Chuyện ngày đầu "ngây thơ" của những DHS Việt trên đất Thụy Điển

(Dân trí) - Ban đầu các bạn đều thấy khá nhiều bỡ ngỡ khi sang một môi trường học tập mới. Từ văn hóa xếp hàng của người Thụy Điển, những biển hiệu trên đường phố, cách giao tiếp trong một lớp học toàn cầu...tất cả đều lạ lẫm.

Nhưng cảm giác ấy cũng nhanh chóng trôi qua khi họ được hòa mình vào các hoạt động tập thể sôi nổi trong môi trường học tập toàn cầu bình đẳng, thân thiện-nơi các thầy cô luôn khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi và các bạn sinh viên luôn hết lòng giúp đỡ lẫn nhau.

Những trải nghiệm mới mẻ

Nguyễn Thu Vân sinh năm 1987 hiện đang học thạc sĩ chuyên ngành y tế công tại trường Đại học Umeå theo học bổng của Viện Nghiên cứu Thụy Điển, chia sẻ, sinh viên quốc tế nhập học sớm hơn sinh viên Thụy Điển một tuần. Trong tuần đó, sinh viên quốc tế được tham gia các hoạt động nhóm như thăm trường, chụp ảnh và tìm hiểu thông tin về trường cũng như một số khu vực trong thành phố rồi thi đấu với nhau xem đội nào nắm được nhiều thông tin hơn.

Trường Đại học Umeå, Thụy Điển (Ảnh: Nam Hằng)
Trường Đại học Umeå, Thụy Điển (Ảnh: Nam Hằng)

Mỗi khoa đều có hội sinh viên riêng, họ đến gặp gỡ du học sinh mới để làm quen và giới thiệu về trường. Vân cho biết, "Ngay trong tuần đầu em nhập học, có một thầy người Mỹ đã sống và làm việc tại Thụy Điển 8 năm đến các nhóm chia sẻ kinh nghiệm khi thầy mới sang. Thầy nói về thời tiết ở Umeå có lúc xuống tới âm 30 độ C nên rất lạnh và nhiều tuyết, nhưng dần dần càng sống ở đây, thầy càng yêu thành phố yên bình và xinh đẹp này".

"Trường cũng mời các bạn sinh viên đang tập luyện ở trung tâm thể dục thể thao đến giao lưu, giới thiệu về trung tâm cho sinh viên mới nhập trường. Ban đầu chưa quen lắm nên em cũng còn hơi nhát, ít nói nhưng sau một tuần thì cũng quen được nhiều bạn nên cảm thấy rất vui", Nguyễn Thu Hương, sinh năm 1988, hiện đang học thạc sĩ ngành phát triển kinh doanh của trường Đại học Umeå, cho hay.

Trong trường có nhà thờ và đặc biệt còn có căn phòng với nhiều ánh sánh và mở nhạc du dương để các bạn sinh viên thư giãn, tâm sự khi cảm thấy buồn vì nhớ nhà, hay căng thẳng về chuyện học hành, thi cử.

Trần Phạm Tấn Hưng sinh năm 1991 đang học thạc sĩ cùng ngành với Hương cho hay, dù tiếng anh đã đạt điểm Toefl và Ielts để du học, nhưng khi sang bên này, các môn học đều bằng tiếng Anh, sinh viên phải thuyết trình và học nhóm nhiều nên ban đầu Hưng cũng khá rụt rè và mất tự tin. Trong khi đó, các thầy và sinh viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau, có người nói tiếng Anh dễ nghe và có người thì hơi khó nghe.

Từ trái qua phải: Nguyễn Thu Hương, Nguyễn Thu Vân và Trần Phạm Tấn Hưng đều đang theo học thạc sĩ tại trường Đại học Umeå
Từ trái qua phải: Nguyễn Thu Hương, Nguyễn Thu Vân và Trần Phạm Tấn Hưng đều đang theo học thạc sĩ tại trường Đại học Umeå

"Tuy nhiên, giao lưu nhiều, nói nhiều và tham gia làm việc nhóm đã giúp chúng em trau dồi tiếng anh. Các bạn Thụy Điển và các nước khác cũng rất vui vẻ giúp chúng em chỉnh sửa phát âm, diễn đạt cho chuẩn hơn. Các thầy cô đều rất cởi mở tạo điều kiện cho sinh viên đặt câu hỏi và sẵn lòng trả lời các câu hỏi của chúng em", Hưng nói.

