Chưa đưa được thi thể nam phượt thủ tử vong ra khỏi thác Lao Phào

(Dân trí) - Ông Hoàng Văn Duy, Chủ tịch xã Phan Dũng (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) cho biết, đã xác định được vị trí nam phượt thủ tử vong khi khám phá cung đường Tà Năng – Phan Dũng. Tuy nhiên do địa hình hiểm trở nên cơ quan chức năng chưa thể tiếp cận được thi thể nạn nhân.

Theo đó, thi thể du khách T.A.K (24 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) được tìm thấy ở tầng thác thứ 4 thác Lao Phào. Nơi đây có địa hình hiểm trở và là một trong những nơi nguy hiểm nhất của cung đường Tà Năng – Phan Dũng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Văn Duy, Chủ tịch xã Phan Dũng (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) cho biết, sau nhiều nỗ lực đoàn các cơ quan chức năng bao gồm Công an huyện Tuy Phong, Trung tâm pháp y đã đến được khu vực phát hiện thi thể du khách T.A.K, tuy nhiên chưa thể tiếp cận xuống dưới thác.

“Đây là con thác có 7 tầng, địa hình rất hiểm trở, việc di chuyển rất khó khăn, nguy hiểm nên tổ công tác chưa thể tiếp cận được thi thể. Thêm vào đó, thời tiết buổi chiều ngày 21/5 có mưa, nên việc tiếp cận hiện trường, tìm nguyên nhân tử vong chưa thể diễn ra như kế hoạch ban đầu. Ngay buổi chiều 21/5 đoàn công tác đã phải quay ra để tìm phương án thay thế”, ông Duy nói.

Hình ảnh của K. được ghi lại trước khi mất tích.
Hình ảnh của K. được ghi lại trước khi mất tích.

Trong khi đó, sáng ngày 22/5, ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch Huyện Tuy Phong cho biết, hiện cơ quan chức năng đang cử lực lượng giữ nguyên hiện trường. Do địa hình hiểm trở, thi thể nạn nhân đã phân hủy sau nhiều ngày tử vong nên việc tiếp cận, đưa thi thể ra bên ngoài gặp nhiều khó khăn.

“Ngày hôm qua, chúng tôi đã tính đến phương án đưa nạn nhân theo hướng ra Bình Phước nhưng không thành công, hôm nay có lẽ sẽ phải thay đổi kế hoạch di chuyển theo hướng Lâm Đồng”, ông Điển nói.

Vị đại diện này cũng cho biết, do chưa tiếp cận được thi thể nạn nhân nên chưa thể kết luận được nguyên nhân tử vong của nam phượt thủ này.

Được biết, thác Lao Phào gồm 7 tầng, thuộc núi Công Chúa tọa lạc tại xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Khu vực có địa hình vô cùng hiểm trở, không có đường đi, người dân địa phương cũng không dám đi tới do thác nước chảy xiết, nếu không cẩn thận rất dễ thiệt mạng.

Bịch túi bóng chứa đồ dùng cá nhân được cho là của K. được nhóm tìm kiếm phát hiện trong rừng sâu gần khu vực thác Lao Phào
Bịch túi bóng chứa đồ dùng cá nhân được cho là của K. được nhóm tìm kiếm phát hiện trong rừng sâu gần khu vực thác Lao Phào

Trao đổi với PV Dân Trí, anh Nguyễn Đức Hiếu (SN 1965, CLB leo núi Everest) là một trong những người đầu tiên xác định được vị trí và tiếp cận được thi thể của du khách T.A.K, cho biết, hiện K. nằm ở ngay dưới chân thác thuộc tầng cao nhất.

Hiện nay, thi thể nam du khách đã phân hủy, trương sình và nổi 3/4 trên mặt nước nên nếu có đến gần cũng chưa chắc đã tiếp cận được vì có thể xác sẽ rời ra, phải có một túi đựng xác chuyên dụng với những thiết bị bảo hộ bắt buộc.

“Cách đơn giản nhất sử dụng một chiếc thuyền hơi, phao bơi làm thành một chiếc cáng cứu thương, sau đó bơm hơi, dùng ròng rọc kéo lên, không cần phải sử dụng trực thăng”, anh Hiếu nói.

Trước đó vào ngày 11/05, T.A.K (SN 1994) cùng 6 người bạn khác tham gia trekking cung Tà Năng - Phan Dũng (Lâm Đồng - Bình Thuận) nhưng đến 12h trưa ngày 12/05/2018, nhóm bị lạc K. khi đang dừng chân nghỉ ngơi trước một ngã ba trong rừng.

Ngay sau đó, các thành viên trong nhóm đã nỗ lực tìm kiếm K. nhưng không có manh mối. Đến 4h chiều cùng ngày, cả nhóm quyết định ra khỏi rừng, nhờ tới sự giúp đỡ của người dân địa phương và cơ quan chức năng. Trong 8 ngày sau đó, đã có hơn 100 người theo các hướng khác nhau nỗ lực vào rừng tìm kiếm phượt thủ này.

Vào ngày 15/5, nhóm đã phát hiện dấu vết của K. tại khu vực thác Lao Phào. Tại đây, nhóm tìm thấy một túi bóng màu xanh đựng 2 túi cà phê, 1 túi khăn giấy. Sau khi đối chiếu với hình ảnh trước đó, các thành viên trong đoàn đi cùng phượt thủ này khẳng định đây là đồ dùng cá nhân của K. Đến tối ngày 20/5 thì lực lượng tìm kiếm phát hiện thi thể nạn nhân.

Tà Năng – Phan Dũng được mệnh danh là cung đường đẹp nhất Việt Nam, tuy nhiên đây cũng là hành trình “cực hình”. Để khám phá nơi đây, phượt thủ phải đi 60km đường rừng với dốc cao và nhiều con suối. Vào mùa mưa, khu vực này thường xuyên xảy ra lũ quét do nước từ thượng nguồn đổ về.

Năm 2017, một nữ phượt thủ đã bị nước lũ cuốn trôi khi trekking cung này. Cô gặp nạn khi đang cùng nhóm băng qua con suối gần thác Yavly Phan Dũng. Sau gần một ngày, thi thể nạn nhân mới được tìm thấy.

Hà Trang