Vì sao Hà Nội "tụt hạng" trong top 10 điểm đến được yêu thích?

(Dân trí) - Trang web du lịch nổi tiếng TripAdvisor vừa công bố 10 điểm đến được yêu thích nhất năm 2016. Không như lần trước, du lịch Hà Nội đã tụt 4 bậc từ vị trí thứ 4 xuống thứ 8 theo đánh giá của hàng triệu du khách trên khắp thế giới. Như vậy, mặc dù đã được tách riêng Sở Du lịch, nhưng cho đến nay du lịch Hà Nội vẫn không được cải thiện nhiều…

Cứ khách Tây là "chặt chém"

Du khách, giới doanh nghiệp và cả những cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đều thừa nhận sự đánh giá này là hoàn toàn xác thực. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, đây là nhận xét tương đối chuẩn xác. Bởi đó là kết quả đánh giá tổng quát của tất cả du khách đã đến Hà Nội thời gian gần đây.

Kết quả công bố trên như hồi chuông cảnh tỉnh những người làm du lịch Thủ đô. Nhiều công ty du lịch đã tỏ ra bức xúc trước những lời than phiền của khách khi họ bị tài xế taxi ở Hà Nội lừa tiền bằng chiêu thức không bấm đồng hồ mà chạy theo giá thỏa thuận, hay bắt bịp khách bằng cách chạy lòng vòng tính cước... Không chỉ bị chặt chém, ăn chặn một cách vô lý, nhiều du khách còn bị người bán hàng miệt thị đến “ứa nước mắt” bởi họ mất công đeo bám mời chào mà cuối cùng khách không chịu mua.

Hà Nội vốn là điểm đến ưa thích của nhiều du khách, nhưng gần đây nạn chèo kéo, chặt chém cùng với sự nhếch nhách đã khiến cho Hà Nội trở lên mất thiện cảm đối với nhiều người. Ảnh Hữu Thắng
Hà Nội vốn là điểm đến ưa thích của nhiều du khách, nhưng gần đây nạn chèo kéo, chặt chém cùng với sự nhếch nhách đã khiến cho Hà Nội trở lên mất thiện cảm đối với nhiều người. Ảnh Hữu Thắng

Động thái đáng ghi nhận đầu tiên của Sở Du lịch Hà Nội khi mới được thành lập là khởi động lại đường dây nóng, nhưng nạn chặt chém chèo kéo đeo bám của đội ngũ bán hàng rong vẫn khiến cho hình ảnh du lịch Hà Nội càng trở lên mất thiện cảm. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu đẩy lùi hình ảnh du lịch thủ đô “xuống dốc”.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty Du lịch Transviet chia sẻ, mới chỉ hôm qua thôi ông còn chứng kiến cảnh những người bán hàng rong thi nhau chèo kéo khách ở phố Hàng Đào, chèo kéo là thế nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng đến can thiệp. “Những vụ cơ quan chức năng xử lý vừa qua dường như chỉ làm điểm, chứ chưa ngăn chặn được tệ nạn này”, ông Đạt chia sẻ.

Anh Nguyễn Đức Tuấn, du khách đến từ TP HCM bức xúc: “Một số người Việt mình cứ nhìn thấy người nước ngoài, không cần biết họ là khách du lịch, hay chuyên gia, thậm chí là người thất ghiệp sống bằng trợ cấp, du học sinh cứ thế là chặt chém, chộp giật. Là người Việt Nam, tôi rất xấu hổ vì điều này”.

Đại diện một doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội nói, chúng ta đang thua Thái Lan, Campuchia và cả Philippines bởi đơn giản mình làm cho có. Chứ có bao giờ nghĩ làm cho hiệu quả. Nhìn cách làm của Thái Lan, Hàn Quốc... Các quốc gia này lập văn phòng đại diện ở các thị trường có lượng khách lớn nhất đến với họ đến từng công ty du lịch để xây dựng tour du lịch, tài trợ quảng cáo, hội thảo giới thiệu tiềm năng.

