"Yêu con bậc nhất nhưng không có kỹ năng dạy con"

“Tôi vẫn luôn tin việc một người suy nghĩ bằng trái tim sẽ biết đau nếu làm sai,biết tha thứ và bao dung nếu yêu, biết thương cảm và biết chia sẻ, lắng nghe.Đặc biệt là với cha mẹ: “Để TÂM nhiều hơn thay vì chỉ ĐỂ Ý”.

Đó là chia sẻ của anh “Chánh Văn” Hoàng Anh Tú với PV VietNamNet về bài học giáo dục nhân cách và kỹ năng sống cho người trẻ từ vụ án Bình Phước.

“Cha mẹ ĐỂ Tâm nhiều hơn thay vì ĐỂ Ý”

Từ vụ án Bình Phước, biết bao người cha người mẹ có con gái trăn trở về việc “dạy yêu” cho con mình. Vậy có công thức nào để “đường hai ngả, người thương thành người lạ”, nhưng cũng không thành kẻ thù không, thưa anh?

Chẳng có công thức nào đâu ngoài việc chúng ta cần phải để tâm đến nhau nhiều hơn. Không chỉ cha mẹ mà còn cả bạn bè với nhau. Tôi vẫn cứ nghĩ nếu như Hải Dương chịu mở lòng chia sẻ với ai đó về nỗi đau mất tình của mình thì cậu ta sẽ được “giải độc” cho trái tim. Về phía Hải Dương, tôi lục tung nhiều bài báo lên mà không tìm ra một người bạn nào của Dương ngoài Tiến – người bạn ngây ngô, phục tùng và hám tiền. Dường như Dương bị “nhốt” trong nỗi đau quá lâu khiến cậu ta đi tới việc kinh hoàng vậy.

Là anh Chánh Văn suốt 12 năm của báo Hoa Học Trò, anh nhận định gì về tình yêu của thế hệ người trẻ hiện nay?

-Không có tình yêu thời nay hay tình yêu thời xưa, không có người trẻ bây giờ hay người trẻ hồi đó. Tình yêu thì muôn đời vẫn thế và người trẻ thế hệ nào cũng vậy. Đều cuồng nhiệt và nông nổi đến mông muội, ngây thơ như nhau. Nếu có khác thì chỉ khác về những phương tiện truyền tải tình yêu hay cách thể hiện tình yêu. Tôi nghĩ, trong mọi chuyện đã xảy ra, đừng nghĩ đó là bởi tuổi trẻ ngày nay khác ngày xưa hay tình yêu ngày nay khác ngày xưa.

Từ vụ án Bình Phước, tình yêu của người trẻ nên được gia đình và nhà trường định hướng như thế nào, bởi tình yêu không phải chỉ là chuyện của một người?

Sau khi vụ án xảy ra, tôi có đọc rất nhiều những câu chuyện của mọi người về việc nên hay không nên ngăn cản con cái. Mọi người dùng câu chuyện này để tự tỉnh thức với nhau. Quan điểm của tôi thì vụ án này không ẩn chứa bài học nào về dạy con hay đối xử thế nào với tình yêu cả. Là mọi người tự suy diễn mà thôi.

Vấn đề duy nhất ở đây chỉ là tâm lý bất ổn ở Nguyễn Hải Dương. Còn với mọi người, như tôi đã từng viết trên Facebook của mình: Hãy đối thoại, trò chuyện và lắng nghe nhau nhiều hơn. Và giáo dục cần dạy thêm về lòng hướng thiện, bao dung!

Bình Phước, kỹ năng sống, Chánh Văn, giáo dục gia đình, hướng thiện, bao dung
Cha mẹ cần để tâm nhiều hơn thay vì để ý, hãy đối thoại, trò chuyện và lắng nghe con nhiều hơn. (Ảnh minh họa)

Sức hút từ thế giới ảo chứng tỏ cha mẹ không hấp dẫn bằng”

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm chỉ ra rằng tội phạm trẻ ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn hành vi phạm tội. Theo anh, báo chí, phim ảnh, sách báo, mạng xã hội, game online đầy rẫy tính bạo lực, thiếu tính giáo dục, định hướng đã ảnh hưởng tới nhân cách của người trẻ hiện đại như thế nào?

