Công dân Thủ đô ưu tú 2016:

Từ cô bé mồ côi đến nữ Giám đốc đầu tiên của Làng trẻ SOS

(Dân trí) - Khi mới gặp bà Tạ Thị Ngọc Thanh (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy), ít ai tưởng tượng được một người phụ nữ với vóc dáng nhỏ nhắn như thế, cách đây gần 30 năm từng là nữ giám đốc đầu tiên đầy mạnh mẽ, bản lĩnh của làng trẻ SOS.

Với những cống hiến trong cả cuộc đời cùng tấm lòng thiện nguyện dạt dào, bà Tạ Thị Ngọc Thanh là 1 trong 9 cá nhân được đề cử, xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” nhân kỉ niệm 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2016).

Bức ảnh bà Thanh (áo đen) chụp chung với Tổng Bí thư Đỗ Mười nhân dịp Tổng Bí thư ghé thăm Làng SOS.
Bức ảnh bà Thanh (áo đen) chụp chung với Tổng Bí thư Đỗ Mười nhân dịp Tổng Bí thư ghé thăm Làng SOS.

Dù đã bước sang tuổi 74, nhưng bà Thanh vẫn rất nhanh nhẹn. Ẩn sau đôi mắt đục ngầu màu thời gian là biết bao những câu chuyện chìm nổi của một đời người. Vừa lật giở những bức ảnh đã ngả màu chụp chung với Tổng Bí thư Đỗ Mười, Đại sứ Na Uy ,…, bà Thanh vừa ngậm ngùi: “Cuộc đời có bao nhiêu trắc trở, chắc tôi cũng trải qua hết rồi. Nhưng chính nhờ khó khăn tôi luyện mà có được tôi như ngày hôm nay”.

“Tuổi thơ tôi thiếu vắng tình cảm gia đình”

“Mất mẹ từ khi mới 2 tuổi, nhưng lúc đó còn quá bé để hiểu thấu nỗi đau. Đến năm 12 tuổi, tôi mồ côi”, bà Thanh nhớ lại. Về sau, bà chuyển về sống nương nhờ họ hàng. Những tưởng từ đây, bà sẽ được bù đắp về tình cảm, được che chở bằng tình thương ruột thịt. Nhưng dường như, nỗi đau tinh thần mà cô bé mồ côi thuở ấy phải gánh chịu còn lớn hơn.

Bà Thanh có vóc dáng nhỏ bé và nụ cười hồn hậu.
Bà Thanh có vóc dáng nhỏ bé và nụ cười hồn hậu.

Buổi sáng, bà được cắp sách đến trường như những người bạn đồng trang lứa. Nhưng khi về đến nhà, một tay bà đảm đương mọi công việc, từ quét dọn cho đến nấu cơm, giặt đồ. Bà vẫn còn nhớ như in những tháng ngày phải “vật lộn” với than củi, bếp núc, một mình chuẩn bị bữa cơm cho 20 người trong gia đình người bác.

Nhưng đó chưa phải điều khiến bà tủi thân nhất. Ham học, thích sách, nhưng tối nào bà cũng phải học dưới ánh sáng vàng mờ của bóng đèn đường. Bà kể: “Tôi vừa giở sách ra, bác đã bảo “Không có điện để học đâu”. Thế là lại ra đường ngồi. Cái nỗi tủi thân đó thật không gì diễn tả nổi”.

Chính những tháng ngày cơ cực đã khiến bà Thanh thêm nuôi ý chí, động lực, quyết tâm trở thành người phụ nữ mạnh mẽ, bản lĩnh.

Năm 1987, tổ chức SOS quốc tế và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thành lập dự án xây dựng Làng trẻ SOS đầu tiên của thành phố. Đây sẽ là mái nhà chung của các em nhỏ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Là người được học tập bài bản về chuyên ngành tâm lý giáo dục, lại nghiên cứu về cải cách mầm non, bà Thanh được bà Trần Thị Tâm Đan - khi ấy là Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị về làm Giám đốc Làng trẻ SOS.

Bà Tạ Thị Ngọc Thanh cũng là người phụ nữ đầu tiên trên Thế giới nắm giữ trong trách cao cả mà cũng rất nặng nề này. Bởi theo quy ước của tổ chức SOS Quốc tế, Giám đốc Làng trẻ SOS phải là đàn ông, như vậy mới đảm nhiệm được vai trò của người cha tinh thần, cân bằng mọi hoạt động của làng trẻ. Nhưng với tình yêu thương trẻ thơ, cộng thêm tấm lòng nhiệt huyết, tận tâm, bà đã khiến Giám đốc tổ chức SOS Quốc tế cảm động.

Dành cả cuộc đời để cho đi tình yêu thương…

Nhớ những ngày đầu đảm nhiệm trọng trách tại Làng trẻ SOS, bà Ngọc Thanh tâm sự: “Khi đó tôi vừa trông coi việc xây dựng, vừa tổ chức công tác tìm kiếm, đào tạo cán bộ, lại vừa khảo sát và tiếp nhận trẻ… Là trại trẻ đầu tiên, chưa có hình mẫu nào để học tập nên lúc đầu, công tác vận hành còn gặp nhiều khó khăn”.

Bà Thanh (thứ 6 từ trái sang) cùng các đại diện của làng trẻ SOS trên khắp thế giới.
Bà Thanh (thứ 6 từ trái sang) cùng các đại diện của làng trẻ SOS trên khắp thế giới.

Trong làng SOS, thỉnh thoảng có những trường hợp “cá biệt”, chỉ cần sơ sẩy một chút có thể dễ đánh mất bản thân. Lúc này, bà lại dành sự quan tâm cho các con nhiều hơn, bởi “Cái ưu, cái nhược trong chúng trộn lẫn. Phải uốn nắn, dạy dỗ bằng mọi cách, chứ để buông bỏ thì đơn giản lắm. Mình không yêu thương, mở lối thì chúng còn nương tựa được vào ai?”. Vất vả trăm bề, nhưng người phụ nữ nhỏ bé ấy chưa bao giờ có ý định chùn chân.

Bà nhận được nhiều Huân chương, Huy chương của chính phủ, thành phố.
Bà nhận được nhiều Huân chương, Huy chương của chính phủ, thành phố.

Trong suốt 10 năm, bà san sẻ mọi điều, tận tình dạy dỗ những đứa con bất hạnh, cho chúng tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc mà trước đây chính bà từng khát khao.“Nuôi dạy hàng chục đứa con thơ, tôi quan sát và dùng trực giác của mình để phán đoán điểm mạnh, điểm yếu của mỗi đứa trẻ, từ đó có phương pháp giáo dục cho phù hợp. Nhiều con giờ đã rất thành công, có con là Tiến sĩ sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Thỉnh thoảng, các con lại về thăm mẹ, cùng ôn lại chuyện cũ. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng”.

Về hưu, bà không nghỉ ngơi mà tích cực tham gia các hoạt động của phường, giữ vai trò Chủ tịch Hội khuyến học. Hàng năm, bà dành hơn 20 triệu đồng để đỡ đầu 12 cháu nhỏ và ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Bà luôn quan niệm: “Mình làm việc không phải vì tấm bằng khen, giấy khen, mà xuất phát từ cái tâm, cái đức. Quan trọng hơn nữa, thấy mọi người xích lại gần nhau, giảm bớt cho họ cái khó khăn, cơ cực, như thế tức là việc làm của mình được trọn vẹn rồi”.

Bài và ảnh: Hoàng Ngọc