Một lần đến Bản Nưa!

(Dân trí) - Chào đón chúng tôi, Bản Nưa trình tấu một màn trống và cồng chiên. Giai điệu vui tươi và mạnh mẽ ấy dường như làm tan đi sự mệt mỏi. Những cô gái Thái đon đả ra chào khách, ngay cả các cụ già cũng đón du khách bằng những nụ cười. Người dân Bản Nưa bây giờ đã khác, biết làm du lịch, tạo sinh kế cho nhiều người.

Một lần đến bản Nưa

Trong khi những người khách lạ vẫn còn đang mân mê những chiếc túi, cái khăn… thì mâm cổ đã được dọn phía bên trên ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái. Thoáng thấy có ống kính máy ảnh, các cô gái Thái nhanh nhẩu mời chúng tôi vào và tạo dáng để “chụp hình”.

Người Thái ở Bản Nưa đang dệt thổ cẩm.
Người Thái ở Bản Nưa đang dệt thổ cẩm.
Duyên dáng cô gái dân tộc Thái.
Duyên dáng cô gái dân tộc Thái.
Nụ cười luôn rạng rỡ trên môi của các cô gái dân tộc Thái.
Nụ cười luôn rạng rỡ trên môi của các cô gái dân tộc Thái.

Mâm cổ của đồng bào Thái khá thịnh soạn với cơm Lam, thịt nướng… Đặc biệt có quả cọ. Đây là loại quả khi ăn không thì có vị chát, nhưng nếu ăn kèm với xôi nếp than thì hương vị khá độc đáo. Xung quang mâm cổ là những chiếc ghế đẩu cao chừng gang tay. Những chiếc ghế này thường dành cho khách và phụ nữ. Đặc biệt, những ai là rể thì không được ngồi.

Mâm cổ của người dân tộc Thái.
Mâm cổ của người dân tộc Thái.

Sau phần thưởng thức ẩm thực của đồng bào Thái, khách được mời xuống sân nhà tham gia vào các vũ điệu của bà con bản Nưa. Với chúng tôi là những người từ phương xa, lần đầu gặp gỡ, nhưng với người dân bản Nưa nói riêng và xứ Nghệ nói chung, tất cả như anh em một nhà, tay bắt mặt mừng, hỏi hang như những người thân lâu ngày gặp lại. Sự thân thiện và cởi mở của đồng bào Thái đã làm cho mọi khoảng cách dường như tan biến. Lúc này, cái bỡ ngỡ ban đầu nhường chỗ cho những nụ cười và những vũ điệu của khách và chủ.

Vũ điệu chào đón khách.
Vũ điệu chào đón khách.
Tiết mục giã gạo của phụ nữ dân tộc Thái. Cứ mỗi buổi sáng, tầm 3 đến 4 giờ, những tiếng giã gạo lại vang lên tạo nên âm thanh đặc trưng của núi rừng.
Tiết mục giã gạo của phụ nữ dân tộc Thái. Cứ mỗi buổi sáng, tầm 3 đến 4 giờ, những tiếng giã gạo lại vang lên tạo nên âm thanh đặc trưng của núi rừng.

Đến lúc phải ra về, những cái ôm, cái bắt tay thật chặc của chủ và khách vội vã trao nhau. Chỉ kịp nói những lời chúc an lành và may mắn, nhưng trong suy nghĩ mỗi người đều cảm nhận câu ca “Người ơi! người ở, đừng về!”.

Phạm Nguyễn

phamnguyen.dtr@gmail.com