Tôi nghĩ đây là vấn đề của toàn cầu chứ không phải chỉ với giới trẻ Việt Nam. Tại các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Thuỵ Điển… vấn đề này cũng làm nhức nhối các bậc phụ huynh, các chuyên gia về con người. Ở ta, vấn đề này đã có không dưới 1.000 bài báo – hội thảo – đối thoại về nó. Nó ảnh hưởng thế nào thì chúng ta đều đã rõ. Việc cần giải quyết là kiểm soát và quản lý nó thế nào mà thôi!

Những ngày qua rất nhiều Fanpage Hải Dương được lập và hình ảnh trên những trang này được chia sẻ ngút ngàn trên Facebook, thậm chí có những bình luận vô cảm về nạn nhân xấu số. Phải chăng, người trẻ hiện đại đang quá manh động, hành động bản năng, hoang dã và vô cảm?

Tôi nghĩ đó là sự lệch lạc của một số người trẻ vì thiếu định hướng, giáo dục. Họ suy nghĩ - hành động một cách tự phát, bản năng. Có khi chỉ là sự hả hê khi phát hiện ra cái ác, phát tán cái ác như một cách thể hiện mình hiểu biết. Họ đáng thương nhiều hơn đáng giận.

Đối với các em, thế giới ảo (mạng xã hội, các game ảo,…) luôn hấp dẫn hơn những bài học “toàn chữ” trong sách vở và những lời “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” từ cha mẹ. Vậy theo anh, có một bí quyết nào để cha mẹ đưa “hươu con” chạy đúng đường?

- Tôi nghĩ việc dạy con, vẽ đường cho con chạy đòi hỏi cha mẹ phải biết lắng nghe con, hiểu con và hiểu cả những gì đang diễn ra. Chứ cha mẹ không hiểu thế giới ảo thì làm sao nói được con một cách thuyết phục, có dẫn chứng?

Trên tất cả, việc con cái bị hấp dẫn bởi thế giới ảo chỉ ra rằng chính cha mẹ, cuộc sống gia đình đã không hấp dẫn bằng, không khiến con được lắng nghe, chia sẻ bằng.

Như gia đình tôi, tôi vẫn cho các cháu dùng Facebook nhưng luôn định hướng và kiểm soát ngầm bằng công cụ cũng như kinh nghiệm chơi Facebook của chính mình. Hãy cho các con được thể hiện bản thân nhiều hơn trong tầm nhìn của mắt mình thay vì cấm đoán để các con giấu giếm.

Bình Phước, kỹ năng sống, Chánh Văn, giáo dục gia đình, hướng thiện, bao dung
Cha mẹ nên kiểm soát ngầm việc chơi Facebook của con cái bằng công cụ cũng như kinh nghiệm chơi Facebook của chính mình. Ảnh minh họa

“Người Việt yêu con bậc nhất nhưng không được trang bị kỹ năng dạy con”

Từ vụ án ở Bình Phước, có thể thấy, người trẻ đang thừa kiến thức sách vở và thiếu kỹ năng sống và các giá trị đạo đức nhân bản. Nhiều bậc cha mẹ đổ lỗi cho nhà trường. Tuy nhiên, “tiên trách kỉ hậu trách nhân”, người trẻ sa ngã, các bậc phụ huynh cũng nên nhìn lại trách nhiệm của bản thân. Anh nghĩ sao về điều này?

Tôi đồng tình rằng không phải bởi nhà trường dù quả thực nhà trường đang chạy theo những thành tích hơn là thành quả. Giáo dục một con người am hiểu hơn là giáo dục một con người thấu hiểu. Và gia đình thì luôn phó mặc cho nhà trường bởi chính các bậc cha mẹ cũng không được trang bị hiểu biết. Thế nên thay vì đổ lỗi cho nhà trường, cha mẹ nên học cách dạy con nhiều hơn!

