Đêm diễn bán kết 5 “Giải thưởng Trần Hữu Trang” lần 11:

Các vai diễn “vua, quan” chiếm thế

(Dân trí)- Vai “Lê Quyết”, “Cao Thục”, “Trần Nhân Tông” trong đêm diễn tối ngày 12/12 có phần chiếm ưu thế hơn so với những vai xã hội khác. Những vị "vua, quan" này được các thí sinh diễn nhập tâm hết mình nên đã lấy lòng được đông đảo khán giả.

Được đánh giá cao trong đêm diễn bán kết 5 là vai “Cao Thục” của thí sinh Lê Duy (SN 1992) đến từ Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật TP.Cần Thơ. Đây cũng là thí sinh duy nhất “xuất thân” từ một trường học tham gia giải thưởng.
 
Các vai diễn “vua, quan” chiếm thế - 1
Quan "Cao Thục" qua vai diễn của thí sinh Lê Duy
 
Với vai “Cao Thục” trong trích đoạn “Chiếc áo thiên nga”, Lê Duy tham gia giải triển vọng. Phân cảnh diễn của Lê Duy là lúc nhân vật “Cao Thục” bị vua đuổi ra khỏi hoàng cung. Theo Lê Duy cho biết, đây cũng là đoạn diễn khó khi diễn nhân vật lịch sử này bởi vừa phải thể hiện được một vị quan dám can gián vua, vừa phải thể hiện một vị quan vì nước vì dân nên có rất nhiều lời hát đúng tâm trạng.
 
Các vai diễn “vua, quan” chiếm thế - 2
Các vai diễn “vua, quan” chiếm thế - 3
Lê Duy được đánh giá cao qua vai diễn quan "Cao Thục"
 
Trong khi đó, vai vua “Trần Nhân Tông” trong trích đoạn cùng tên cũng được thí sinh Khang Hữu Điền (SN 1981) đến từ Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang diễn khá tốt. Phân cảnh của Điền là diễn lúc vua đi tu trong khi nước nhà còn đang bị xâm lăng. Tâm trạng của một thiền sư, tâm trạng của một vị vua trước binh biến được thí sinh Khang Hữu Điền thể hiện rất nhập tâm.
 
 
Các vai diễn “vua, quan” chiếm thế - 4
Vua "Trần Nhân Tông" qua phần đóng vai của thí sinh Khang Hữu Điền
 
Khang Hữu Điền cho biết do đóng vai vua nên đây là một vai diễn khó. Vai diễn phải làm sao thể hiện được phong thái vua một nước dù thời cuộc lúc đó là một thiền sư. Điền cũng cho biết thêm, trước khi vòng thi diễn ra, Điền đã cố gắng tập luyện hết sức để khi diễn phải rất thật như cảnh ngồi thiền nét mặt phải thế nào, hành vi thế nào cho phù hợp.
 
Các vai diễn “vua, quan” chiếm thế - 5
Các vai diễn “vua, quan” chiếm thế - 6
Thí sinh Khang Hữu Điền đánh giá vai vua "Trần Nhân Tông" là một vai diễn khá khó khi vua khoác áo thiền sư
 
Còn vai diễn nhân vật “Lê Quyết” trong trích đoạn “Trời nam” do thí sinh Trần Thanh Phương (SN 1983) đến từ Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thi diễn cũng rất đạt. Cảnh nhân vật “Lê Quyết” gặp vợ, con là những cảnh khó khi phải thể hiện 2 tâm trạng khác nhau.
 
Các vai diễn “vua, quan” chiếm thế - 7
Nhân vật "Lê Quyết" qua phần thi của thí sinh Trần Thanh Phương
Các vai diễn “vua, quan” chiếm thế - 8
Một "Lê Quyết" với nhiều tâm trạng khác nhau
 
Ngoài các vai diễn “vua, quan” được đánh giá cao thì những vai diễn còn lại của 3 thí sinh tham gia giải triển vọng mang đề tài xã hội lại có “khá nhiều nước mắt”.
 
Đó là vai “má Năm” đau đớn khi hay tin con trai hy sinh trong chiến đấu trong vở “Hoa đất” của thí sinh Trần Hồng Thêm (SN 1990) đến từ Đoàn cải lương Cao Văn Lầu; hay vai “Trinh” của thí sinh đến từ Đoàn cải lương Cao Văn Lầu Trần Thúy An (SN 1990) đau khổ khi bị người yêu phản bội trong trích đoạn “Xé nát đợi chờ”; không chỉ các vai nữ mà vai “Đạt” của thí sinh nam Nguyễn Phương Anh (SN 1982) đến từ Đoàn cải lương Tây Đô trong vở “Người đánh rơi hạnh phúc” cũng có bao nỗi xót xa khi cuộc đời tán gia bại sản, rơi vào cảnh nghiện ngập…
 
Các vai diễn “vua, quan” chiếm thế - 9
"Má Năm" đau đớn lặng người đi khi hay tin con trai hy sinh qua vai diễn của thí sinh Trần Hồng Thêm
Các vai diễn “vua, quan” chiếm thế - 10
Một vai khá đau khổ của Trần Thúy An trong vai "Trinh" khi bị người yêu bỏ rơi
Các vai diễn “vua, quan” chiếm thế - 11
Đạt xót xa khi mất hết những gì của mình qua vai diễn của thí sinh Nguyễn Phương Anh
 
Huỳnh Hải