Nhọc nhằn nghề săn tôm hùm giống tại Quảng Trị

(Dân trí) - Lặn hàng giờ dưới đáy biển, những ngư dân thuộc dạng lão luyện nhất cũng chỉ bắt được khoảng ba đến bốn chục con tôm giống, bán ra thị trường chỉ tầm 15-20 ngàn đồng/con, nhưng những người hành nghề này phải đối diện với biết bao nguy hiểm, thậm chí “đánh cược” cả sinh mệnh của mình giữa biển khơi.

Sau nhiều tháng nghỉ bờ do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, những ngư dân hành nghề lặn bắt tôm hùm giống tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị mới thu xếp dụng cụ, dong thuyền ra khơi để tiếp tục công việc mưu sinh. Địa phương này hiện còn gần chục ngư dân có thâm niên lâu năm làm nghề săn tôm hùm giống.

Nhọc nhằn nghề săn tôm hùm giống tại Quảng Trị

Trải qua gần 10 giờ lênh đênh trên biển, ngư dân Nguyễn Văn Hiển (ở khu phố Hòa Lý, thị trấn Cửa Tùng) mới cho thuyền trở về bờ. Trong bộ dạng khá mệt mỏi, anh Hiển cho biết, thuyền anh đi từ sáng đến chiều mà chỉ bắt được hơn 60 con tôm hùm giống. Bán cho các thương lái với giá 15 ngàn đồng/con, tất cả được 900 ngàn đồng. Số tiền này chia cho 3 người cùng đi, mỗi người được 300 ngàn đồng.

Thuyền các ngư dân cập bờ sau gần 1 ngày lặn bắt tôm hùm
Thuyền các ngư dân cập bờ sau gần 1 ngày lặn bắt tôm hùm

“Làm nghề ni vất vả lắm chú à, lặn gần cả ngày trời mới bắt được vài chục con tôm. Trung bình mỗi ngày công chỉ được 250-300 ngàn đồng nhưng nguy hiểm vô cùng. Năm nay môi trường không được thuận lợi nên tôm ít hơn. Đặc biệt, sau sự cố môi trường xuất hiện lượng bùn dày đặc nên tôm mất dần. Mấy năm trước tôm còn nhiều nên thu nhập cao hơn”, anh Hiển nói.

Anh Hiển và bạn thuyền vào bờ với bộ dạng mệt mỏi sau nhiều giờ lặn dưới đáy biển
Anh Hiển và bạn thuyền vào bờ với bộ dạng mệt mỏi sau nhiều giờ lặn dưới đáy biển

Tôm hùm giống thường sinh sống ở các rạn đá nên các ngư dân này phải đi thuyền ra cách bờ chừng 4-4,5 hải lý rồi lặn xuống. Mỗi lần lặn như vậy kéo dài từ 20-30 phút, sau đó phải ngoi lên bờ để lấy không khí. Các ngư dân phải lặn liên tục dưới đáy biển để săn tôm giống.

Theo các ngư dân, đây là mùa tôm hùm sinh sản nên mọi người đều ra biển để lặn bắt tôm. Đối mặt với biết bao khó khăn như vậy, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều ngư dân tại Cửa Tùng vẫn quyết tâm bám nghề, người nhiều nhất cũng có thâm niên trên 25 năm lặn biển, trung bình cũng 20 năm hoặc người ít cũng hơn 10 năm.

Không được may mắn nên thuyền của ông Việt bắt được ít tôm hơn
Không được may mắn nên thuyền của ông Việt bắt được ít tôm hơn

Một ngư dân cho biết: Khi lặn sâu dưới đáy biển, chúng tôi lần theo các khe đá, đây là nơi tôm thường đẻ trứng và tôm giống sau khi nở ẩn nấp. Phải thật tinh mắt và có kinh nghiệm, người săn tôm giống mới biết được trong hốc đá có tôm rồi dùng que sắt nhỏ chọc vào để tôm nhảy ra khỏi ổ và bắt.

Không được may mắn như thuyền anh Hiển, thuyền của ông Phan Quốc Việt (58 tuổi, trú tại thị trấn Cửa Tùng) và bạn thuyền chỉ lặn được 40 con tôm giống. Ông Việt cho hay, ông làm nghề này được hơn 20 năm. Trước đây ông có lặn nhưng bây giờ do tuổi cao nên chỉ ngồi trên thuyền thả dây cho người trẻ hơn lặn xuống.

Những dụng cụ lặn bắt tôm giống là dây dẫn khí, chì, ống thở...
Những dụng cụ lặn bắt tôm giống là dây dẫn khí, chì, ống thở...

Những con tôm hùm giống được bán cho các thương lái
Những con tôm hùm giống được bán cho các thương lái

“Làm nghề này phải ngậm vòi hơi lặn sâu dưới biển, công việc vô cùng gian nan, vất vả. Về mùa đông biển rất lạnh, trong khi phải lặn sâu như vậy, lên bờ không thở nổi, nhưng về mùa này thì đỡ hơn. Trung bình mỗi ngày chỉ được 200-300 ngàn đồng, nhưng phải “đánh cược” tính mạng của mình với biển. Đã có trường hợp bị chết trong quá trình lặn”, ông Việt tâm sự.

Anh Lê Văn Hải, người có thâm niên hành nghề hơn 20 năm cho biết: “Dù biết làm nghề này là đối diện với bao vất vả do lặn hàng giờ dưới đáy biển, nhưng vì kế sinh nhai nên phải bám nghiệp”.

Anh Hải thu dọn các dụng cụ trên thuyền để trở về nhà
Anh Hải thu dọn các dụng cụ trên thuyền để trở về nhà

Sau khi thuyền vào bờ, các thương lái đã chờ sẵn bên trên để thu mua tôm giống đưa đi các nơi. Theo các thương lái, hiện giá tôm hùm giống giảm sâu xuống còn 14-15 ngàn đồng/con. Năm ngoái giá tôm cao hơn, đạt từ 40-50 ngàn đồng/con. Tôm giống sau khi thu mua được đưa vào các tỉnh Nam miền Trung như: Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Định… So với những năm trước, giá tôm hùm giống giảm xuống còn 1/3 nên các ngư dân hành nghề này cũng khá chật vật.

Tôm được để trong thùng nước để khỏi bị chết
Tôm được để trong thùng nước để khỏi bị chết

Mỗi ngày công từ 200-300 ngàn cũng có thể nhiều hơn so với một số nghề. Tuy vậy, công việc không phải khi nào cũng gặp thuận lợi, có khi may mắn, lúc về trắng tay. Nhắc đến nghề lặn biển, một lão ngư bộc bạch: “Nghề gì cũng vậy, đều có cái giá của nó. Làm nghề lặn, có những người phải trả cái giá quá đắt”.

Những người mưu sinh bằng nghề lặn biển đều hiểu được sự vất vả, gian truân, thậm chí nguy hiểm luôn rình rập. Thế nhưng, vì miếng cơm manh áo, họ đành chấp nhận hiểm nguy, với mong muốn cuộc sống gia đình họ bớt đi phần chật vật, khốn khó.

Đăng Đức