Cánh Diều Vàng 2010:

“Cánh đồng bất tận” sẽ bất khả chiến bại?

(Dân trí) - Trong số 11 phim truyện nhựa tranh giải Cánh diều vàng (CDV) 2010 năm nay, bộ phim Cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình là cái tên nổi bật hơn cả.

Đến hẹn lại lên, lễ trao giải thường niên của Hội điện ảnh dành cho những bộ phim sản xuất trong năm 2010 sẽ được tổ chức chính thức tại TP HCM vào ngày 13/3 tới. Đây cũng là hoạt động lớn nhất trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày Điện ảnh 15/3 năm nay.  

Như thường lệ, hạng mục giải thưởng dành cho phim truyện nhựa luôn là hạng mục giải thưởng được quan tâm nhiều nhất. Năm nay, có 11 phim truyện nhựa dự tranh CDV. Bị dư luận “chê bai” tơi bời nhưng Tây Sơn hào kiệt, Hoa đào, Thiên sứ…99 vẫn “xúng xính” tham gia dự giải thường niên của hội điện ảnh. Giao lộ định mệnh tuy “dính” vào nghi án đạo phim vẫn đường hoàng đứng thứ 11 trong danh sách dự tranh. Ngoài Giao lộ định mệnh, đạo diễn Victor Vũ còn có Cô dâu đại chiến tham gia tranh diều vàng.
 
Đứng kế bên, những bộ phim chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long lịch sử cũng hào hứng tranh cử, có thể kể tên Khát vọng Thăng Long, Long Thành cầm giả ca. Hai bộ phim mới nhất làm về cuộc đời Hồ Chủ Tịch là Vượt qua bến Thượng Hải Nhìn ra biển cả cũng đã có mặt trong danh sách.  
 
“Cánh đồng bất tận” sẽ bất khả chiến bại? - 1
Cảnh trong phim Khát vọng Thăng Long (đạo diễn Lưu Trọng Ninh)

Nhìn tổng quát có thể thấy chất lượng phim tham dự CDV năm nay không cao, đa số là những phim có chất lượng trung bình. Kể lại quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ tại Thượng Hải (Trung Quốc), bộ phim Vượt qua bến Thượng Hải của đạo diễn Triệu Tuấn (hãng phim Hội nhà văn sản xuất) tuy đã có những nỗ lực lớn về mặt bối cảnh nhưng vẫn để lộ những hạn chế đáng tiếc trong diễn xuất của dàn diễn viên, những dàn trải thiếu logic trong kịch bản.  

Vượt qua bến Thượng Hải mắc phải những hạn chế chung của tất thảy những phim khác khi chọn đề tài lịch sử. Vì thiếu chất liệu lịch sử, khi lên kịch bản chi tiết, các nhà làm phim cố gắng lấp đầy nội dung, cố gắng kết nối các sự kiện lịch sử bằng những chi tiết hư cấu. Sự hư cấu khi không được thể hiện khéo léo sẽ để lộ ra sự rời rạc, thiếu logic. Tây Sơn hào kiệt, Khát vọng Thăng Long, Nhìn ra biển cả… cũng không phải là những ngoại lệ.  
 
“Cánh đồng bất tận” sẽ bất khả chiến bại? - 2
Một cảnh trong phim Long Thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn)

Hai cái tên đáng kể nhất, có sức nặng nhất trong danh sách dự tranh diều vàng năm nay là Cánh đồng bất tận (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình) và Long Thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn). Long Thành cầm giả ca có những cảnh quay chăm chút, có những bối cảnh được xây dựng cầu kỳ, có những khuôn hình đẹp mắt, tuy nhiên việc lồng tiếng cho các nhân vật đã khiến Long thành cầm giả ca mang “dáng dấp” của một bộ phim truyền hình. Nếu theo đúng tiêu chí chấm điểm của BGK năm nay như lời ông Chánh Văn Phòng Hội Điện ảnh - Nguyễn Văn Tân tiết lộ “đề cao những bộ phim có thẩm mỹ cao đẹp, có tính giáo dục, đồng thời có doanh thu cao”, Cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình trở thành đối thủ nặng ký nhất dự tranh CDV năm nay. 

Ở hạnh mục dành cho phim truyện Video dài tập có 16 bộ phim tham gia tranh giải Cánh Diều, trong đó có nhiều cái tên đã trở nên quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ năm 2010: Bí mật Eva, Tháng củ mật, Bí thư tỉnh ủy, Đầm lầy bạc… 50 tập phim Bí thư tỉnh ủy của đạo diễn Trần Quốc Trọng sẽ là cái tên khó có thể bỏ qua của các giải Cánh Diều.
 
“Cánh đồng bất tận” sẽ bất khả chiến bại? - 3
Một cảnh trong phim Cánh đồng bất tận (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình)

Chỉ có 3 phim truyện Video ngắn tập tham gia tranh giải năm nay, đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền được đánh giá cao với tác phẩm Vũ khúc ánh trăng do hãng phim Điện ảnh quân đội nhân dân sản xuất. Bứt phá nhất về số lượng phim tham dự nằm ở thể loại phim tài liệu với 7 phim tài liệu nhựa và 30 phim tài liệu Video. Bên cạnh đó, có 5 phim khoa học, 9 phim hoạt hình, 4 công trình nghiên cứu và 41 phim ngắn cũng “náo nức” dự tranh Cánh Diều Vàng 2010. 

Cơ cấu giải thưởng không có gì thay đổi, sẽ vẫn có giải Cánh Diều Vàng, Cánh Diều Bạc, Khuyến khích được trao cho các tác phẩm, cá nhân như mọi năm. Bên cạnh giải thưởng của các thành phần BGK, có thêm giải báo chí dành cho bộ phim truyện nhựa xuất sắc nhất năm 2010. 
 
“Cánh đồng bất tận” sẽ bất khả chiến bại? - 4
Một cảnh trong phim Bí thư tỉnh ủy (phim truyện Video) đạo diễn Trần Quốc Trọng.

Lễ trao giải Cánh Diều Vàng diễn ra vào 20h ngày 13/3 tại nhà hát Hòa Bình (TPHCM) sẽ là hoạt động lớn nhất trong chuỗi các hoạt động chào mừng ngày Điện ảnh (15/3) năm nay. Bên cạnh việc trao giải có các tác phẩm, cá nhân xuất sắc nhất của điện ảnh năm 2010, Hội điện ảnh tổ chức nhiều hoạt động khác như chiếu phim miễn phí, tổ chức giao lưu nghệ sỹ, các nhà làm phim với khán giả, tổ chức chuyến đi về nguồn có các nghệ sỹ lão thành, tổ chức hội thảo “Điện ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống”… BTC kỳ vọng, ngày Điện ảnh không chỉ là ngày hội của các nghệ sỹ, còn là ngày hội của công chúng, của khán giả yêu điện ảnh.   

Hiền Hương