Quảng Nam:

Nữ cán bộ được mệnh danh “vua hòa giải” của thôn

(Dân trí) - Biệt danh “vua hòa giải” hay “trưởng thôn đa năng”... là cách mà người dân thôn Phú Nhuận 3 (xã Duy Tân, Duy Xuyên, Quảng Nam) dành cho bà Nguyễn Thị Cường.

Nguyên là cán bộ du kích địa phương, sau ngày đất nước thống nhất, bà tiếp tục tham gia công tác xã hội tại nơi mình sinh sống. Tuy là một thương binh 2/4, sức khỏe có hạn nhưng bà Cường có một bề dày tham gia công tác xã hội với hơn 15 năm làm Trưởng ban thôn Phú Nhuận 3.

Bà Nguyễn Thị Cường
Bà Nguyễn Thị Cường

Hiện tại, bà Cường tham gia 6 nhiệm vụ: Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban thôn, Chi hội trưởng Khuyến học, Chi hội phó CCB, Tổ trưởng tổ hòa giải, Y tế thôn kiêm Cộng tác viên dân số.

Rời khỏi nhà từ sáng sớm đến tối mịt mới về, sau cơm nước bà lại ngồi vào bàn tất bậc với công việc xã hội và chỉ nghỉ ngơi khi trời đã về khuya. Chiếc xe đạp là bạn đồng hành cùng bà trên khắp nẻo đường thôn xóm, có những lúc công việc kéo dài trở về nhà đã quá giờ cơm trưa.

Nữ cán bộ được mệnh danh “vua hòa giải” của thôn - 2

Với bà Nguyễn Thị Cường công việc thôn xóm, của xã… là trên hết. Bà chia sẻ: “Nhờ sự ủng hộ của chồng, con mà tôi mới có thể hoàn thành tốt công việc của mình. Vì sự tín nhiệm của người dân tôi mới cố gắng làm cho đến bây giờ. Mọi người hết lòng tin tưởng, hy vọng ở mình thì mình không thể phụ họ được. Công việc nhà đều nhờ hết vào chồng và con cái, tôi chỉ có thể phụ giúp việc lặt vặt quét dọn, nhưng chưa bao giờ mọi người than phiền mà thay vào đó là sự ủng hộ nhiệt tình”.

Nhiều năm qua bà phối hợp cùng cán bộ, cơ sở thôn, xóm mỗi năm hòa giải thành công từ 5-6 vụ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, kinh tế, hôn nhân gia đình… Năm 2013, hộ ông Nguyễn Văn C. và Nguyễn Văn N. tranh chấp đất đai với nhau, nhưng sau đó đã được Tổ hòa giải của bà Cường hòa giải thành công. Hiện nay, các gia đình đã êm ấm, hạnh phúc, chí thú làm ăn, hết mình vì tình làng nghĩa xóm.

Nữ cán bộ được mệnh danh “vua hòa giải” của thôn - 3
Những bằng khen bà Cường đạt được
Những bằng khen bà Cường đạt được

Để làm tốt công tác hòa giải, bà Cường chia sẻ: “Muốn hòa giải thành công trước hết phải chọn những thành viên trong tổ hòa giải hội đủ các yếu tố, điều kiện như: gia đình văn hóa, gương mẫu, đoàn kết, có kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ý thức kỷ luật và quan trọng là cái tâm của họ. Trong đó phải có người cao tuổi, nông dân, Đoàn thanh niên, phụ nữ, mặt trận, CCB…”.

Những huy chương của bà Cường và chồng trong kháng chiến
Những huy chương của bà Cường và chồng trong kháng chiến

Sau mỗi lần hòa giải dù thành công hay thất bại, các cán bộ cơ sở phải họp nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm, đồng thời nêu ra những tồn đọng, những đóng góp mới để hòa giải những vụ việc mới xảy ra. Tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, mặt trận cấp trên, Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận, các đoàn thể khác và gia tộc, anh em… để mang lại thành công trong công tác hòa giải. Nhờ vậy, những năm qua tại thôn không có chuyện nhỏ xé ra to, không có đơn thư vượt cấp.

Bà Nguyễn Thị Cường chia sẻ về công việc của mình

Ông Nguyễn Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Duy Tân (Duy Xuyên, Quảng Nam) - nhận xét: “Bà Nguyễn Thị Cường là người giữ vai trò ở thôn Phú Nhuận khá lâu, được nhân dân tin yêu và tín nhiệm. Bà luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhiều năm được lãnh đạo khen tặng là tấm gương sáng trong phong trào công tác tại địa phương. Bà còn là người giải quyết mâu thuẫn, không để sự việc đẩy về xã. Nhiều năm liền thôn Phú Nhuận 3 luôn là lá cờ đầu về phong trào của toàn xã”.

N.Linh-C.Bính