Vì sao nghệ thuật chế tác đồng hồ xa xỉ lại chọn chất liệu Ceramics?

(Dân trí) - Bạn có thể sẽ "sốc" khi biết rằng, có những chiếc đồng hồ trị giá tương đương một căn biệt thự nhưng được làm từ Ceramics, loại chất liệu mới trong nghệ thuật chế tác đồng hồ xa xỉ mà rất nhiều hãng đang thử sức.

Trong tiếng Anh, có một số từ ngữ khác nhau dùng để chỉ gốm sứ, ví dụ như Porcelain, Pottery hay Ceramics. Dịch ra tiếng Việt một cách chung chung thì tất cả những từ này đều có thể dùng để chỉ đồ vật bằng chất liệu gốm sứ, nhưng những ứng dụng của nó lại hoàn toàn khác nhau. Trong đó, Ceramics thực chất là lại bắt nguồn từ tên gọi của một nhóm chất liệu hoá học đặc biệt, và chỉ riêng Ceramics đã có hơn 4.000 định dạng trên thế giới.

Để cắt nghĩa sâu hơn, trong công nghiệp có bốn loại nhóm chất liệu chính thường được sử dụng, bao gồm Kim loại, Polymers, Ceramics và Hợp chất. Ceramics trong trường hợp này là tên gọi của một họ các chất rắn vô cơ mà không phải là kim loại. Những chất liệu thuộc họ Ceramics không phải chỉ là những loại gốm sứ thông thường làm ra gạch ngói hay bát đĩa, mà ngay cả Kính, Kim Cương và Than Chì cũng đều nằm trong nhóm Ceramics. Tinh thể Sapphire được sử dụng làm các chân kính siêu cứng trong các cỗ máy đồng hồ cũng là một loại Ceramics.

Vì vậy trước tiên nếu bạn có nghe đến chất liệu Ceramics, điều đó không có nghĩa chỉ đơn giản là các loại gốm sứ trong cuộc sống hàng ngày mà thực ra là một họ các chất liệu có độ cứng siêu lớn như Kim cương, Sapphire, vv.


Vật liệu Ceramics kỹ nghệ dưới lớp kính hiển vi.

Vật liệu Ceramics kỹ nghệ dưới lớp kính hiển vi.

Tại sao Ceramics lại được các thương hiệu đồng hồ siêu sang ưa chuộng?

Thứ nhất, Ceramics được dùng để chế tác trong xu hướng trang sức và đồng hồ xa xỉ ngày nay hoàn toàn khác với gốm sứ dễ vỡ thông thường. Ceramics có độ cứng siêu hạng, gấp 3 đến 4 lần độ cứng của thép không gỉ. Vỏ đồng hồ làm từ Ceramics rất khó có thể bị xước. Một số hãng đồng hồ dùng các mạ PVD hay DLC lên ngoài vỏ thép không gỉ để chống xước cho vỏ đồng hồ. PVD và DLC cũng đều là Ceramics, viết tắt của “Diamond like carbon” - một vật liệu cacbon có độ cứng gần như Kim Cương.

Thứ hai, ngoài độ cứng Ceramics còn có khả năng chịu mài mòn cực tốt. Đó là lý do vì sao Ruby - cũng thuộc nhóm Ceramics được dùng làm chân kính trong các vị trí chủ yếu của cỗ máy đồng hồ giúp cỗ máy có thể chạy hàng chục năm trời không sai sót.

Mặt sau lộ máy và chân kính của Đồng hồ Richard Mille RM 07-01 phiên bản ceramic trắng (ATZ Ceramics) có giá khoảng 2,6 tỷ đồng. Ngoài màu trắng, RM 07-01 còn có thêm phiên bản ceramic nâu (TZP Ceramics) dành cho các quý ông ưa màu tối.
Mặt sau lộ máy và chân kính của Đồng hồ Richard Mille RM 07-01 phiên bản ceramic trắng (ATZ Ceramics) có giá khoảng 2,6 tỷ đồng. Ngoài màu trắng, RM 07-01 còn có thêm phiên bản ceramic nâu (TZP Ceramics) dành cho các quý ông ưa màu tối.

Thứ ba, Ceramics khá nhẹ, khối lượng riêng vào khoảng 3g/cc, nhẹ hơn nhiều so với thép không gỉ (8g/cc) và titan (4.5g/cc). Ceramics có độ đặc tương đương nhôm (2.7g/cc). Độ đặc thấp cùng với độ cứng cao khiến vật liệu này được sử dụng để làm rất nhiều trong ngành hàng không vũ trụ và ngành quân sự, ví dụ như những lớp áo giáp trọng lượng nhẹ mà có thể chống đạn hoặc làm phân tán năng lượng của những tác động tốc độ cao. Tóm lại, những chiếc đồng hồ làm từ Ceramics rất nhẹ và đôi khi có thể chống đạn. Khả năng vượt trội này cũng là điều mà những nhà sưu tầm đồng hồ xa xỉ hoặc giới thượng lưu yêu thích.