"Người Thụy Điển trông lạnh lùng nhưng nhiệt tình đến không ngờ"

Lê Ngọc Hà đang học thạc sĩ về quản lý kinh tế tại trường Đại học Lund cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ khi sang môi trường sống và học tập mới. Hà giành học bổng của Viện Nghiên cứu Thụy Điển cho khóa học 2 năm tại đây.

"Tính em khá trầm và nội tâm nên phải mất cả tháng đầu em mới bớt cảm giác nhớ nhà vì từ bé chưa xa gia đình lâu như thế. Vẻ thanh bình đến ngỡ ngàng của thành phố Lund lại làm em nhớ cái ồn ào, náo nhiệt của phố phường Hà Nội, nhớ những lúc được cùng bạn bè đi ăn vặt ngoài phố cổ.

Thời tiết ở đây cũng rất khác với Hà Nội vì mưa nhiều, trời tối nhanh, nên nhiều khi tương đối bất tiện cho việc đi lại, nhất là hồi mới sang còn chưa thông thạo giao thông công cộng ở đây", Hà nói.

Dù đã tìm hiểu nhiều về Thụy Điển trước khi sang học, nhưng Hà vẫn không khỏi lạ và nhiều khi thấy mình "ngố" quá. Lần đầu đi siêu thị, Hà quên không để ý xếp hàng khi thanh toán mà cứ đi thẳng vào quầy thu ngân.

Bị nhắc, Hà mới nhớ ra rồi đi xuống cuối, xếp hàng chờ thanh toán dù chọn đồ xong sớm. Tại các căng tin của trường, sinh viên cũng xếp hàng để lấy đồ ăn và khi ăn xong thì tự động mang bát đĩa ra khu vực chờ rửa bát.

 

 

Lê Ngọc Hà (thứ 3 từ trái) cùng các sinh viên quốc tế tại trường Đại học Lund (Ảnh: Gunnar Menander)
Lê Ngọc Hà (thứ 3 từ trái) cùng các sinh viên quốc tế tại trường Đại học Lund (Ảnh: Gunnar Menander)

Vào các ngân hàng cũng vậy, khách hàng thường phải bấm máy, lấy số xếp hàng chờ đến lượt mình mới được vào từng quầy để giao dịch, hay làm thủ tục. Ở Thụy Điển, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp văn hóa xếp hàng ở bất cứ đâu, thậm chí khi vào nhà vệ sinh ở khu vực công cộng như sân bay, siêu thị, bệnh viện...

"Tuần đầu sau khi nhập học, nhà trường tổ chức rất nhiều hoạt động tập thể để du học sinh giao lưu với sinh viên Thụy Điển. Các bạn Thụy Điển còn mời chúng em đến nhà nấu ăn và giới thiệu các món truyền thống của đất nước họ. Trông bên ngoài, người Thụy Điển có vẻ khá lạnh lùng, không để ý đến người khác nhưng khi cần họ giúp, họ rất nhiệt tình đến không ngờ", Hà cho biết.

Cảm giác nhớ nhà và buồn cũng nhanh chóng trôi qua khi Hà được gặp gỡ với các bạn sinh viên quốc tế. Cuộc sống ở Thụy Điển thanh bình, bình đẳng, môi trường trong sạch và có rất nhiều cây xanh nên cảm thấy rất thư giãn vì luôn được hòa mình vào thiên nhiên.

Ở Thụy Điển, hiếm khi bạn chứng kiến cảnh tắc đường, dù là vào giờ cao điểm ở thủ đô Stockholm đi chăng nữa và rất dễ bắt gặp cảnh các ông bố đẩy xe nôi hoặc dắt tay con đi trên đường phố, đưa con vào siêu thị mua đồ mà không có vợ đi cùng. Đó là cách các ông chồng chia sẻ công việc với bà xã của mình, một sự bình đẳng vô cùng đáng ngưỡng mộ.

(Còn nữa)

Nam Hằng