Sinh viên mới tốt nghiệp nhận lương 2.000 USD/ tháng, có ảo tưởng?

(Dân trí) - Một số chuyên gia và nhà tuyển dụng CNTT cho rằng mức lương 2.000 USD/ tháng không phải là quá xa vời đối với sinh viên mới tốt nghiệp, thậm chí nhiều bạn trẻ hiện nay đã đạt được con số này ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Việc làm cùng mức lương dành cho các sinh viên mới tốt nghiệp đại học luôn là chủ đề nóng và nhận được sự quan tâm của dư luận. Cách đây không lâu, trong một cuộc hội thảo, một sinh viên Đại học đã mạnh dạn hỏi nhà tuyển dụng : “Em phải học như thế nào để có lương 2.000 USD? Câu hỏi này ngay lập tức làm “nóng” hội trường và “nổ” ra cuộc tranh luận trên các diễn đàn.

Trong bối cảnh 63% sinh viên ra trường không làm được việc, 225.000 cử nhân/ thạc sỹ thất nghiệp, năng suất lao động của 23 người Việt Nam mới bằng 1 người Singapore… thì nhiều người cho rằng vấn đề lương “2.000 USD” mà bạn sinh viên đặt ra là viển vông, thiếu thực tế.

Trong ngày hội “Aptech Job Fair 2017”, vấn đề “lương nghìn USD” cho sinh viên lại một lần nữa được các chuyên gia, khách mời bàn luận. Ông Chu Tuấn Anh - Giám đốc hệ thống đào tạo lập trình viên Aptech cho rằng, mức lương 2.000 USD là mức lương cơ bản cho lập trình viên có kinh nghiệm từ 2 đến 3 năm. Tuy nhiên, hiện nay không ít bạn trẻ nhận mức lương này ngay khi tốt nghiệp. Đặc biệt, ngày càng nhiều bạn trẻ Việt Nam đã chinh phục thành công những đỉnh cao của thế giới, được các trường ĐH danh tiếng như Harvard, Oxford, Cambridge… trao học bổng lớn, rộng cửa chào đón. Rồi rất nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi Quốc tế, ngày càng nhiều bạn trẻ Việt nhanh chóng thành danh tại các Tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Facebook…

Nhiều chuyên gia và nhà tuyển dụng cho rằng, mức lương 2.000 USD không quá khó nếu các sinh viên xác định được mục tiêu và cố gắng theo đuổi được mục tiêu đề ra
Nhiều chuyên gia và nhà tuyển dụng cho rằng, mức lương 2.000 USD không quá khó nếu các sinh viên xác định được mục tiêu và cố gắng theo đuổi được mục tiêu đề ra

Điều đặc biệt, những gương mặt này không phải là những cá nhân có xuất phát điểm đặc biệt mà lại thành công từ những phong trào học tập lan rộng khắp Việt Nam. Không có bất cứ chỉ trích nào về việc đặt mục tiêu là những đỉnh cao đó. Nếu so với mức lương 2.000 USD, thì ông Chu Tuấn Anh cho rằng, những thành công trên mới là đỉnh cao thực sự bởi các em đã dám nỗ lực, dám gạt bỏ sự tự ti để thành công: “Nếu so với những thành công trên của các bạn sinh viên thì ước mơ lương 2000 USD có còn là xa xôi? Phải chăng đã đến lúc, sinh viên Việt Nam cần gạt bỏ sự tự ti, quên đi mục tiêu tầm thường là ra trường làm được việc và tìm được việc, thay vào đó cần dám đặt những mục tiêu lớn lao, nỗ lực chinh phục những mục tiêu đó”, ông Tuấn Anh nói.

Để minh chứng cho điều này, giám đốc hệ thống đào tạo lập trình viên Aptech cũng đặt câu hỏi cho hàng trăm sinh viên có mặt tại buổi hội thảo: “Bao nhiêu em ở đây mong muốn có lương nghìn đô sau khi ra trường”. Hàng trăm cánh tay giơ lên và nhiều tiếng vỗ tay đáp thuận. Nhiều em học sinh, sinh viên dù mới là học năm thứ nhất Đại học nhưng cũng tự tin cho biết, mức lương khởi điểm 2.000 USD là mục tiêu mà các em đề ra sau khi tốt nghiệp ra trường.

Ông Lê Nhân Tâm, cố vấn công nghệ và kiến trúc sư về điện toán đám mây của IBM chia sẻ về kinh nghiệm thành công từ chính những bài học “xương máu” của bản thân. Ông Tâm cho rằng, các bạn trẻ ngày nay có nhiều tố chất để thành công. “Trước đây khi bằng tuổi các bạn bây giờ tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến mức lương “khủng” và cũng chưa bao giờ mạnh dạn dám hỏi những nhà tuyển dụng về con số này”, ông Tâm mở đầu bài chia sẻ. Vị cố vấn công nghệ này cũng cho rằng, trước khi đặt mục tiêu phải đạt được lương bao nhiêu thì các bạn trẻ nên suy nghĩ về vị trí mình có thể làm sau khi ra trường. Từ đó, mới hoàn thiện được các kỹ năng và tiếp cận được thành công. “Trước đây, tôi đi làm thêm từ rất sớm. Khi ở công ty, tôi quan sát xem cách các anh chị trong công ty làm việc. Từ đó, đúc kết các kỹ năng, yêu cầu riêng đối với từng vị trí. Ngay lập tức, tôi đề ra cho mình các kế hoạch 5 năm lần 1, 5 năm lần 2 và từng bước đạt được các mục tiêu này. Tôi nghĩ các bạn cũng vậy. Nếu các bạn muốn làm việc ở các tập đoàn lớn như: Microsfl, IBM… thì hãy lên các trang web tuyển dụng của họ, xem họ yêu cầu các kỹ năng đối với các vị trí tuyển dụng thế nào để mình có kế hoạch hoàn thiện, tiếp cận với các vị trí này. Và đây cũng chính là cách mà tôi đang làm”, ông Tâm nói.

Cũng theo các chuyên gia thì hiện nay CNTT đang được đánh giá là nghành có chính sách đãi ngộ và môi trường làm việc tốt thế nhưng việc tuyển dụng luôn gặp khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là sinh viên chưa có định hướng về những công nghệ mà doanh nghiệp cần, thiếu cơ hội thực tập thực tế, không được chia sẻ và đào tạo các kỹ năng ứng dụng trong tìm việc và làm việc. Từ đó, dẫn đến việc sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu việc làm.

“Vấn đề lương nghìn đô không phải là viển vông nếu các bạn có ý chí, có mục tiêu và quyết tâm thực hiện mục tiêu của mình. Ngược lại, nó sẽ là ảo tưởng nếu người lao động không có gì để cống hiến, và không biết bản thân mình có thể làm được gì.”, một chuyên gia nêu vấn đề.

Hà Trang