Phụ nữ hiện đại - Phá bỏ định kiến giới về nghề nghiệp

Dù không được trực tiếp khẳng định, nhưng nhiều ngành nghề như tài xế, lập trình viên hay đạo diễn vẫn được nhiều người cho rằng đó là những “sân chơi chỉ dành riêng cho những quý ông”. Tuy nhiên, hiện nay, ngày càng có nhiều người phụ nữ độc lập đã quyết tâm đeo đuổi những nghề nghiệp “khó nhằn” này vì đam mê và để “phá bỏ những định kiến giới về nghề nhiệp”.

Phụ nữ hiện đại - Phá bỏ định kiến giới về nghề nghiệp - 1

Nữ tài xế Uber kiêm biên tập viên truyền hình

Lái xe lâu nay vẫn luôn được quan niệm là “nghề dành cho nam giới”. Trong suy nghĩ của nhiều người, hình ảnh cánh mày râu “rong ruổi” trên các cung đường không có gì là xa lạ. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều phụ nữ đã không ngần ngại lựa chọn nghề nghiệp “căng thẳng” này vì nhiều lý do khác nhau.

Ngô Như Quỳnh cũng là một trong những phụ nữ yêu thích nghề “cầm lái”. Được biết đến với tư cách là biên tập viên chính thức của đài truyền hình TPHCM HTV, Ngô Như Quỳnh được khán giả yêu mến với hình ảnh một cô gái mạnh mẽ, hiện đại nhưng không kém phần sâu sắc và nữ tính. Tự nhận là một người “sống hết mình vì đam mê”, Ngô Như Quỳnh đã hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau để trải nghiệm, học nghề, cũng như để “trở nên giàu có về kiến thức và đủ đầy về cảm xúc”.

Mới đây, Ngô Như Quỳnh đã lựa chọn trở thành tài xế đối tác của Uber nhờ tính linh hoạt và chủ động của công việc này. Ngô Như Quỳnh chia sẻ: “Với thiên hạ, có lẽ, công việc là để làm giàu, hay kiếm thu nhập, hay tạo sự nghiệp, công danh, tiếng tăm, địa vị xã hội. Còn với mình, hơi đa diện hơn. Mình làm nhiều việc. Có công việc đem đến sự ổn định, chỗ đứng xã hội. Có công việc tạo thu nhập, kiếm tiền đơn thuần. Cũng có khi làm việc chỉ vì thích, vì muốn trải nghiệm, hoặc vì muốn giúp đỡ người khác…

“Mình làm biên tập viên chính thức của HTV, có một công việc ổn định để có chỗ đứng nhất định. Mình đi làm MC event 1-2 tiếng để tích luỹ. Mình quay hình cả ngày để duy trì hình ảnh. Mình viết bài thâu đêm nát óc vì ko muốn tay bút bị lụt. Mình viết sách cả năm xong 1 cuốn đầu chi phí ko đủ cho một chuyến du lịch. Mình cũng thấy vui thú với việc bán những món đồ cũ lợi vài chục bạc, để tập tính tiết kiệm. Mình cũng ko nề hà làm những việc lụn vụn khác thu nhập “bạc cắc”, chỉ để rèn kĩ năng. Thậm chí mình làm cả những việc ko được trả công, để học nghề. Nên, lái xe, cũng là một trong những điều như vậy, chỉ đơn giản là vì muốn hiểu và trải nghiệm sự muôn vẻ của cuộc sống này.” – Ngô Như Quỳnh cho biết.

Nữ đạo diễn tài năng của “Đập cánh giữa không trung”

Nguyễn Hoàng Điệp là một trong những phụ nữ bắt đầu quan tâm và “lấn sân” sang một lĩnh vực trước đây họ chỉ là số ít: đạo diễn. Nguyễn Hoàng Điệp lần đầu tiên được giới chuyên môn chú ý khi còn là sinh viên năm thứ 4 trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội với dự án phim tốt nghiệp “Mùa Thứ 5”.