Gia đình là gốc rễ, là nền tảng tinh thần của mỗi con người. Đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, có nhận định cho rằng “80% gia đình Việt Nam giờ chỉ còn cái vỏ”. Theo anh, thực trạng này đã góp phần đẩy người trẻ vào con đường sai lầm như thế nào?

- 80% là con số giật mình và hơi tiêu cực. Người Việt yêu con có thể nói là bậc nhất khi chúng ta đều thấy trước cổng trường luôn rất đông các cha mẹ đưa đón con dù đứa con đã 18 tuổi. Chỉ là cha mẹ Việt không được trang bị kỹ năng dạy con thôi. Vẫn dạy con bằng bảo bọc và cấm đoán thì đương nhiên, với người trẻ, “nhiệm vụ” phá rào sẽ được đưa lên hàng đầu. Mỗi khi phá rào được thì đám trẻ sẽ reo vui và cảm thấy vô cùng phấn khích. Đó chính là cách để đám trẻ đi sai đường một cách nhanh nhất.

Anh có cho rằng, các lớp kỹ năng sống cha mẹ cho con tham gia vào mỗi dịp hè là giải pháp tối ưu cho con em đủ bản lĩnh ứng phó với những tác động tiêu cực của xã hội và môi trường sống xung quanh?

Một năm có 4 mùa mà chỉ học 1 mùa hè rồi nghỉ hè 3 mùa còn lại thì mọi kiến thức kỹ năng học được chỉ làm đầy lên “hồ sơ” của mỗi người mà thôi. Tôi vẫn nghĩ cha mẹ cần phải học hơn là tụi trẻ.

“Giáo dục cần dạy thêm về lòng hướng thiện, bao dung!”

Gần đây, trên trang cá nhân, anh có đề cập đến quan niệm “nếu chúng ta được học về trái tim nhiều hơn luyện về trí não, hẳn chúng ta sẽ không tước đoạt mạng sống của người khác dễ dàng như vậy!” Phải chăng, trái tim chính là chìa khóa vàng “buông bỏ sân si, hóa giải hận thù”?

Là tôi nghĩ vậy! Tôi vẫn luôn tin việc một người suy nghĩ bằng trái tim sẽ biết đau nếu làm sai, biết tha thứ và bao dung nếu yêu, biết thương cảm và biết chia sẻ, lắng nghe. Đặc biệt là với cha mẹ: Để TÂM nhiều hơn thay vì chỉ ĐỂ Ý.

Thay vì yêu lầm người, người trẻ nên quay sang tự yêu lấy chính mình. Thay vì chạy theo các giá trị sống ảo, hãy sống thật. Thay vì “đào mỏ” từ người khác, sống dựa vào thành quả của người khác, hãy sống bằng thành quả của chính mình tạo ra. Theo anh, “tự yêu” có phải là bài toán khó đối với người trẻ hiện đại?

- Trên trang cá nhân của tôi có 10 bài thì đến 9 bài tôi vẫn nói với các fan của mình về việc yêu lấy bản thân mình, trân quý bản thân và gìn giữ bản thân. Tuy nhiên, một khi yêu ai đó rồi thì việc yêu bản thân mình cũng rất khó. Đặc biệt việc học yêu lấy bản thân mình không phải chỉ là chuyện học một lần là xong. Đến như chính bản thân tôi năm 20 tuổi cũng từng hận người tự cắt tay mình (cho đau thôi chứ không phải tự tử). Điều gì cũng cần phải được học mỗi ngày và học suốt đời.

Theo anh, “Tự yêu” có nên được đưa vào bài học giáo dục đạo đức và kĩ năng sống trong gia đình và nhà trường?

Cách học “tự yêu” là cách dạy người trẻ về trái tim nhân hậu. Tôi nghĩ nên dạy các em làm điều tử tế và tha thứ nhiều hơn.

Xin cảm ơn anh!

Theo Vietnamnet