DMagazine

Tết của "cậu ấm" phố cổ: Nuôi 10 người ở, làm cỗ linh đình suốt cả tuần

(Dân trí) - Ông Giao trong căn phòng nhỏ ngắm nhìn đôi câu đối cổ. Ông đọc vanh vách từng câu, một người Hà Nội gốc, vẫn còn nguyên vẹn ký ức về một thời "chơi Tết" rạo rực của mảnh đất Kinh Kỳ.

Tết Hà Nội "ăn chơi" trong ký ức của thiếu gia tiệm vàng ở phố cổ

Ông Giao trong căn phòng nhỏ ngắm nhìn đôi câu đối cổ. Ông đọc vanh vách từng câu, một người Hà Nội gốc, vẫn còn nguyên vẹn ký ức về một thời "chơi Tết" rạo rực của mảnh đất Kinh Kỳ.

23 tháng Chạp, ông Giao mặc bộ quần áo chỉn chu sau khi làm lễ cúng ông Công ông Táo theo đúng truyền thống. Ông trở về phòng rồi ngồi trầm ngâm trong không gian được bao bọc bởi hàng chục món đồ, kỷ vật xưa cũ đã được ông bà, bố mẹ của ông và giờ tới ông lưu giữ lại.

Ông Phạm Ngọc Giao (sinh năm 1941) là "cậu ấm" độc đinh của một gia tộc sản xuất vàng thỏi, một thời giàu có "khét tiếng" phố cổ Hà Nội. Bố mẹ ông Giao là cụ ông Phạm Văn Thanh và cụ bà Phạm Thị Tề quê gốc ở làng Châu Khê (xã Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương), nơi nổi tiếng với nghề lọc đãi vàng gia truyền.

Tết của cậu ấm phố cổ: Nuôi 10 người ở, làm cỗ linh đình suốt cả tuần - 1
Tết của cậu ấm phố cổ: Nuôi 10 người ở, làm cỗ linh đình suốt cả tuần - 2

Mang nghề truyền thống lên Hà Nội lập nghiệp, gia đình ông Phạm Ngọc Giao đã một bước đổi đời khi tìm được bí quyết độc đáo trong việc sản xuất vàng thỏi, vàng lá. 18 năm làm nghề đúc vàng gần như không có "nốt trầm", tiệm vàng Sư Tử (The Lion - tên gọi tiếng Anh thời đó) nhà ông Giao mỗi năm sở hữu thêm một căn nhà mặt tiền phố cổ Hà Nội đồng thời gây dựng thành công đế chế vàng thỏi thống trị miền Bắc.

Là "cậu ấm" trong một gia đình giàu có, ông Phạm Ngọc Giao may mắn thừa hưởng nếp sống sinh hoạt quyền quý, thanh lịch của người Tràng An xưa. Hơn ai hết, ông hiểu rõ và nhớ mãi về một thời "chơi Tết" rạo rực của mảnh đất Kinh Kỳ, cái thời mà những đứa trẻ như ông được sống những ngày sung túc nhất.

Trẻ con xếp hàng đợi xin chữ, người lớn tặng nhau câu đối đỏ

Ông Giao với tay chỉ bộ câu đối khắc gỗ được treo trên tường, miệng đọc vanh vách: "Cư gia hữu hằng quy trịnh công trương nhẫn/Xử thế vô biệt pháp liễu thứ lâu khiêm". Đây là cặp câu đối gia đình ông được tặng vào Tết năm 1926. Đến nay, nó là một trong những kỷ vật giá trị nhất trong căn nhà của ông.

Tết của cậu ấm phố cổ: Nuôi 10 người ở, làm cỗ linh đình suốt cả tuần - 3

Nhà ông Giao nằm ẩn mình trong con ngõ nhỏ trên phố Đinh Liệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội), căn nhà cổ 700m2 sau hơn 80 năm đến nay vẫn giữ được vẹn nguyên lối kiến trúc cổ xưa. Đã bốn đời con cháu sinh sống trong không gian này, dấu ấn rêu phong thể hiện rõ qua từng đường nét, chi tiết trong từng khung cửa, cầu thang hay những bức ảnh đen trắng đã bạc màu.

Cũng tại đây, ông Giao được sinh ra và lớn lên trong điều kiện sống vương giả của một thiếu gia thực thụ. Từng món đồ nhỏ còn hiện hữu trong căn nhà đều khiến ông nhớ về thời hoàng kim của gia tộc. Đặc biệt trong những ngày giáp Tết, năm nào cũng vậy, "cậu ấm" nay đã ngoài 80 tuổi những vẫn chọn một bộ quần áo thật đẹp, thắp hương cúng tổ tiên và ngồi lặng yên nhớ về Tết xưa.

