Du lịch Việt Nam có tốc độ tăng trưởng "chậm dần đều"

(Dân trí) - Có thể thấy đây là thời điểm du lịch Việt Nam “tụt dốc thê thảm” nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Với lượng khách quốc tế giảm liên tiếp trong gần một năm qua, nếu không có những giải pháp đồng bộ, đúng hướng, kịp thời,… du lịch Việt Nam sẽ “tụt hậu” không phanh,…

Đó là nhận định của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong một hội nghị về “Các giải pháp cấp bách thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển”.

Du lịch Việt Nam đang ở thế “Báo động đỏ”
Thông tin từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế vào Việt Nam của ngành này từ năm 2010-2015 ngày càng sụt giảm. Nếu năm 2010, tốc độ tăng trưởng khách đạt 34,8%, thì từ năm 2011-2014 bắt đầu giảm: năm 2011 tăng trưởng 19,1%; 2012 tăng trưởng 13,9%; 2013 chỉ tăng trưởng 10,6%; 2014 tăng trưởng còn 4% và đến 4 tháng đầu năm 2015 thì giảm -12,8%.
Du lịch Việt Nam đang ở tình trạng báo động đỏ (ảnh: VTV).
Du lịch Việt Nam đang ở tình trạng "báo động đỏ" (ảnh: VTV).

Lo ngại trước tình trạng trên, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: “Nếu trong tháng 5-6/2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục giảm thì sẽ rất nguy hiểm cho du lịch Việt Nam, vì sẽ kéo theo 6 tháng cuối năm tụt giảm mạnh, trong khi các nước trong khu vực vẫn tăng trưởng tốt, kể cả Thái Lan vốn chịu ảnh hưởng bởi biến động chính trị trong thời gian khá dài. Có thể thấy đây là tốc độ tăng trưởng nguy hiểm của du lịch Việt Nam, nếu không có giải pháp cấp bách, đồng bộ, kịp thời,… để ngăn chặn đà tụt giảm này lại thì du lịch Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước trong khu vực và không thể phục hồi được”, ông Bình lo ngại.

Đáng chú ý hơn, trong khi lượng khách quốc tế sụt giảm nghiêm trọng, khách nội địa tăng trưởng không bền vững thì ngày càng nhiều khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài, con số này tăng đều đặn mỗi năm 10%. Các thị trường du khách Việt tìm đến là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Malaysia; Campuchia, Singapore, Indonesia, Myanmar,… và một số thị trường Tây Âu.

Ngoài hút khách Việt, các thị trường trên còn hút khách quốc tế mạnh mẽ. Lý giải nguyên nhân về vấn đề này các chuyên gia cho biết: “Các thị trường trên có chính sách visa thông thoáng, nhanh gọn, chi phí hợp lý, dịch vụ chuyên nghiệp, họ biết cách quảng bá hình ảnh của mình với thế giới,… vì thế họ rất thành công, mặc dù tiềm năng của họ không bằng nước ta”.

Phân tích nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam suy giảm, các chuyên gia cho rằng, ngoài sự bất ổn của khu vực và sự biến động về tỷ giá USD lên cao, euro và đồng yên giảm sâu,… là nguyên nhân khiến như cầu đi du lịch của khách giảm.

Bên cạnh đó, chính sách visa khắt khe, thủ tục rườm rà,… là rào cản lớn trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Một nguyên nhân cơ bản nữa không thể không nhắc đến là công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt còn thiếu chuyên nghiệp, công tác quản lý còn lỏng lẻo, tình trạng chặt chém du khách vẫn diễn ra phổ biến, cơ quan chức năng chưa kết nối được các doanh nghiệp lại với nhau để có sự tương trợ về giá cả, chất lượng, dịch vụ,…

Miễn visa để thu hút khách quốc tế
Để “giải cứu” du lịch Việt thoát khỏi tình trạng báo động trên, các chuyên gia trong ngành chia sẻ: Du lịch Việt Nam phải giải quyết được tất cả các vấn đề tồn đọng trên, áp dụng đồng bộ, kịp thời các giải pháp để tháo gỡ, trong đó điểm mấu chốt là “nút thắt” visa: “Miễn visa đã được thế giới khẳng định là giải pháp hàng đầu để thu hút khách. Hiện nay, Lào đã miễn visa cho 40 quốc gia, còn Campuchia miễn cho 19 nước, Singapore (miễn visa cho 158 nước), Philippines (157 nước), Malaysia (155 nước), Thái Lan (55 nước).

Chính sách cởi mở này đã cho các quốc gia trên những kết quả đáng ngưỡng mộ. Với 28 triệu lượt khách quốc tế tới tham quan trong năm 2014, Malaysia đã lọt vào top 10 những nước có lượng khách du lịch đông nhất thế giới; Thái Lan cũng đón gần 25 triệu lượt khách và Singapore cũng đạt trên 15 triệu lượt khách năm 2014, còn Việt Nam chỉ có gần 8 triệu lượt khách”, ông Bình nhấn mạnh.

Qua các con số cụ thể trên, rõ ràng chúng ta đang “tụt hậu” so với thế giới. Và không so sánh đâu xa, về tốc độ phát triển du lịch hiện nay chúng ta còn thua cả các nước có điểm xuất phát thấp hơn ta như Lào, Campuchia. Nếu như năm 2000, Campuchia mới đón hơn 400 nghìn lượt khách, thì sau 14 năm con số này đã tăng gấp 10 lần (hơn 4,5 triệu). Còn Lào cũng tăng từ trên 700.000 lượt khách lên hơn 4 triệu.

Quay trở lại vấn đề visa, hiện nay Việt Nam đã mở cửa visa cho 7 thị trường, trong đó có 3 thị trường trọng điểm là Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga. Và kết quả thu được rất tốt cụ thể, từ khi mở cửa (2004) đến nay, tổng lượng khách quốc tế đến từ 3 thị trường này đã tăng 354%, cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng của khách du lịch quốc tế nói chung là 269%.

Trong rất nhiều hội thảo, hội nghị về xúc tiến du lịch ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh và khẳng định: miễn thị thực là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy du lịch, và phải làm một cách chọn lọc, bài bản. Trước mắt, có thể chọn thêm một vài thị trường trọng điểm như Pháp, Đức, Anh, Úc. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ miễn lệ phí visa cho tất cả khách quốc tế vào Việt Nam trong 6 tháng (từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2015).

Cũng theo các chuyên gia, để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến Việt Nam, cần triển khai lấy visa trực tiếp ở cửa khẩu, giống như các nước trong khu vực đã áp dụng chính sách visa điện tử cho khách quốc tế.
Thu Hà