Đồ Sơn: Chơi trâu thì phải có tiền…

(Dân trí) - Người dân Đồ Sơn kể rằng, xưa trong vùng có ông Vệ “ghẻ” là người có kinh nghiệm nuôi trâu chọi nổi tiếng. “Ông trâu” nào lọt vào “mắt xanh” của ông thể nào cũng ăn giải. Và trước ngày chọi trâu 3 tháng, người chăn trâu (nam giới) không được ăn nằm với vợ.

Chế độ chăm trâu hơn chăm người

Chẳng biết tục chọi trâu của người Đồ Sơn, Hải Phòng có từ bao giờ nhưng cứ gần đến ngày hội, người dân Đồ Sơn náo nức chờ ngày khai cuộc. Người dân Đồ Sơn kể rằng, xưa ở vùng này có ông Vệ “ghẻ” là người có kinh nghiệm nuôi trâu chọi nổi tiếng. “Ông trâu” nào đã lọt vào “mắt xanh” của ông thể nào cũng ăn giải.

Chẳng hiểu có phải theo kinh nghiệm được truyền lại từ xưa không, nhưng sáng nào cũng vậy, chủ trâu ở Đồ Sơn cũng áp dụng bài luyện thể lực của các ông trâu: lúc đầu là bài tập thể lực: Trâu được người chăn dắt đi bộ khắp phố, rồi chạy tập trên cát, sau rồi lùa xuống cả bãi lầy lội.

Ở Đồ Sơn giờ đây, đã là người chơi trâu, phải là người có tiền. Tiền mua trâu, tiền chăm sóc…
Ở Đồ Sơn giờ đây, đã là người chơi trâu, phải là người có tiền. Tiền mua trâu, tiền chăm sóc…

Đặc biệt, gần đến ngày vào thi đấu các “ông trâu” tiếp tục được dắt ra phố để lũ trẻ con gí thanh la, não bạt, chiêng trống dí vào tai mà gõ, rồi cờ quạt múa liên hồi quanh “ông trâu”.

Với bài tập này, chủ trâu cho rằng nó sẽ giúp cho “ông trâu” quen với âm thanh mà không bị hoảng khi vào trận.

Theo các bậc cao niên ở Đồ Sơn, trước ngày chọi trâu 3 tháng, người chăn trâu (phải là nam giới ) không được ăn nằm với vợ. Trâu chọi được nuôi chuồng riêng không cho thấy trâu nhà. Trâu được mua về thường xuyên được cho ăn cỏ non, gần ngày thi, trâu được các chủ trâu bồi dưỡng bằng cháo ngô.

Ngày nay, ngoài thực đơn truyền thống ấy, các chủ trâu còn tẩm bổ cho các ông trâu bằng nước VitaminB1, thậm chí là mật gấu. Vitamin B1 được hoà vào nước, cứ thế mỗi ngày, ngoài ăn cỏ, cháo ngô các “ông trâu” phải uống đủ một chai 65ml nước pha B1. Với mật gấu chỉ được chủ trâu bồi bổ khi các ông trâu bị thương sau vòng đấu loại. Tuy nhiên, nhiều chủ trâu vẫn cho rằng; trâu uống nhiều mật gấu không tốt vì mật gấu có tính nóng, dễ nổi mụn.

Ở Đồ Sơn giờ đây, đã là người chơi trâu, phải là người có tiền. Tiền mua trâu, tiền chăm sóc…

Muốn thắng trận, phải biết dùng tiểu xảo

Kinh nghiệm của người chơi trâu chọi lâu năm ở Đồ Sơn cho rằng, những con trâu đủ tiêu chuẩn là những con trâu đực khoẻ, sừng cánh cung, ức rộng cổ tròn dài và hơi thu nhỏ về phía đầu, gọi là trâu cổ cò. Đây là đặc điểm quan trọng nhất vì khi cúi xuống nếu là cổ cò sẽ không biết mỏi. Lưng trâu dầy, càng phẳng càng tốt để bát nước đầy lên không đổ là quý. Mắt trâu phải đen, tròng đỏ như vậy mới gan góc, mặt trâu càng giống mặt ngừa là trâu chọi hay. Răng trâu cũng phải đều và không được sứt mẻ.

