 

Chính vì những điều đó, mình không bị khó xử điều gì cả, hơn nữa Ban giám khảo cũng luôn đối xử công bằng với tất cả các bé, tiêu chí công bằng này luôn được đặt lên hàng đầu. Trẻ em rất ngây thơ, trong sáng, bản thân những người làm chương trình cũng phải trong sáng thì mới có thể bắt nhịp được với các bé. Lúc chấm điểm, Châu Anh cũng quên luôn bé là một học sinh của Sol Art mà chỉ chú ý đến sự đáng yêu tự thân của bé mà thôi. Đối với Bảo Trâm, cô Châu Anh rất thích thú màn tặng cà rốt “nịnh” ban giám khảo của bé.
 
Châu Anh trải lòng về Đồ Rê Mí - 1


 

6 gương mặt lọt vào vòng trong của Đồ Rê Mí đã được xác định, bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến tiếc cho 6 bé còn lại, đặc biệt trường hợp của bé Đặng Hồng Ngọc 9 tuổi, nhiều khán giả cho rằng cô Châu Anh và Thái Thùy Linh đã hơi khắt khe với bé, ảnh hưởng tới kết quả?

 

Hồng Ngọc là một em bé 9 tuổi rất đáng yêu, ngoan ngoãn lại có chất giọng tốt, bé cũng đã rất cố gắng trong mỗi phần thi của mình, vì vậy, Châu Anh và ban giám khảo cũng rất tiếc cho Ngọc.

Trong ca khúc Tiễn thầy đi bộ đội mà bé trình diễn, Cô Châu Anh và  cô Thái Thùy Linh đều thấy chuyển động sân khấu của Hồng Ngọc chưa tốt nên đã thử lại nhịp phách của bé. Phần thử này không hề khó bởi lẽ, đây chỉ đơn giản là thử nhịp đơn, cách chuyển nhịp để xem phản xạ của bé như thế nào. Phần đập phách này cũng hoàn toàn chưa có tiết tấu mà chỉ để kiểm tra sự cảm nhận giai điệu của bé thế nào thôi. Có lẽ do đã 9 tuổi, lại là chị cả của Đồ Rê Mí năm nay nên bé đã tự tạo sức ép cho mình hoặc giả, do bé được gia đình, bố mẹ, bạn bè, trường lớp đặt nhiều kì vọng thành ra đã quá lo lắng.

 

Đối với tất cả các thí sinh, bạn nào có chỗ nào chưa tốt, giám khảo sẽ phải thử lại chỗ đó, nếu là nhịp thì thử nhịp, là phản xạ sân khấu thì chú Xuân Bắc sẽ thử lại khả năng của bạn đó. Vì vậy, không có chuyện ban giám khảo đã khắt khe hay làm khó, Hồng Ngọc hoặc một thí sinh nào của Đồ Rê Mí cả. Tuy nhiên, với tỉ lệ “2 chọi 1”, 2 bé chọn một bé của Đồ Rê Mí năm nay thì việc chọn lựa cũng khó khăn hơn những năm trước nhiều mặc dù cả 12 bé, bé nào cũng có những ưu điểm riêng, bé chưa tốt về nhịp thì lại khá ở độ cao hay đáng yêu trong diễn xuất. Nếu là những những năm trước thì rất có thể, Hồng Ngọc đã là một thí sinh được lựa chọn vào vòng trong rồi.
 
Châu Anh trải lòng về Đồ Rê Mí - 2

 

Chị Châu Anh nhận xét thế nào về 6 thí sinh lọt vào vòng 3 của Đồ Rê Mí năm nay?

 

Cả 6 bé đều là những gương mặt xuất sắc của Đồ Rê Mí 2011, có những bé có chất giọng trời phú như Trí Dũng, Hà Linh, Tuyết Nhi. Bé Bảo An, tuy có lúc hát còn hơi chênh nhịp, nhưng lại đang ở lứa tuổi lên 5 đáng yêu, lại có chất giọng kim rất lạ, rất tuyệt vời, cộng thêm khuôn mặt, cách xử lý trên sân khấu cũng rất ổn. Tuyết Nhi thì là một giọng ca cá tính và rất đa màu rồi. Hà Linh ngoài giọng hát hay có vũ đạo đẹp, gương mặt sáng sân khấu. Minh Hạnh thì hát rõ lời, nhả chữ rất trau chuốt, tuy gương mặt còn chưa sinh động lắm nhưng giọng hát thì lại rất đẹp. Phi Hùng có thể chưa gây ấn tượng đặc biệt nhưng điển trai, cao độ giọng hát và tiết tấu cũng tốt nữa, còn Trí Dũng thì rất tuyệt rồi, giọng hát cao vút và còn thông minh nữa.

 

Được biết, chị Châu Anh là người viết lời Việt cho tất cả những ca khúc nhạc nước ngoài của Đồ Rê Mí, chị có gặp nhiều khó khăn với công việc này không?

