Quảng Nam:

Về nơi những người phụ nữ từng "bán tóc nuôi con"

(Dân trí) - Nhiều lúc nghèo đói, túng thiếu những người phụ nữ phải bán đi mái tóc của mình để lấy tiền nuôi con.

Lần theo những con đường bê tông liên thôn bé nhỏ ngoằn ngoèo dưới chân núi chúng tôi tìm đến thôn Thái Sơn (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) giữa cái nắng tháng 5 như đổ lửa. Nơi đây vẫn còn nghèo khó, cuộc sống người dân bao đời vẫn luôn gắn với cái cày, con trâu, đồng ruộng.


Thôn Thái Sơn - Đại Hưng

Thôn Thái Sơn - Đại Hưng

Những tiếng rao “Ai tóc dài, tóc rối bán không?” vẫn thỉnh thoảng vang lên giữa cái nắng trưa oi ả. Tóc - tưởng chừng như chỉ có tác dụng làm đẹp, che da đầu khỏi nắng nóng nhưng nó còn có tác dụng khác cũng đặc biệt không kém. Nhờ vào mái tóc của mình mà không ít những người phụ nữ ở đây từng cứu được con qua cơn bạo bệnh tức thời, hay nuôi con…

Bên trong căn nhà gỗ đã cũ kỹ, chị Lê Thị Ngọc Liên (thôn Thái Sơn, Đại Hưng) tâm sự: “Người dân ở đây bao đời vẫn gắn liền với nông nghiệp nên cuộc sống khá cơ cực, lớp trẻ nhiều người đi làm ăn xa hay đến các khu công nghiệp. Với nghề nông thu nhập nhiều lắm cũng chỉ vài chục ngàn một ngày, thoáng chốc nào tiền cơm, áo, tiền con ăn học… cũng hết. Chưa kể con gái bị bệnh tim mỗi tháng đưa đi viện và tiền thuốc men bao nhiêu cho đủ”.

Về nơi những người phụ nữ từng "bán tóc nuôi con" - 2
Những căn nhà gỗ đã cũ kỹ, gần xuống cấp ở thôn. Cuộc sống khó khăn nên nhiều phụ nữ bán tóc để nuôi con
Những căn nhà gỗ đã cũ kỹ, gần xuống cấp ở thôn. Cuộc sống khó khăn nên nhiều phụ nữ bán tóc để nuôi con

Một lần con trở bệnh, vét sạch tiền trong nhà cũng không đủ đưa con đi viện. Đúng lúc có người rao mua tóc đi ngang qua, như sực nhớ tôi vội gọi người đàn ông lại, may mắn cũng bán được gần 500 ngàn thế là có tiền đưa con đi viện.

Nhiều người phụ nữ ở đây cho biết, ông bà ta ngày xưa từng có câu cái răng cái tóc là góc con người; là phụ nữ hơn ai hết người ta cũng rất tiếc khi bán đi mái tóc của mình. Nhưng vì thương con, vì túng bấn họ cũng đành bán đi mái tóc nuôi dưỡng bấy lâu.

Cây cầu dẫn vào thôn
Cây cầu dẫn vào thôn

Trong thôn còn có nhà của chị Thúy, nhà của chị đã cũ và đang trong tình trạng xuống cấp, vật dụng đáng giá nhất trong nhà cũng chỉ có chiếc tivi đã cũ kỹ. Chị cho biết: “Nhiều lúc không có tiền hay chưa xoay sở kịp tôi cũng đành bán đi mái tóc dài của mình để lo cho con có cái ăn qua bữa. Nhiều lúc cũng thấy tiếc lắm vì nuôi dưỡng khá lâu nó mới được như vậy nhưng nghĩ lại tóc cắt lại dài và cần tiền để lo cho con nên mình cũng đành ngậm ngùi bán đi mái tóc này”.

Theo tìm hiểu của PV, nếu mái tóc dài, dày, mượt được mua với giá từ 750 ngàn đến 1 triệu đồng. Còn tóc dài ngang eo hay chấm lưng thì giá từ 350-600 ngàn đồng. Tùy theo chất lượng và độ dài ngắn khác nhau mà tóc được người buôn định giá cao hay thấp.

Theo anh Quy - một người mua tóc lâu năm - cho biết: “Chúng tôi chủ yếu tìm đến các vùng quê xa để mua tóc vì ở đây họ còn giữ được mái tóc dài và đen. Mua ở thành thị hay nơi gần phố thì hiếm lắm, ngày nay phụ nữ hay thích cắt ngắn hoặc nhộm màu nên tóc không đẹp. Tùy theo chất lượng và độ dài ngắn mà có giá khác nhau. Tóc sau khi mua sẽ được mang đến bán tại các điểm hớt tóc hay cơ sở tạo tóc giả để bán”.

Tâm sự với PV, chị Trần Thị Mận – một người dân ở thôn Thái Sơn (xã Đại Hưng) cho biết, nhiều lúc túng thế các chị em phụ nữ trong làng cũng đành bán đi mái tóc của mình. Không ai muốn như vậy vì cực chẳng đã người ta mới nghĩ đến hạ sách này. Cắt tóc bán đi chị em cũng đánh đổi nhiều thứ lắm, ngoài mất đi vẻ duyên dáng, đẹp đẽ của người phụ nữ nhưng họ cũng khá ngại khi người ta biết lý do tóc ngắn của mình, đành bỏ ngoài tai những lời của thế gian.

Một người đàn ông trong thông Thái Sơn cho biết: “Nhiều lúc người chồng đi làm về cũng tá hỏa với mái tóc của vợ mình, vì ai cũng thích phụ nữ để tóc dài cho đẹp. Nhưng sau khi biết lý do chúng tôi càng thương họ hơn, cũng chỉ tại cái nghèo đeo bám cuộc sống. Nhìn cảnh ấy cũng xót xa lắm, phần thương vợ con, phần trách mình chưa tròn bổn phận”.

N.Linh-C.Bính