Bài thuốc cho… lòng tốt con người

(Dân trí) - Một thế giới chỉ toàn người tốt, người người giúp đỡ nhau vô vụ lợi… là ước mơ của vị giáo sư khi sáng chế những viên thuốc khiến cho người xấu uống vào sẽ trở thành người tốt trong vở kịch Tốt - xấu - giả - thật… liệu có thành hiện thực ?

Khi mà cuộc sống càng lúc càng bộn bề những lo toan, vất vả… thì cách con người đối xử với nhau cũng trở nên dè dặt và cẩn trọng hơn. Cái tốt vẫn còn nhiều trong xã hội, nhưng cái xấu cũng xuất hiện không ít và đôi lúc cái xuất còn gây ra những vụ chấn động đến lương tâm của mỗi người lâu nay sống với thái độ bàng quan với mọi việc. Quá mệt mỏi với những cái xấu, vị giáo sư Đại Khùng (Thanh Hoàng) tìm cách chế ra những viên thuốc giúp cho những người xấu khi uống vào sẽ trở nên tốt hơn, bao dung hơn và quan trọng nhất là nhìn cuộc đời với cái nhìn rộng lượng hơn. Với 2 giờ  đồng hồ ngắn ngủi mà viên thuốc có hiệu nghiệm, những đứa trẻ bụi đời trở thành “vật thí nghiệm” của giáo sư Đại Khùng bỗng chốc trở nên hiền lành, lương thiện đến bất ngờ. Nhưng cái xấu trong những đứa trẻ bụi đời vẫn chưa đủ để nhìn thấy hiệu quả của những viên thuốc, cho đến khi gã giang hồ Tư Liều (Việt Anh) xuất hiện…

Bài thuốc cho… lòng tốt con người - 1
Việt Anh dành một giải Cù nèo vàng cho vai diễn Tư Liều

Là một tay giang hồ kiều đầu trộm đuôi cướp, Tư Liều tìm đến giáo sư Đại Khùng để thử thuốc chẳng qua cũng chỉ vì số tiền mà vị giáo sư hứa tặng nếu chịu uống thuốc thử nghiệm, vì túng mà làm… liều theo đúng biệt danh Tư Liều. Tình huống nực cười nhất là sau khi uống thuốc rồi, Tư Liều lại cầm tiền trả ngược lại cho vị giáo sư vì “không phải tiền của tôi thì tôi không nhận”, sẽ khiến khán giả vừa cảm thấy hài hước nhưng cũng vừa đáng để lưu tâm đối lòng tham trong bản năng mỗi người- thứ đang hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống đầy rẫy những sự tôn vinh bằng giá trị vật chất. 

Nhân vật Tư Liều đã mang đến cho NSƯT Việt Anh giải Cù nèo vàng 2011 của báo Tuổi trẻ cười, chính là nhân vật luôn sống đến tận cùng của hai thái cực xấu và tốt. Khi tốt thì tốt đến mức ngờ nghệch, còn khi xấu thì có thể cầm dao “lụi” một ai đó vì dám xem thường mình… Đặc biệt, kịch tính của nhân vật Tư Liều được đẩy lên đến tận cùng khi gã trở lại bản chất của chính gã, một kẻ xấu không còn tiền trong túi phải đi trộm đồ trong nhà của một bà già mù (Mỹ Uyên).

Bài thuốc cho… lòng tốt con người - 2
Mỹ Uyên luôn tạo được dấu ấn cho từng vai diễn của mình

Cái khoảnh khắc mà Tư Liều nhận những món đồ từ bà già mù vì nghe hoàn cảnh thê lương mà gã tự bia ra kể, khiến cho bất cứ khán giả nào cũng cảm thấy bần thần. Lẽ thường đi ăn trộm với mục đích là không để cho người ta biết, nhưng với Tư Liều lần này lại được chính bà già mù lấy từng món đồ đưa cho gã, rồi tặng đồ cho vợ gã, cho con gã… Thử hỏi một kẻ xấu dù xấu đến mức nào có thể lạnh lùng được không khi nhìn một bà già mù xa lạ, lại đối xử với mình như một người thân quen…

Vở Tốt - xấu - giả - thật với ekip biên kịch Nguyễn Thu Phương và đạo diễn Trần Minh Ngọc của sân khấu 5B một lần nữa lại làm cho khán giả tin tưởng vào chất lượng của những vở diễn của sân khấu này. Chỉ với một phân đoạn ngắn - cuộc hội ngộ giữa đêm khuya giữa Tư Liều và bà già mù nhưng đã cho vở kịch trở nên vụt chói sáng hơn bao giờ hết.

Rất hiếm khi thể hiện vai bà già, mà lại mù… nhưng diễn viên Mỹ Uyên đã không nề hà làm cho mình xấu đi để hóa thân vào một trong những nhân vật ấn tượng nhất trong sự nghiệp của cô. Một bà già sống cô đơn, không người thân bên cạnh, thiếu trước hụt sau… nhưng khi cần thiết vẫn có thể giúp những người khác nếu mình còn có khả năng giúp đỡ. 

Bài thuốc cho… lòng tốt con người - 3

Những viên thuốc của vị giáo sư Đại Khùng có thể làm cho người ta tốt lên trong 2 giờ đồng hồ, nhưng chỉ có trái tim, tâm hồn của con người ta tự tốt lên, tự nhận ra những giá trị về cái thiện trong cuộc sống thì mới có thể giúp cho người ta tốt trong cả một cuộc đời. Bài thuốc cho lòng tốt của con người không thể đến từ bất cứ viên thuốc nào, mà chỉ có thể đến từ trong bản ngã của mỗi người. Cái đẹp của một vai diễn xuất thần đôi khi chỉ cần xuất hiện năm ba phút ngắn ngủi như thế thôi trên sân khấu, và Mỹ Uyên trong vai bà già mù đã có được điều đó…

Không quá cầu kì trong thiết kế sân khấu, cũng không có quá nhiều chiêu trò có thể làm cho khán giả sửng sốt…. Tốt - xấu - giả - thật chỉ là một câu chuyện đơn giản, nhẹ nhàng như cách mà những câu chuyện về lòng tốt vẫn xảy ra quanh đây!

Thanh Xuân
Ảnh: Boo Boo