Thực trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

(Dân trí) - Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện nay đang có tình trạng người dân lạm dụng thuốc kháng sinh để dùng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, dẫn đến những tác hại rất lớn cho chính nền sản xuất nông nghiệp và sức khỏe của con người.

Cục Thú y cho biết, hiện nay cả nước có tổng số 10.064 sản phẩm thuốc thú y được phép lưu hành, ba gồm 6.746 sản phẩm được sản xuất trong nước và 3.318 sản phẩm nhập khẩu. Cục Thú y đã và đang rà soát để rút khỏi Danh mục được phép lưu hành khoảng 1.052 sản phẩm.

Người dân đang sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản 1 cách tràn lan, khó kiểm soát (Ảnh minh họa internet).
Người dân đang sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản 1 cách tràn lan, khó kiểm soát (Ảnh minh họa internet).

Thuốc thú y sản xuất trong nước đáp ứng trên 70% nhu cầu của thị trường tiêu dùng. Ngoài ra, hiện đã có gần 1.000 loại thuốc thú y của Việt Nam được xuất khẩu đến trên 40 nước trong khu vực và trên thế giới, kể cả các thị trường khắt khe như Hà Lan, Bỉ, Nga,…số lượng thuốc thú y xuất khẩu có chiều hướng gia tăng, với giá trị xuất khẩu thuốc thú y năm 2014 trên 18 triệu USD, năm 2015 trên 20 triệu USD.

Theo Cục Thú y, trong số các sản phẩm thuốc thú y trong nước có 4.637 (chiếm 68,7%) sản phẩm có chứa kháng sinh; được sản xuất từ 55 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt theo qui định về thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP).

Trong số các sản phẩm thuốc thú y nhập khẩu có 1.600 (chiếm 48,2%) sản phẩm có chứa kháng sinh; được sản xuất từ 345 nhà sản xuất của 49 nước. Việt Nam phải nhập hoàn toàn nguyên liệu thuốc kháng sinh từ các nước, nhiều nhất là từ Trung Quốc. Tổng số kháng sinh nguyên liệu nhập khẩu tăng từ năm 2015 (51 sản phẩm) đến năm 2016 (57 sản phẩm).

Sử dụng kháng sinh tràn lan trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

Cục Thú y cho biết, trong năm 2015, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y khảo sát thực trạng sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh trọng điểm về nuôi tôm (Sóc Trăng và Bạc Liêu: Khảo sát 256 cơ sở nuôi tôm) và nuôi cá Tra (Bến Tre, Đồng Tháp và An Giang: Khảo sát 216 cơ sở nuôi cá Tra) đã có kết quả tổng thể như sau:

Năm 2015, có 472/708 (chiếm 66,7%) cơ sở nuôi tôm và cá tra sử dụng kháng sinh; trong đó có khoảng 50% số cơ sở sử dụng nguyên liệu kháng sinh.

Tại cơ sở sản xuất cá giống: Năm 2015, điều tra tại 139 cơ sở của 3 tỉnh (Bến Tre, Đồng Tháp và An Giang) cho thấy: Có 75,94% cơ sở sử dụng kháng sinh, bao gồm cả sử dụng kháng sinh nguyên liệu (30,69% trong tổng số cơ sở sử dụng kháng sinh). Có 40% cơ sở sử dụng kháng sinh phòng bệnh hoặc phòng cả trị bệnh; Các loại kháng sinh đang sử dụng bao gồm cả việc sử dụng kháng sinh cấm sử dụng và hạn chế sử dụng trong thủy sản: Enrofloxacin, Amoxiline, Florfenicol, Doxycycline, Tetracylin. Một số cơ sở nuôi dùng thuốc Enrofloxacin, Doxycycline, Cefamycin, Rifamycin trong nhân y để điều trị bệnh (An Giang, 2 cơ sở).

Ngoài ra, Cục Thú y thông tin thêm, trong số 146 cơ sở sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm thương phẩm, có 19,86% hộ sử dụng kháng sinh nhân y; 8,91% hộ nuôi sử dụng đồng thời cả kháng sinh nhân y và thú y; 42,47% hộ không rõ là mình đã sử dụng kháng sinh nhân y và thú y; còn lại chỉ sử dụng kháng sinh thú y.

Các hộ sử dụng kháng sinh để phòng bệnh thường được sử dụng từ khi nuôi đến khi tôm được từ 3 tháng tuổi sau thả. Một số hộ vẫn sử dụng thuốc cấm như Enrofloxacin, Chloramphenicol, hoặc sử dụng thuốc trong nhân y để điều trị bệnh tôm như Chloramphenicol 250mg, Doxycycline 100mg, Tetracylin 500mg.

Về vấn đề sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, Cục Thú y thông tin, năm 2015, Cục Thú y cũng triển khai dự án điều tra tình hình sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn tại 5 tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Thái Bình và Nam Định cho thấy: 100% số cơ sở chăn nuôi có sử dụng kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh cho lợn. 68% số cơ sở có sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng. 24,04% số cơ sở tự trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuối để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng, trong đó 1,23% số hộ trộn bằng kháng sinh dạng nguyên liệu.

Các loại kháng sinh được nhiều cơ sở chăn nuôi sử dụng là: Amoxicillin, Tylosin, Tetracyclin, Lincomycin, Gentamycin, Tylosine, Enrofloxacin, Neomycin. Có khoảng 3% số cơ sở đã từng sử dụng loại kháng sinh thuộc Danh mục hạn chế/cấm sử dụng trong chăn nuôi.

So sánh sự khác nhau giữa nguyên liệu kháng sinh thô với thuốc thú y có hàm lượng kháng sinh, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành – Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Kháng sinh nguyên liệu là chưa có tá dược phối chế để cho ra thuốc, hàm lượng kháng sinh đạt 98-99%. Khi vật nuôi ăn vào khỏi bệnh rất nhanh và bao giờ cũng quá ngưỡng điều trị. Còn dùng nguyên liệu kháng sinh này pha chế thành thuốc thú y, khi vật nuôi ăn vào sau 1 thời gian sẽ tự đào thải hết kháng sinh, không còn tồn dư trong thịt, cá nữa.

Nguyễn Dương