Biển Chết và những sự thật thú vị

(Dân trí) - Sự thực, địa danh này không phải là biển mà chỉ là một hồ nước với độ mặn cao nhất thế giới. Nhiều thế kỷ trước, nơi này còn được gọi là “Biển thối”. Và địa danh này từng được nhắc tên trong Kinh Thánh.

Biển Chết - một trong những điểm đến kỳ lạ nhất thế giới

Biển Chết nằm trên biên giới giữa bờ tây Israel và Jordan trên thung lũng Jordan. Khu vực chứa nước bị ngăn kín này có thể coi là hồ chứa nước có độ mặn cao nhất thế giới. Biển Chết dài 76 km, chỗ rộng nhất tới 18km và sâu nhất là 400m. Theo số liệu năm 2005, bề mặt biển Chết nằm ở 417.5m dưới mực nước biển. Điều này đồng nghĩa với việc địa danh này là vùng nước nằm thấp nhất thế giới. Nơi này còn được mệnh danh là “cái rốn Địa Cầu” và mang tên biển Chết lần đầu tiên do một nhà văn Hy Lạp cổ đại đặt.

Vẻ đẹp kỳ vỹ của biển Chết
Vẻ đẹp kỳ vỹ của biển Chết

Tuy gọi là biển Chết, nhưng thực tế đây không phải là vùng biển mà là một hồ nước mặn. Quanh các sông chảy vào biển Chết chủ yếu là sa mạc và nham thạch đá vôi. Những tầng nham thạch này chứa rất nhiều muối khoáng. Bởi vậy, nước chảy vào đây có hàm lượng muối cao. Thêm nữa, biển Chết nằm lọt trong vùng có địa hình xung quanh khá cao, thời tiết khô hanh. Nhiều yếu tố này khiến nước chỉ tích tụ trong hồ không chảy đi đâu khiến nước hồ có độ mặn cao nhất thế giới.

Muối và khoáng chất ở biển Chết
Muối và khoáng chất ở biển Chết

Với nồng độ mặn lên tới 33% trong khi độ mặn trung bình ở các đại dương trên thế giới chỉ khoảng 2.5%, có thể thấy hàm lượng muối ở biển Chết rất cao. Cũng nhờ lượng muối cao này giúp du khách tới đây có thể trôi nổi trên mặt nước thoải mái dù không biết bơi. Độ mặn cao làm môi trường sống tại đây rất khắc nghiệt. Vì lẽ đó tên gọi “Biển Chết” rất phù hợp với nơi này. Trên thực tế, ở biển Chết vẫn tồn tại lượng nhỏ các vi khuẩn và nấm vi sinh vật.

Biển Chết được coi là vùng rốn địa cầu. Cách đây vài thế kỷ, nơi này còn gọi là biển thối
Biển Chết được coi là vùng rốn địa cầu. Cách đây vài thế kỷ, nơi này còn gọi là "biển thối"

Dù mang tên “chết chóc” nhưng tại địa danh này vẫn căng tràn sức sống. Từ hàng nghìn năm nay, biển Chết có sức lôi cuốn đặc biệt các du khách quanh khu vực Địa Trung Hải. Nó là nơi nương tựa của vua David, một trong các nơi nghỉ ngơi đầu tiên trên thế giới của Herod Đại Đế, và là nguồn cung cấp các sản phẩm khác nhau như nhựa thơm cho việc ướp xác của người Ai Cập cho tới bồ tạt để làm phân bón. Nữ hoàng Cleopatra cũng rất thích nơi này. Bà từng ra lệnh xây nhiều khu nghỉ dưỡng dọc theo bờ biển.

Muối ở biển Chết rất đắng, khác hẳn muối ăn thông thường
Muối ở biển Chết rất đắng, khác hẳn muối ăn thông thường

Nước ở biển Chết mặn hơn gần chục lần so với nước biển thông thường, bù lại có nồng độ muối NaCl và khoáng chất cao. Đặc biệt muối ở đây rất đắng, hoàn toàn không giống với muối ăn thường thấy. Loại muối ăn này giúp trị các bệnh ngoài da như vẩy nến, mụn nhọt…

Cơ thể nổi tự nhiên trong vùng nước ở biển Chết
Cơ thể nổi tự nhiên trong vùng nước ở biển Chết
Biển Chết và những sự thật thú vị - 6

Một số loại khoáng chất tại biển Chết như canxi, iot, muối, kali, brom và lưu huỳnh. Theo nghiên cứu, nước ở biển Chết có khả năng chữa bệnh do lượng bào tử vi khuẩn trong hồ cực thấp và không có chất gây dị ứng. Cộng thêm lượng tia UV trong nắng ở biển Chết rất thấp, áp suất không khí cao, tạo nên nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người. Nước biển còn giúp du khách giảm căng thẳng, điều trị đau cơ, viêm xoang và viêm khớp.

Tắm bùn ở biển Chết
Tắm bùn ở biển Chết

Có thể nói, biển Chết là một kỳ quan thiên nhiên. Nơi này từng nhiều lần xuất hiện trong Kinh Thánh, trong đó có ghi, vào một ngày, vùng nước biển Chết sẽ hồi sinh. Tại đây, động thực vật không chỉ sinh sống mà còn sinh trưởng mãnh liệt. Ngày nay, người ta tận dụng khoáng chất và muối ở biển Chết để làm túi thơm, mỹ phẩm.

Hoàng Hà

Theo WK, TG