Tuy nhiên, cái tên Nguyễn Hoàng Điệp mới thực sự có sức ảnh hưởng với công chúng nhờ bộ phim tự phát hành đầu tay “Đập cách giữa không trung”. Bộ phim đã vinh dự được xướng tên cho giải thưởng Best Film (Phim hay nhất) tại Tuần lễ bình phim quốc tế Venice. Cũng nhờ bộ phim nay, nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Bratislava, Slovakia. Có thể nói, Nguyễn Hoàng Điệp là một trong những cái tên sáng giá nhất trong ngành điện ảnh Việt hiện nay.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

Nói về quyết định lựa cho theo đuổi sự nghiệp đạo diễn – một nghề rất vất vả với nữ giới, Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: “Bảy năm học chuyên văn khiến viết trở thành một thói quen, mà tôi muốn đổi mới thói quen ấy khi vào đại học. Khi thi vào trường sân khấu điện ảnh, các thầy nói nếu tôi chọn biên kịch thì được chấm đỗ ngay. Tôi kiên quyết chọn nghề đạo diễn, bỏ qua nụ cười của các thầy. Khi đó, tôi yêu phim ảnh chứ cũng chưa biết mình theo ngành học thuật thế này thì sẽ như thế nào. Khi làm đạo diễn, tôi khám phá ra một điều thú vị của việc viết lách. Tôi có thể tưởng tượng ra trước bộ phim của mình sẽ thế nào một cách giản dị mà bay bổng nhất. Còn vất vả, làm nghề nào khác thì cũng có những khó khăn riêng thôi.”

Nữ lập trình viên thành công trên đất Mỹ

Môi trường Công nghệ thông tin (CNTT) đa phần là nam giới. Theo khảo sát gần đây, tỷ lệ nhân viên nữ trong các công ty nổi tiếng như Apple, Google, Facebook và Twitter chỉ dừng lại ở mức 20%. Đặc biệt, tại Microsoft, tỷ lệ nam giới ở đây chiếm những 88%. Nổi bật trong công ty công nghệ danh giá hàng đầu thế giới này nói riêng, và ngành công nghệ khá “khô khan” nói chung là một nữ lập trình viên trẻ tuổi tên Hạnh Nguyễn.

Đam mê ngành khoa học máy tính (Computer Science), Hạnh Nguyễn (tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Hạnh), lúc đó mới học lớp 10, đã quyết định sang Mỹ du học để đeo đuổi ước mơ của mình. Với sở trường là các môn khoa học tự nhiên, Hạnh đã xuất sắc đạt điểm GPA tuyệt đối 4.0 tại trường đại học Arizona State, và được Microsoft mời làm việc ngay khi chưa tốt nghiệp.

Phụ nữ hiện đại - Phá bỏ định kiến giới về nghề nghiệp - 3

Không những là một lập trình viên giỏi, Hạnh còn có một đầu óc kinh doanh ấn tượng. Sau khi đạt được những thành công nhất định, cùng sở thích đặc biệt với thời trang, Hạnh đã chuyển đến thung lũng Silicon và đồng sáng lập một ứng dụng điện thoại kết giữa công nghệ và thời trang - Stuff N Style vào tháng 7 năm 2015.

Hạnh chia sẻ: “Ngành CNTT nay đang bùng nổ với các công ty đầy tiềm năng như Uber, Snapchat, v.v… Mình nhận thấy thời trang – mỹ phẩm cũng là vĩnh vực lớn, mà mình lại vừa có khả năng về kỹ thuật, cũng có kiến thức về thời trang nên đây chính là cơ hội mà mình không thể bỏ lỡ. Hiện tại, Stuff N Style là một trong những ứng dụng hàng đầu trên Apple App Store tại Mỹ trong lĩnh vực tủ quần áo thời trang (closet), đồng thời được giới thiệu trên trang Product Hunt - trang web giới thiệu sản phẩm hay hàng đầu tại Mỹ.”

Hạnh Nguyễn chia sẻ với các bạn nữ nhân ngày 8.3 “ Mình nghĩ thời gian giành cho công việc chiếm đến 1/3 thời gian mỗi ngày của mình. Vì thế, các bạn gái khi chọn lựa công việc nên chọn ngành mà mình yếu thích. Tốt nhất là tìm hiểu xem lĩnh vực nào là đam mê và sở trường. Không nên chọn ngành nghề chỉ vì nhiều người lựa chọn hay nó phù hợp hơn với nữ giới.”