“Ảnh nude dung tục hay không là do mục đích người chụp”

(Dân trí) - "Nói đến nude người ta hay nhắc là đề tài nhạy cảm, cá nhân tôi không thích từ đó. Ranh giới giữa nude nghệ thuật và sự dung tục rất mong manh, mà bản thân người chụp phải xác định rất rõ ràng mục đích: bức ảnh đó để làm gì, thể hiện câu chuyện, ý tưởng gì về cuộc sống", Nhiếp ảnh gia, nhà báo Trần Việt Văn chia sẻ!

Những năm trở lại đây, hầu như năm nào Nhiếp ảnh gia, nhà báo Trần Việt Văn cũng đều có giải thưởng quốc tế. Vừa qua, tác phẩm “The Room” của anh được Trung tâm nhiếp ảnh nghệ thuật New York (Mỹ) trao bằng danh dự trong cuộc thi ảnh “Giống nhau nhưng khác nhau”. Một lần nữa, Việt Văn trở thành cái tên lặng lẽ tỏa sáng và mang về nhiều vinh dự cho nhiếp ảnh nước nhà.


Nhiếp ảnh gia, nhà báo Trần Việt Văn.

Nhiếp ảnh gia, nhà báo Trần Việt Văn.

Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với anh một ngày giữa tháng 4.

Chào anh! Được biết, tại cuộc thi ảnh Lagrande, anh là tay máy Việt Nam duy nhất lọt vào chung kết và xếp hạng 4 tại thể loại ảnh Nude (khỏa thân). Anh có thể chia sẻ rõ hơn về tác phẩm của mình ?

Đây là bức ảnh chụp một người mẫu trường Mỹ thuật, với tiêu đề “Bên trong, bên ngoài” (Inside and Outside) nằm trong bộ ảnh nude “Ký ức tình yêu” (Memorries of Love) của tôi thực hiện trong nhiều năm.

Các tác phẩm nude trong “Ký ức tình yêu” từng đoạt huy chương bạc (Silver medal) thể loại Mỹ thuật (Fine Art) về ảnh nude tại cuộc thi ảnh hàng đầu châu Âu Px3 (Paris, Pháp), giải nhất tại Loughboroughtownhall (Anh), được giám khảo chọn (jury’s selction) và nhận bằng danh dự (Honorable mention) tại cuộc thi của New York Center Photographic Art (Mỹ), triển lãm tại Darkroom gallery và Portland Oregon (Mỹ)…


“Bên trong, bên ngoài” chụp một người mẫu trường mỹ thuật, nằm trong bộ ảnh nude “Ký ức tình yêu” của Việt Văn thực hiện nhiều năm, từng thắng giải nhất “Click it Open” (Anh).

“Bên trong, bên ngoài” chụp một người mẫu trường mỹ thuật, nằm trong bộ ảnh nude “Ký ức tình yêu” của Việt Văn thực hiện nhiều năm, từng thắng giải nhất “Click it Open” (Anh).

Tất nhiên, tự đánh giá tác phẩm của mình thì bao giờ cũng dễ mắc vào những nhìn nhận mang tính chủ quan. Nhưng với một người từng trải, đã có hơn 20 năm cầm máy, đạt vô số giải thưởng quốc tế uy tín như anh thì tôi vẫn muốn hỏi, theo anh tại sao những tác phẩm của anh lại lọt vào mắt xanh của Ban giám khảo, thậm chí cả những giám tuyển nổi tiếng nhất trên thế giới. Những gì mà anh cho là thành công trong tác phẩm của mình?

Có ba chủ đề lớn tôi theo đuổi là “Chính trị, tôn giáo và sex”. Ở đó, các bức ảnh thể hiện cái chung hơn là quá khu biệt về một điều gì đó. Xét cho cùng, con người tình cảm là giống nhau, dù màu da nào thì cũng đều hỉ, nộ, ái ố như nhau. Vì thế, mỗi câu chuyện đưa ra cần mang tính phổ quát, vượt ra phạm vi khu vực, quốc gia. Ảnh thắng giải ở các cuộc thi cũng phần bởi thế!

Bên cạnh đó, trong nhiếp ảnh còn có sự may mắn. Tất nhiên, may mắn quan trọng nhưng không quyết định, may mắn không đến nhiều lần vì thế quyết định vẫn ở con người. Nếu có ý tưởng trước, ám ảnh về một câu chuyện đã, sắp diễn ra, khi gặp đúng khoảnh khắc, bắt đúng suy nghĩ thì đó là sự tính toán, không phải may mắn hoàn toàn.

Làm sao để nhận ra một Trần Việt Văn trong nhiếp ảnh nghệ thuật nude?

Nói đến nude người ta hay nhắc là đề tài nhạy cảm, cá nhân tôi không thích từ đó. Ranh giới giữa nude nghệ thuật và sự dung tục rất mong manh, mà bản thân người chụp phải xác định rất rõ ràng mục đích: bức ảnh đó để làm gì, thể hiện câu chuyện, ý tưởng gì về cuộc sống.

Với tôi, ảnh nude chỉ đóng vai trò là phương tiện truyền tải. Mỗi bức ảnh không đặt nặng về vẻ đẹp cơ thể mà dùng đường nét đó để nói câu chuyện phía sau mới là quan trọng. Bức ảnh chứa đựng câu chuyện ấy phải gợi cảm xúc, gợi sự thú vị, gợi mở một chút để người ta muốn can thiệp, muốn suy nghĩ, tìm hiểu về nó.