"Những người sống với nỗi nhớ và yêu Hà Nội sẽ không bao giờ quên được một giai đoạn chơi Tết của mảnh đất Kinh kỳ" - ông Giao bắt đầu câu chuyện về cái Tết của gia đình mình trong những năm tháng huy hoàng bằng giọng nói êm ru của người Hà Nội.

Tết của cậu ấm phố cổ: Nuôi 10 người ở, làm cỗ linh đình suốt cả tuần - 4

Đó là ngày ông còn là cậu bé lên 10. Mọi ký ức về Tết qua lăng kính của đứa trẻ ngây ngô chưa bao giờ đẹp đẽ đến vậy. Không khí mùa xuân bắt đầu tràn vào Hà Nội, tràn vào 36 phố phường cổ kính bằng sự xuất hiện của những quầy bán tranh Tết rạo rực trên phố Hàng Bồ từ trước đó vài ba tháng.

Không cần đợi đến tận giáp Tết, khi đào Nhật Tân bắt đầu nở rộ dưới nắng xuân ấm áp, hay có sự xuất hiện của mai vàng Sài Gòn vượt qua chặng đường vài ngàn cây số ra đất Bắc như bây giờ.

Trong trí nhớ của ông Giao, con đường đi học của ông lúc bấy giờ qua Hàng Bồ, Hàng Bạc… tràn ngập những ông đồ với áo the khăn xếp ngồi nghiêm trang trên chiếc chiếu hoa trải bên vỉa hè.

Những bức tranh giấy đỏ được luồn dây sắt treo trên mép tường với đủ thứ màu sắc rực rỡ. Đám trẻ con khi ấy có thể ngồi ngẩn ngơ cả ngày ngắm nhìn ông đồ thảo chữ, viết cầu đối hay mân mê mấy bức tranh sáng bừng dưới nắng.

Vì quá say đắm những tín hiệu đầu tiên của Tết nguyên đán nên khi ông đồ già xuất hiện cùng những bức tranh, đám trẻ con nhà giàu bắt đầu dành dụm mấy đồng bạc lẻ được cậu mợ (cách gọi cha mẹ lúc bấy giờ) cho để tự sắm cho mình một bức tranh Đông Hồ tuyệt đẹp từ Thuận Thành (thuộc Bắc Ninh bây giờ) mang sang.

Tết của cậu ấm phố cổ: Nuôi 10 người ở, làm cỗ linh đình suốt cả tuần - 5

"Đó là món quà tuổi thơ đặc biệt nhất của chúng tôi. Thời đó, không dễ để sở hữu một bức tranh Đông hồ vì nó khá đắt đỏ. Đó là thú vui chỉ dành cho những cậu ấm cô chiêu. Chứ không như ngày nay, ai cũng có thể mua được." - Ông Giao kể.

Tết "ăn chơi": Nuôi 10 người ở, cỗ phải thịnh soạn liên tiếp trong 10 ngày

Không khí Tết về phố phường từ rất sớm những chỉ thực sự sôi động từ ngày 23 tháng Chạp. Như đã hẹn trước, vào ngày này tất cả các cửa hàng ở phố cổ Hà Nội sẽ đồng loạt đóng cửa sau khi cúng ông Công ông Táo để toàn tâm chuẩn bị cho Tết nguyên đán. Vì mỗi năm chỉ có một lần và lại có ý nghĩ to lớn trong đời sống của người dân nên Tết Nguyên Đán luôn được các gia đình Hà thành chuẩn bị chu toàn.

Nhà ông Giao khi ấy có tới cả chục người ở, mỗi người đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau: Từ vú bà, sen (cách gọi người giúp việc ngày xưa; thợ lọc vàng; người ở trong nhà… mỗi người đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau dưới sự chỉ đạo của mợ (mẹ) ông.

Mâm cỗ ngày Tết luôn là điều được cậu mợ ông ưu tiên. Cỗ phải đầy đủ và thịnh soạn liên tiếp trong 10 ngày nghỉ. Trong đó, thực phẩm cho Tết chủ yếu là các thức hàng khô, như miến dong, mộc nhĩ, vài đôi gà mua sẵn thả nhốt trong chuồng, ăn đến đâu mới làm thịt đến đó.

