Kiến trúc độc đáo của ngôi nhà cổ trong “Người tình”

(Dân trí) - Đến thăm ngôi nhà cổ nổi tiếng ở Đồng Tháp, bạn như chìm đắm trong mối tình lãng mạn nhưng đầy trắc trở của ông Huỳnh Thủy Lê và một thiếu nữ gốc Pháp.

Những ai từng đặt chân đến mảnh đất Đồng Tháp chắc hẳn sẽ ngỡ ngàng trước những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay, những cô gái miền tây Nam Bộ xinh xắn thấp thoáng bên hồ sen thơm ngát.

Vào mùa nước nổi (khoảng tháng 9 -11), nơi đây đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn bởi màu xanh ngắt của lúa, của tràm, hay sắc hồng, sắc trắng của hoa sen trên những dòng kênh xanh biếc. Đến đây, bạn đừng quên ghé ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nằm ngay ở trung tâm thành phố Sa Đéc.

Từ cổng nhìn vào ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Ảnh:

Từ cổng nhìn vào ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Ảnh: Vietcircle)

Ngôi nhà cổ đối diện dòng sông thơ mộng hấp dẫn bởi thiên tình sử lãng mạn của ông Huỳnh Thủy Lê và một cô gái gốc Pháp. Từ chợ Sa Đéc, men theo bờ sông khoảng 1 km, bạn sẽ thấy được nét độc đáo của ngôi nhà qua sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Được xây dựng từ năm 1895, ngôi nhà được xây chủ yếu từ gỗ với kiểu nhà ba gian, kết cấu theo kiến trúc đặc trưng của vùng miền Tây Nam Bộ.

Đến năm 1917, qua một lần sửa chữa lớn, ngôi nhà được xây dựng lại mang dáng dấp của ngôi biệt thự Pháp, nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc Á Đông với mái nhà hình thuyền tượng trưng cho miền sông nước.

Qua cánh cổng rêu phong, từ sân nhìn vào, ngôi nhà toát lên vẻ cổ kính không phải vì lớp vôi, lớp sơn các song sắt phai màu mà bởi chính những hoa văn chạm khắc trên các bức phù điêu thời phục hưng ở thế kỷ 17, vòm cửa cong theo kiểu La Mã...

Bên trong nhà được trang trí theo kiểu truyền thống của người Hoa với các cánh cửa, cột nhà... đều khắc chữ Hán, sơn son thếp vàng. Du khách cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những "long, lân, phụng" được chạm trổ tinh xảo. Ở giữa những cây cột, những hình khắc hoa cúc, chim loan, phượng như biểu hiện cho sự sung túc và hạnh phúc.

Cô gái Nam Bộ trong ngôi nhà cổ. Ảnh:

Cô gái Nam Bộ trong ngôi nhà cổ. Ảnh: Phan Huê

Chính giữa ngôi nhà là bàn thờ ông Quan Công với sắc mặt đỏ ửng đang ngồi, tay nâng đai ngọc với phía trên là hình "Lưỡng long tranh châu". Phía sau bàn thờ là hai phòng ngủ với ba mặt làm bằng gỗ, chạm trổ hoa lan, cúc, trúc, bướm...

Hơn 100 năm trôi qua, ngôi nhà cổ như một nhân chứng lịch sử của vùng đất Sa Đéc. Du khách vẫn còn nhìn thấy ở đây những hình ảnh, dấu vết của những người đã sống vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và câu chuyện tình thấm đẫm nước mắt của chủ nhân ngôi nhà này, ông Huỳnh Thủy Lê.

Theo chuyện kể lại, vào năm 1929, Huỳnh Thủy Lê và Marguerite Duras tình cờ quen nhau trên chuyến phà Mỹ Thuận, lúc đó cô gái mới hơn 15 tuổi, còn ông Lê 23 tuổi. Họ hẹn hò nhau trong một thời gian dài.

Nhưng khi cha ông Lê biết chuyện đã ngăn cấm không cho hai người qua lại bởi gia đình Margueritte rất nghèo, không môn đăng hậu đối. Ông bắt chàng cưới một cô gái người Hoa cùng tuổi trăng tròn như Marguerite Duras.

Ngôi nhà nơi lưu dấu tích của ông Huỳnh Thủy Lê. Ảnh:

Ngôi nhà nơi lưu dấu tích của ông Huỳnh Thủy Lê. Ảnh: Phan Huê

Mối tình sâu đậm của cô thiếu nữ Pháp và chàng trai người Hoa cũng trắc trở từ đó. Sau một thời gian chia tay nhau, do cuộc sống khó khăn nên gia đình Marguerite Duras quyết định trở về cố hương. Ngày nàng lên con tàu Đông - Ấn neo ở bến Nhà Rồng để về Pháp, chàng cũng âm thầm đi xe mui trần đến nơi đưa tiễn. Nàng từ trên bong nhìn xuống, chàng từ dưới ngước lên, họ cứ nhìn nhau như vậy cho đến khi tàu xa dần, xa dần mất hút về cuối chân trời …

Câu chuyện tưởng như đã khép lại vì sau đó Margueritte cũng có gia đình và những đứa con. 20 năm sau trong một lần sang Pháp, Huỳnh Thủy Lê đã cố tìm cho được số điện thoại của Margueritte Duras, gọi chỉ để nói một câu, rằng “Anh vẫn yêu em”.

Con tim Margueritte Duras lại thổn thức, lúc này bà đã là một nhà văn nổi tiếng, nên quyết tâm kể lại câu chuyện tình thời thơ ấu của mình bằng tiểu thuyết “Người tình”. Tác phẩm này sau đó trở thành một trong những tiểu thuyết nổi tiếng ở châu Âu. “Người tình” đã được dựng thành phim cùng tên. Ngày nay, nhiều du khách muốn tìm về tận nơi để chiêm ngưỡng ngôi nhà, nơi còn lưu dấu vết của chàng trai si tình.

Năm 2009, ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được xếp hạng Di tích Quốc gia, các vật dụng bằng gỗ quý trong nhà hầu như vẫn còn nguyên vẹn... Du khách đến đây sẽ cảm thấy như chìm đắm trong mối tình thơ mộng khi ngồi ở gian chính của ngôi nhà cổ, nhâm nhi ly trà thơm nức trong không khí mát mẻ của gió sông, nghe hướng dẫn viên kể về mối tình đầy trắc trở đã đi vào lịch sử.

Song An