Nữ tiến sỹ: "Họp họ - Đàn ông uống rượu cả ngày"

“Bầy biện cơm nước mệt mỏi vất vả là của phụ nữ, còn đàn ông ngồi uống rượu với nhau cả ngày cả buổi là hình ảnh rất quen thuộc”, nữ tiến sĩ chia sẻ.

 



​


Đàn ông ăn nhậu, đàn bà rửa bát

Nữ tiến sĩ V.T, hiện đang công tác tại một trường đại học lớn ở Hà Nội, chia sẻ rằng, dòng họ nhà chị là một trong những dòng họ lớn nhất Việt Nam, cũng là dòng họ có truyền thống tụ họp lớn nhất hiện giờ.

Năm nào dòng họ cũng tổ chức họp họ rất to, quy mô lớn. Nhưng là con gái, chị chưa bao giờ được tham dự nên không biết “người ta” bàn những gì trong buổi họp họ đó.

Phụ nữ trong dòng họ không được coi trọng, cũng không có tiếng nói trong các việc quan trọng của dòng họ. Họp họ chỉ dành cho các cụ, chủ yếu là đàn ông. Còn phụ nữ nếu có được đến địa điểm họp thì chỉ để nấu cơm, bày biện cỗ, dọn dẹp, rửa bát. Ngay cả những phụ nữ có chức sắc ngoài xã hội, có học hàm học vị thì cũng chỉ ngồi “mâm dưới”, không được phép bàn chuyện dòng họ.

“Dòng họ nào cũng vậy thôi. Thực ra, bầy biện cơm nước mệt mỏi, vất vả là của phụ nữ. Còn đàn ông ngồi uống rượu cả ngày cả buổi với nhau là hình ảnh rất quen thuộc rồi, ở đâu cũng vậy”, nữ tiến sĩ chia sẻ.

Theo tiến sĩ T., tình trạng ăn uống nhậu nhẹt, vui chơi của dân Việt mình quá nhiều. Và họp họ cũng chỉ là cái cớ để đàn ông ăn nhậu, cái cớ để tụ tập vui chơi.

“Hằng năm, việc cúng giỗ trong nhà, hiếu hỉ đã nhiều, giờ còn lý do họp họ, vừa tốn kém vừa lãng phí thời gian, tiền của. Đó là chưa kể, rượu vào lời ra, cũng không ít nơi xảy ra va chạm dẫn đến xô xát”, chị T. nói.

Chị T. không rõ “các cụ” bàn gì trong buổi họp họ nhưng năm nào cũng thấy “quyết sách” đưa ra trú trọng vào việc xây đền, xây chùa, xây nhà thờ tổ, chứ không phải là hỗ trợ nhà anh A phát triển kinh tế hay giúp đỡ nhà chị B đang bệnh tật như ý nghĩa vốn có của họp họ là kết nối dòng họ, tương trợ lẫn nhau.

“Tôi chia sẻ rất thật về việc họp họ là chúng ta đã không làm đúng lời tổ tiên ta đã dạy. Từ thời Lạc Long Quân - Âu Cơ đã nói, người Việt là cùng chung một bào thai, là đồng bào. Vì cớ gì chia thành các họ khác nhau để tạo thêm khoảng cách. Tất cả chúng ta là người Việt, con Lạc cháu Hồng mà. Vì thế, theo tôi, chúng ta nên dừng việc này lại thì hơn”, nữ tiến sĩ thẳng thắn.

Cái cớ tụ tập của đàn ông?

Là con gái của một dòng họ lớn, khi được hỏi “dòng họ chị có tổ chức họp họ hằng năm không”, chị N. H (Đan Phượng, Hà Nội) trả lời “có, nhưng chỉ đàn ông đi họp thôi”.

Chị cho biết, mỗi năm bố và anh trai chị đi họp một lần, vào ngày giáp Tết. Phụ nữ không ai được “bén mảng” đến khu vực họp bàn, chỉ có phụ nữ người nhà trưởng họ ra nấu cỗ, rửa bát, xong cũng không được ngồi cùng mâm với đàn ông.

“Thường là ra đồng tảo mộ, xong về nhà ăn uống. Nếu trong họ có việc gì phát sinh thì họp bàn như có thêm suất đinh thì nhập họ, xây mộ tổ...”, chị H. kể về “nội dung” cuộc họp họ.

Chị H. bảo, mọi người quen truyền thống từ xưa đến nay như thế rồi nên không ai thắc mắc tại sao phụ nữ không được họp bàn chuyện họ. Ngay cả bác gái trưởng họ cũng chỉ lo việc cơm nước, bếp núc; còn thắp hương, lễ bái tổ tiên chỉ có đàn ông mới được làm.

“Con gái không được coi trọng, vì lấy chồng xong là thôi. Với lại, có cho phụ nữ đi chắc cũng chả ai đi, vì các ông ấy ăn nhậu lâu, có khi ngồi từ trưa đến tối, trò chuyện, đánh bài oang oang”, chị H. nói.

Giỗ họ, họp họ vốn là ngày để con cháu trong dòng họ ở khắp mọi miền tổ quốc về tụ họp, gặp gỡ nhau, ôn lại truyền thống của dòng họ, kết chặt tình thân. Nhưng thực tế ở nhiều dòng họ, chỉ có đàn ông được đi họp, còn phụ nữ có muốn cũng không được đến.

Họp họ, một mặt khác, còn thể hiện tư tưởng phong kiến, trọng nam khinh nữ của người Việt.

Theo VietnamNet