"Mâm cỗ Tết luôn là điều gì đó thi vị và đặc biệt nhất. Cỗ tết luôn ngon, có nhiều món cả năm chúng tôi chỉ đợi đến Tết mới được thưởng thức. Bởi vậy, đám trẻ chúng tôi cũng vì mâm cỗ ấy mà ngày nào cũng bồi hồi mong mỏi đến Tết." - Ông Giao khẽ cười.

Mỗi dịp Tết, niềm vui to lớn nhưng cũng giản dị nhất của đám trẻ khi ấy là được quây quần gói bánh chưng cùng gia đình. Ông Giao kể, cứ vào 28 Tết, giúp việc sẽ chuẩn bị toàn bộ nguyên liệu gói bánh, ông và các chị em chỉ loanh quanh ngồi chơi ở sân cùng mọi người nhưng cũng đủ để tận hưởng trọn vẹn không khí Tết.

Nồi bánh chưng khi đó với đám trẻ thơ và ngay cả với những người lớn chính là một điều kỳ diệu của Tết. Gia đình nào cũng cố gắng chuẩn bị lá dong, thịt đỗ, gạo nếp để tự tay gói những chiếc bánh vuông vắn.

Và theo thông lệ, bao giờ trẻ con trong nhà cũng được "ưu tiên" một chiếc bánh mụ - chiếc bánh chưng nhỏ xíu, có dây buộc làm tay cầm. Đấy là phần thưởng để dành cho sự háo hức của lũ trẻ, sau cả một đêm thức cùng cậu mợ canh nồi bánh chưng nghi ngút khói.

Ngày mồng một Tết, trong lúc tụi trẻ con xúng xính quần áo mới, cậu mợ ông Giao tất bật chuẩn bị cho mâm cúng đầu năm. Giúp việc ở lại nhà để phục vụ cả Tết, mỗi người lại một việc theo chỉ đạo của mợ cả: U già đồ xôi, con sen dọn dẹp, quét dọn ban thờ từ hôm trong năm... Việc bày lễ lên bàn thờ, trực tiếp cậu mợ ông Giao luôn tự tay làm.

Tết của cậu ấm phố cổ: Nuôi 10 người ở, làm cỗ linh đình suốt cả tuần - 6
Tết của cậu ấm phố cổ: Nuôi 10 người ở, làm cỗ linh đình suốt cả tuần - 7

Bắt đầu từ ngày mồng một Tết đầu năm, hoạt động du xuân diễn ra rộn ràng khắp 36 phố phường, Phụ nữ sẽ bận lên mình một bộ áo dài mới thướt tha. "Trong trí nhớ tôi, Hà Nội khi đó thật đẹp bởi những người chị, người mẹ duyên dáng trong trang phục truyền thống - Một loại trang phục mà mãi cho tới giờ tôi vẫn luôn yêu." - Ông Giao nhớ lại.

Trong gần 30 ngày nghỉ Tết, người Hà thành thường ưu tiên cho việc đoàn viên, lui tới thăm hỏi người thân, bạn bè. Theo đó, phương tiện di chuyển chính là xích lô, xe kéo. Một cuốc xe kéo đi vòng hết 36 phố Hà Nội ngày đó chỉ là một quãng đường rất ngắn. Mỗi lần đi, một xe mợ ông trả hết 5-10 đồng bạc Đông Dương. Thời đó, không phải ai cũng dám "mạnh tay" chi một số tiền lớn chỉ để chở gia đình du xuân.

Tết của cậu ấm phố cổ: Nuôi 10 người ở, làm cỗ linh đình suốt cả tuần - 8

Và căn nhà nơi ông lớn lên, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm về cái Tết Kinh kỳ của ông hôm nay cũng đã ngập tràn không khí xuân sang.

Đã mấy chục năm trôi qua, "cậu ấm" lý lắc vừa tròn 10 tuổi năm nào nay đã là cụ ông ngoài 80, là trụ cột của một gia đình với hai người con trưởng thành và mấy đứa cháu nhỏ. Trong căn phòng nhỏ của mình, ông Giao vẫn lặng yên ngắm nhìn bức ảnh gia đình chụp từ năm nay qua năm khác như một truyền thống riêng duy trì đến tận hôm nay. Và đâu đó, văng vẳng bên tai tiếng cầu kinh, khúc nhạc giao mùa chào năm mới.

Cái rạo rực của một mùa Tết Kinh kỳ phồn thịnh dường như vẫn còn đó, vẹn nguyên trong ký ức của một công tử người Hà Nội gốc, một người yêu Hà Nội và một người yêu Tết cổ truyền.

Thanh Thúy - Toàn Vũ