“Ảnh nude dung tục hay không là do mục đích người chụp” - 3

Các tác phẩm nằm trong bộ ảnh Ký ức tình yêu của Trần Việt Văn.

Các tác phẩm nằm trong bộ ảnh "Ký ức tình yêu" của Trần Việt Văn.

Tôi thích những tác phẩm thể hiện tính trừu tượng như vậy!

Anh chọn cách tiếp cận nào, hay nói cách khác ý tưởng được hình thành bắt nguồn từ đâu?

Cảm hứng sáng tạo thường đến bất chợt, có thể từ đọc sách, xem phim hay đến từ một người hoàn toàn xa lạ…Với người nghệ sĩ sự ngẫu hứng rất quan trọng. Nếu nghệ sĩ không có khả năng ngẫu hứng, không có khả năng tưởng tượng thì anh ta không phải nghệ sĩ mà là thợ ảnh. Chụp hiện thực đơn thuần với ánh sáng tốt chỉ là khéo mà không phải là nghệ thuật.

Vậy thế nào một tác phẩm thành công, theo anh?

Đánh giá tác phẩm trước tiên phải độc đáo, nguyên bản nguyên gốc không bắt chước ai, tiếp đến sáng tạo trong cách thể hiện và cuối cùng là một ấn tượng cảm xúc chung. Bức ảnh phải có tinh thần, có linh hồn, có sự mới mẻ, sáng tạo dấu ấn riêng của tác giả.

Là một nhà báo đồng thời là một nhiếp ảnh gia, anh suy nghĩ thế nào về ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật ?

Ảnh báo chí có sức mạnh về thông tin, còn ảnh nghệ thuật mạnh về hình tượng. Ảnh báo chí bị giới hạn trong cách xử lí, không được thêm bớt hay can thiệp photoshop nặng nề. Ảnh nghệ thuật cho phép sáng tạo, vì nghệ thuật không giới hạn.

Tuy nhiên trong thời đại ngày nay, ranh giới bị giảm đi một chút, bởi một bộ ảnh nếu chỉ có thông tin thì không có tính mỹ cảm, không thu hút được người xem. Hoặc đơn thuần chỉ là mỹ thuật, không có một câu chuyện trong đó thì là một cái đẹp trống rỗng, vô nghĩa.

“Ảnh nude dung tục hay không là do mục đích người chụp” - 5

Nhìn lại hành trình, anh có thấy những thay đổi trong quan niệm nghệ thuật hay sự dày dặn hơn về cảm xúc theo chiều tích cực?

Có người hỏi tôi vì sao thi nhiều thế. Khi tham gia những cuộc thi lớn, giám khảo nổi tiếng từ nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa khác nhau, và ngay thí sinh dự thi nhiều người “thành tích đầy mình” mà vẫn thi. Vì thi để biết mình còn sáng tạo hay thẫn thờ, lạc lõng giữa sân ga nhìn con tàu lướt qua trước mặt.

Phải nói thêm rằng, không phải bức ảnh nào cũng là nghệ thuật, có rất nhiều tác phẩm tồi được làm ra bởi người nghệ sỹ. Bạn không thể nhìn thấy được tất cả những bức ảnh “vất đi”. Nhưng theo thời gian mình sẽ chụp ít đi, và lựa chọn chính xác hơn.

Bởi thế luôn sáng tạo là phẩm chất vô cùng quan trọng. Hãy tôn trọng cảm xúc và hướng đi của bản thân, đừng đi theo hướng của người khác bởi như thế bao giờ cũng sẽ đi sau. Cũng đừng cố áp đặt mọi thứ theo khuôn mẫu, cần gợi mở để tạo nên sự xúc động, phóng khoáng, ngẫu hứng, phong cách .

Có điều gì mà anh muốn làm rõ hơn, sâu hơn, chi tiết hơn nhưng ở thời điểm hiện nay vẫn là việc bất khả?

Con người ta cũng có những điều khiến mình e ngại chứ, ai cũng có điểm yếu. Nhưng tôi nhớ một câu nói rất hay “thời gian thì không có nhiều nên cố gắng để phát huy tối đa điểm mạnh, không có nhiều thời gian quá để sửa những điểm yếu”.

Xin cảm ơn anh!

Box: Trần Việt Văn sinh năm 1971, hiện anh công tác tại báo Lao động. Anh là nhiếp ảnh gia Việt Nam duy nhất và đầu tiên 7 năm liên tiếp đoạt giải cuộc thi ảnh hàng đầu châu Âu: Px3- Paris (Pháp), 4 năm giải ảnh toàn cầu (Pollux Awards, Anh), 3 năm liền giải Photo annual Awards (CZech), 3 lần vào shorlist cuộc thi sáng tạo quốc tế London (LICC- Anh)…. và có ảnh được chiếu trong slide show tại “Fifth Exposure Annual Awards” tại bảo tàng Louver Museum, Paris, Pháp và “Câu chuyện sáng tạo”(Story of Creative) tại See.Me's Long Island City gallery- New York (Mỹ).

Quỳnh Nguyên (Thực hiện)