Nỗi lòng xe ôm thời… công nghệ

(Dân trí) - Cùng với sự lên ngôi của smart phone, hàng ngàn dịch vụ cũng được “thông minh hóa”. Giờ đây, nhắc đến việc đặt xe qua mạng, rất ít người còn cảm thấy lạ lẫm. Nhưng song hành với sự hiện đại này, có những câu chuyện đáng suy ngẫm được gợi lên từ nghề xe ôm truyền thống.

Xe ôm truyền thống thất thế


Xe ôm thường tập trung khá đông ở bến xe.

Xe ôm thường tập trung khá đông ở bến xe.

Đã quá nửa buổi chiều nhưng chú Bằng (56 tuổi) mới có người khách đầu tiên. Vừa dựng chân chống của chiếc Dream già nua, chú vừa than thở: “Đứng cả ngày chả được nổi 50.000 đồng. Vốn dĩ xe ôm thì ở đâu cũng có, nay nghe đâu lại có mấy dịch vụ đặt xe qua mạng, nên mấy người như chúng tôi ngày càng thưa khách. Hiện giờ, nguồn thu nhập của tôi chủ yếu là từ khách quen và thỉnh thoảng được nhờ vài chuyến chở hàng, chứ nếu trông vào khách lạ như trước có mà “móm” cả ngày.”

Đứng ở góc đường nơi chú Bằng làm việc chỉ vài phút, nhưng thi thoảng lại bắt gặp chiếc áo đồng phục của dịch vụ đặt xe qua mạng chạy vụt qua. Nhìn theo những chiếc xe đang hòa lẫn vào dòng người đông đúc, chú cười buồn: “Đành rằng việc lựa chọn là nằm ở nhu cầu và sở thích của khách hàng, nhưng nhiều khi cũng thấy tủi thân. Tôi không biết dùng điện thoại cảm ứng, mà cũng không hiểu rõ về dịch vụ kia nên đành chấp nhận. Đó là sự cạnh tranh của xã hội, mình chỉ là phận con sâu cái kiến, phải biết tùy cơ mà kiếm sống thôi.”

Ngày nay, với sự phát triển và phổ cập ngày càng rộng rãi của công nghệ, việc ngồi nhà, cầm một chiếc smart phone lên “book” (đặt) xe không phải vấn đề quá khó khăn. Thậm chí, ở bến tàu, bến xe, vốn là nơi tập trung nhiều xe ôm kiểu truyền thống, nhưng cũng chẳng còn ai lạ lẫm với hình ảnh các “thượng đế” chỉ bằng vài thao tác trên màn hình cảm ứng, vài phút sau đã có xe đưa đón tận nơi.


Giá thành của một chuyến xe ôm đặt qua mạng rẻ hơn giá xe truyền thống

Giá thành của một chuyến xe ôm đặt qua mạng rẻ hơn giá xe "truyền thống"

Đăng ký vào làm cho dịch vụ đặt xe ôm qua mạng mới được vài tháng nhưng anh Cường (23 tuổi) đã dần quen với nhịp độ công việc. Anh khẳng định: “Mình không tranh khách của các bác, các chú xe ôm khác vì mọi thỏa thuận đều được thực hiện qua mạng. Cùng làm một nghề, chắc chắn khách hàng đặt xe của mình thì các bác cũng không còn nhiều khách, nhưng mình cũng làm việc chân chính, kiếm tiền bằng mồ hôi công sức cả.”

Anh Nguyễn Văn Bàn, một khách hàng sử dụng dịch vụ đặt xe qua mạng chia sẻ: “Dịch vụ này ngày càng phổ biến bởi nó nắm bắt được tâm lý nhiều người. Với giá tiền hiển thị rõ ràng trên màn hình, chẳng sợ bị chặt chém và cũng không cần mất công mặc cả như xe ôm thông thường. Có lần đi xe ôm ở bến, chú lái xe đi lòng vòng rồi lấy cớ đường xa bắt tôi trả thêm tiền. Không đáng là bao nhưng tôi thực sự không thoải mái. Thêm nữa, những người làm cho công ty thế này có tư cách pháp nhân rõ ràng nên mình cảm giác yên tâm hơn.”

“Coi như sự san sẻ với thế hệ cháu con”


Nghề xe ôm có trăm bề vất vả.

Nghề xe ôm có trăm bề vất vả.

Làm xe ôm trên đường Hoàng Diệu đã chục năm nay, bác Thắng (70 tuổi) gần như đã trải qua hết mọi đắng cay, vui buồn của nghề.

“Việc của tôi như làm dâu trăm họ, phải làm sao thuận lòng khách hàng mà mình không bị thiệt. Làm xe ôm thấy cuộc sống đúng nhiều điều phức tạp. Ai nghĩ từng này tuổi đầu rồi còn bị một đứa đáng tuổi con mình lừa. Cả 10 chuyến xe đều trả tiền đàng hoàng, ấy thế mà đến chuyến thứ 11, con bé đó vay tôi 800.000 đồng. Cầm tiền xong, nó đi vào một ngõ nhỏ thông ra đường lớn. Thế là mất trắng, chỉ vì quá tin người.”, bác kể lại câu chuyện “xương máu” của mình.

Dù tuổi đã cao, nhưng khi nghe nhắc đến những dịch vụ đặt xe qua mạng, bác vẫn tỏ ra thông hiểu: “Ngày trước có mấy cậu thanh niên chạy xe qua mạng cũng đứng ở đây đợi khách. Mọi người cứ nghĩ làm như chúng ít rủi ro, nhưng nghe kể mới biết cũng có nhiều chuyện buồn. Chúng chỉ trạc tuổi con mình mà phải lăn lộn với cái nghề này, cực quá. Thôi thì coi như hai thế hệ cùng san sẻ mà sống. Mình già rồi, không cần dùng đến nhiều tiền như lớp trẻ. Có hôm kiếm đủ bát phở với cốc nước chè rồi cũng đi về.”

Một chú xe ôm đứng gần đó góp chuyện: “Thử nghĩ, trời nắng thế này, chỉ cần lướt điện thoại vài cái là có người đến tận nhà đón đi, ai mà chẳng thích. Chúng tôi vắng khách hẳn. Nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, nhờ những dịch vụ như thế, con cháu nó mới hơn mình. Quanh quẩn cả đời ở đây rồi nhiều khi cuộc sống nó cũng toen hoẻn như cái góc đường, tìm mãi chả được lối ra."

Bài và ảnh: Hoàng Ngọc