 

Đây là một công việc yêu thích của Châu Anh, dù nó không hề đơn giản. Dấu giọng trong tiếng Việt khó và đa dạng vô cùng, người viết phải dựa vào giai điệu bài hát để có thể khớp những thành bằng thanh sắc vào bài, sau đó quay lại ý tưởng ca khúc để ghép lời cho đúng. Có những giai điệu mình định viết thành 6 từ mới đủ nghĩa nhưng lại dài quá, không khớp với nhạc, vì vậy, phải cắt xén và cô đọng lại để có thể ngắt mạch vào đúng câu.

 

Tuy nhiên, trong công việc này Châu Anh cũng có nhiều thuận lợi, như đã có kinh nghiệm giảng dạy âm nhạc trong nhiều năm, lại rất thích làm việc với trẻ em và hứng thú với việc viết lời Việt cho bài hát, chính vì vậy, những khó khăn nhỏ mình đều có thể khắc phục được.

 

Với chương trình Đồ Rê Mí năm nay, Châu Anh viết lời Việt cho hầu hết các ca khúc nước ngoài trong một thời gian khá gấp, chưa đầy 1 tuần, lại đúng thời gian đoàn hợp xướng Sol Art đang chuẩn bị dự thi Festival thế giới nên cũng một giai đoạn bận vô cùng, thậm chí còn vừa ăn bánh, vừa ngồi viết lời (cười).
 
Châu Anh trải lòng về Đồ Rê Mí - 3

 

Thường rất nhí nhảnh, thậm chí “xì tin” trên sân khấu Đồ Rê Mí, hình ảnh đó của chị Châu Anh có được gia đinh, bạn bè ủng hộ không?

 

Có một phản xạ tự nhiên của mình trước trẻ em là tự biến mình thành trẻ em, có lẽ vì vậy, đối với các bé, cô Châu Anh lúc nào cũng nhí nhảnh, hồn nhiên. Bên cạnh đó, cuộc sống và công việc hàng ngày của Châu Anh đều gắn bó với trẻ em nên mọi người cũng đã quen với hình ảnh nhí nhảnh, thậm chí nhiều lúc có hơi “cưa sừng làm nghé” của mình nữa(cười) .

 

Bí quyết để chơi và dỗ các bé của chị là gì mà cô Châu Anh luôn được các bạn nhỏ yêu quý như vậy?

 

Để tiếp xúc với các bé thì cũng không có bí quyết gì nhiều, hãy trở lại tuổi thơ của chính mình để có thể hiểu được tâm hồn của trẻ. Khi nói chuyện với các bé, hãy sử dụng giọng nói truyền cảm phù hợp với ngữ cảnh, động viên các bé nhự nhàng như một người mẹ, cần có sự biểu cảm,hài hước trong giọng nói, trên nét mặt để có thể gần gũi với các bé hơn. Bên cạnh đó, cũng cần đặt mình là một người nhỏ tuổi để hiểu được tâm sinh lý của các em hơn.

 

Châu Anh đã giảng dạy tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam từ nhiều năm nay, đối tượng là những em bé 7, 8 tuổi đến cả những sinh viên đại học nên cũng nắm bắt được tâm lý nhiều lứa tuổi, những buổi trò chuyện với các bạn học sinh cũng giúp mình rèn giũa thêm ở môi trường sư phạm âm nhạc nữa, đây cũng là một điều thuận lợi giúp mình có thể làm việc ăn ý với các bạn nhỏ.

 

Vậy, có khi nào chị Châu Anh nổi cáu hay phải quát mắng các bé chưa?

 

Có chứ, nhưng cũng hạn chế thôi. Dạy hợp xướng ở Sol Art nhiều khi cũng có sức ép về màu cờ sắc áo, sự tự hào dân tộc, lại ở vị trí của người chỉ đạo nghệ thuật nên nhiều lúc mình cũng không tránh được sự mệt mỏi và áp lực. Những lúc đó mà các bé học sinh mệt mỏi, chểnh mảng hay quậy phá thì cô Châu Anh cũng có quát mấy câu và lập tức có hiệu nghiệm, cả lớp im phăng phắc. Nhưng ngay sau khi mắng các bé mình sẽ thấy hối hận ngay bởi vì chỉ khi con người bất lực thì vũ lực mới phải lên tiếng. Sau đó, mình rút ra kinh nghiệm là phải dùng phương pháp tâm lý học, gặp riêng các bé để tỉ tê nói chuyện, khuyên nhủ các bé dần dần. Việc quát mắng trẻ sẽ làm mất tư thế của một giáo viên, điều này cũng chỉ hiệu nghiệm một lần thôi, vì vậy, đối với các bé, không thể áp dụng việc quát mắng, chê bai.

 

Hoặc đôi khi, những sự dồn nén trên lớp khiến mình về tới nhà, vừa thở hắt ra lại gặp ông con nghịch ngợm không chịu nghe lời, thậm chí tỉ tê cũng không nghe nên mẹ quát lên một tiếng “Kem, sao con hư thế”, nhưng sau đó mình lại lấy tư duy duy sư phạm ra áp dụng, tại sao con nhà người mình dạy được mà lại không dạy được con mình (cười).
 
Châu Anh trải lòng về Đồ Rê Mí - 4

 

V.N

Dòng sự kiện: Đồ Rê Mí 2011