Đồng hồ Chanel Premier Ceramic and Diamonds Ladies với hai phiên bản ceramic trắng và đen có giá hơn 566 triệu đồng.

Đồng hồ Chanel Premier Ceramic and Diamonds Ladies với hai phiên bản ceramic trắng và đen có giá hơn 566 triệu đồng.

Tiếp nữa, giống như Titan, Ceramics rất trơ và sẽ không bị ăn mòn hay gây dị ứng. Trên thực tế, thứ mà khiến Titan trơ và không bị ăn mòn như vậy là lớp oxit bao phủ trên bề mặt. Nếu như chiếc vỏ đồng hồ Titan bị xước mất lớp Titan trên bề mặt, ngay lập tức lớp kim loại bên dưới sẽ oxy hoá và tạo ra một lớp Ceramics. Từ đó bạn có thể mường tượng được mức độ trơ của vật liệu Ceramics và hoàn toàn có thể tin tưởng chiếc đồng hồ Ceramic của mình không bao giờ gỉ hay bị ăn mòn.


Đồng hồ Jaquet Droz Lady 8 Ceramic với hai phiên bản mặt đồng hồ từ ceramics trắng và đen.

Đồng hồ Jaquet Droz Lady 8 Ceramic với hai phiên bản mặt đồng hồ từ ceramics trắng và đen.

Ceramics được hình thành từ những thành phần tinh khiết như oxit, cacbua, nitrit … Hầu hết các thành phần tinh khiết này là hợp chất của kim loại với oxy, nito hay cacbon …. Đây là một trong những nhóm chất liệu siêu phong phú, với hơn 4000 biến thể khác nhau. Do vậy nếu cùng gọi là đồng hồ chế tác từ Ceramics nhưng các hãng Richard Mille, Channel hay từ Jaquet Droz chưa chắc đã có chung nguồn gốc và phương thức chế tác ra chất liệu này.

Trên thực tế, mỗi nhà sản xuất đều bảo mật rất chặt chẽ về loại chất kết dính và bí quyết tạo sắc tố của riêng họ vì quá trình này là rất phức tạp và cần nghiên cứu riêng. Mới đây thương hiệu Richard Mille đã phát minh ra một loại Ceramics đặc biệt với hai tên gọi: ATZ Ceramics (hợp chất giữa zirconium và Alumnium oxide) - dành cho chế tác các loại ceramic trắng và xanh da trời; TZP Ceramics (hợp chất giữa zirconium và yttrium) - dành cho chế tác các loại Ceramics màu đen, nâu và xanh lá cây.


RM 38-01 lấy cảm hứng từ Bubba Watson với ceramic màu xanh lá (TZP Ceramics) là màu rất hiếm, độ cứng cao, không trầy xước, nhẹ, bền và không bao giờ bị rỉ sét, lão hoá. Giá của chiếc đồng hồ này là hơn 19 tỷ đồng.

RM 38-01 lấy cảm hứng từ Bubba Watson với ceramic màu xanh lá (TZP Ceramics) là màu rất hiếm, độ cứng cao, không trầy xước, nhẹ, bền và không bao giờ bị rỉ sét, lão hoá. Giá của chiếc đồng hồ này là hơn 19 tỷ đồng.

Gia công Ceramics thành các chi tiết trong đồng hồ là một quá trình kéo dài và vô cùng phức tạp. Nung kết bằng nhiệt độ lên đến 1000 độ C hoặc bằng siêu âm supersonic để giúp bột Ceramic tinh khiết định hình thành một chiếc vỏ đồng hồ có hình dạng chính xác rất khó và ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Độ cứng của Ceramics là rất cao nên sau khi nung, công đoạn đánh bóng thực sự là một thử thách và tốn kém.

Điều này cũng đòi hỏi các công đoạn làm phôi trước khi nung, công đoạn thiết kế phải vô cùng chính xác từ trước khi nung để giảm thiểu tốt nhất có thể cho phần đánh bóng. Đây cũng là lý do khiến cho chỉ những hãng đồng hồ cao cấp mới thích thú thử sức với nhóm chất liệu này. Giá thành của một chiếc đồng hồ có vỏ bằng Ceramics thường đắt hơn một chiếc vỏ bằng thép hoặc thậm chí Titan. Chiếc đồng hồ có vỏ Ceramics về mặt giá thành sẽ chỉ xếp sau Vàng và Platinum vì sự khác biệt ở độ hiếm.

Hiện tại đã có rất nhiều thương hiệu lớn từ đồng hồ trang sức cũng như đồng hồ nghệ nhân cũng đang miệt mài nghiên cứu những chất liệu Ceramics đặc biệt. Đây vẫn sẽ là một trong những "trường đua" khó nhằn cho các tên tuổi đồng hồ cao cấp tiếp tục sáng tạo trong những năm tới.

Khôi Linh