Ngoài sự dũng mãnh trước những pha đòn hiểm như miếng vồ, đánh dập, luồn sừng bẻ, lật ngược đối thủ hay miếng gảy, dùng sừng đánh vào bất kỳ chỗ nào tiếp giáp, rồi miếng quỳ hiểm hóc, hai chân trước gập xuống, mài mặt sát đất, day sừng lấy cáng tống hầu và miếng chọc mắt là bản năng và nảy sinh khi trâu "kháp sới". Các chủ trâu còn dùng những trò “tiểu xảo” như: vót nhọn sừng, rồi tẩm a xít, hay nước tiểu vào để tăng độ buốt của đòn mà đối phương chóng bỏ cuộc. Vì thế đặc biệt trước ngày chọi chủ trâu phải canh gác trâu cẩn mật.

Ở Đồ Sơn giờ đây, đã là người chơi trâu, phải là người có tiền. Tiền mua trâu, tiền chăm sóc…
Các chủ trâu còn dùng những trò “tiểu xảo” như: vót nhọn sừng, rồi tẩm a xít, hay nước tiểu vào để tăng độ buốt của đòn mà đối phương chóng bỏ cuộc

Các chủ trâu cao niên ở Đồ Sơn cho rằng, trâu ở vùng núi đánh không dai sức bằng trâu nuôi tại vùng đồng bằng. Vì thế mấy năm gần đây người ta thấy các giáp đấu chỉ kéo dài trong 15 đến 20 phút là cùng. Nếu là trâu đồng bằng thì giáp đấu có thể kéo dài tới cả tiếng đồng hồ.

Hội kết thúc cũng là lúc các tay lái í ới gọi điện cho nhau lùng trâu mới. Những tay “lái trâu”, khi “giao dịch” thành công một “ông trâu” có thể lời cả chục triệu đồng.

Ngày trước, địa bàn săn trâu chọi của họ chỉ loanh quanh một số tỉnh miền núi như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Bắc Cạn, thì nay những tay “săn trâu” lần mò sang tận các nước láng giềng như: Lào thậm chí Myanmar, Trung Quốc để tìm những ông trâu ưng ý.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số tiền đặt cược có thể nên tới 20 -30 triệu đồng cho mỗi kháp đấu. Có hai loại cá độ khác nhau, loại cá độ theo kiểu “đánh nóng” nghĩa là dân chơi cá độ đặt tiền vào các ông trâu trước khi ra trận tại hai cửa Bắc và Nam theo sự cảm quan của mình. Kiểu này chỉ dành cho các tay chơi không biết được danh tính của từng ông trâu, họ đến từ các nơi lân cận như: Quảng Ninh, Hải Phòng nhất thời “nổi hứng” mà chơi.

Tuy nhiên, dân Hải Phòng rất ít khi chơi theo kiểu “đánh nóng” mà trước khi chơi các tay cá độ thường tìm đến chủ trâu tìm hiểu, quan sát nghe ngóng rồi mới đặt tiền chơi độ. Lúc đó chủ trâu sẽ là người “cầm cái” để phòng trường hợp bên độ “bùng” tiền hoa hồng sau giáp đấu. Cũng có trường hợp chủ trâu này nhận đánh cá độ với chủ trâu khác. Tuy nhiên, theo những tay cá độ đất cảng thì dân chơi bây giờ rất tinh ranh, trước khi cá độ trận nào họ đều dò la tình hình về đối thủ rất kỹ. Vì thế chuồng trại của những ông trâu được xây dựng rất cẩn thận, rào cao, kín cổng đề phòng trước ngày ra giáp đấu kẻ xấu dắt trộm mất, hay những tay chơi xấu lẻn vào làm hại trâu.

 Minh Phan