Hà Nội cũng thế, từ khi đước tách sở có rất nhiều doanh nghiệp kỳ vọng du lịch Hà Nội sẽ có những đột phá, nhưng cho đến giờ họ chưa thấy sự chuyển biến nhiều. Trong khi, tại các quốc gia khác, chính quyền của họ vào cuộc, ngành du lịch của họ vào cuộc. Làm việc với tất cả các dịch vụ du lịch (khách sạn, hàng không, trung tâm mua sắm, trung tâm chăm sóc sắc đẹp, vận tải, biểu diễu ..) để tạo ra ưu đãi tốt nhất cho du lịch, nhưng ở Hà Nội vẫn chưa làm được điều đó. Mặc dù, ngành du lịch thủ đô có rất nhiều tổ chức du lịch như Hiệp hội Du lịch,…

Du lịch Hà Nội đang ra sức quảng bá, hút khách nhưng cách làm ăn chộp giật khiến cho nhiều du khách chỉ đến đây một lần không trở lại. (ảnh minh họa) Hữu Thắng
Du lịch Hà Nội đang ra sức quảng bá, hút khách nhưng cách làm ăn chộp giật khiến cho nhiều du khách chỉ đến đây một lần không trở lại. (ảnh minh họa) Hữu Thắng

Chưa thấy "tín hiệu đỏ"

Với hơn 5 ngàn di tích và hơn 1 ngàn lễ hội dân gian, chưa kể tới 3 di sản được UNESCO vinh danh trong năm 2010, Hà Nội đã chiếm tới 40% di tích của cả nước. Đây là kho tàng vốn lớn để Hà Nội khai thác phát triển loại hình du lịch văn hóa, nhưng trên thực tế Hà Nội vẫn chưa có một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh nào được khai thác từ nguồn di sản này để hấp dẫn khách. Dù được đánh giá nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp và nhiều di sản văn hóa độc đáo, nhưng đến nay, du lịch Hà Nội vẫn chưa xác định được ưu thế của mình là gì. Sự hiếu khách, thanh lịch và thân thiện của những người dân Hà Thành dường như đang được thay thế bởi lối làm ăn chộp giật trong các dịch vụ từ nhỏ đến lớn.

Vấn đề giao thông ở Hà Nội câu chuyện “nan giải”. Đối với du khách quốc tế việc sang đường ở Hà Nội cần sự dũng cảm khi dòng xe cộ liên tục qua lại và không thiếu những pha vượt đèn đỏ của đám thanh niên. Không có một trật tự nào trong giao thông, nhiều người cũng chẳng thèm quan tâm tới các quy định của pháp luật khiến việc đi lại trong giờ cao điểm trên đường phố ở đây giống như một cuộc... hành xác.

“Trong khi khách du lịch muốn trải nghiệm văn hóa, đời sống của người dân, mình lại mang hoa từ Nhật về trưng bày, trong khi khách muốn đến Hà Nội vui chơi giải trí tại các quán bar về đêm, nhưng chưa đến nửa đêm cả phố phường cửa đóng then cài,... và cuối cùng họ chỉ tìm đến bia hơi, những dịch vụ kiểu này đã khiến Hà Nội kém hấp dẫn rất nhiều và nó tác động đến hành vi quyết định đi du lịch của khách", đại diện phòng truyền thông một doanh nghiệp lữ hành trên quận Hoàn Kiếm chia sẻ.

Tất cả đã để lại cho du lịch Hà Nội sự nhàn chán cho du khách. Khách đến Việt Nam du lịch, nghỉ ngơi, khám phá những nét văn hóa song lúc nào họ cũng nơm lớp lo ngại những người bán hàng rong chặt chém, chèo kéo thậm chí là bị lừa đảo của một số người. Và hậu quả của nó chính là sự “xuống dốc” như đánh giá của các du khách khi đến đây.


Trong khi Hà Nội thu hút khách bằng bản sắc riêng của mình thì những sản phẩm không phải đặc trưng của Hà Nội lại không được nhiều du khách để ý. Ảnh Hữu Thắng

Trong khi Hà Nội thu hút khách bằng bản sắc riêng của mình thì những sản phẩm không phải đặc trưng của Hà Nội lại không được nhiều du khách để ý. Ảnh Hữu Thắng

Từ nhiều năm qua, ngành du lịch Hà Nội đã có nhiều quyết tâm để thay đổi diện mạo của mình trong mắt du khách. Tuy nhiên, trước sự xuống dốc trong đạo đức kinh doanh của một số đơn vị, cá nhân... cùng với phương thức quản lý lỏng lẻo đã để lại những ấn tượng không tốt đối với du khách quốc tế. Những chia sẻ phản hồi của du khách về sự "xấu xí" ấy với cộng đồng đã khiến cho một lượng tiền đổ vào quảng bá hình ảnh, và những lời quảng bá của Hà Nội đối với du khách quốc tế trở lên lãng phí, lố bịch.

Năm 2016, Hà Nội đặt mục tiêu đón 3,765 triệu khách quốc tế, 17,4 triệu khách trong nước, nâng tổng thu lên khoảng 60.045 tỷ đồng, tăng 8,11% so với năm 2015. Nhưng với những gì đang xảy ra... khả năng hoàn thành mục tiêu trên của Hà Nội liệu có khả thi?!

Hữu Thắng